Góp phần cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm HIV/AIDS

16/11/2017 17:02

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức xã hội đã hỗ trợ tốt về lĩnh vực dự phòng, hoạt động truyền thông, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng. Góp phần cùng hệ thống Quốc gia cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV tại cộng đồng và góp phần vận động chính sách phòng, chống HIV/AIDS.

 

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Để tìm hiểu thêm về vai trò của tổ chức xã hội và công tác phối hợp với ngành y tế trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phóng viên Trang tin Tiếng chuông – Trang tin của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm có bài phỏng vấn TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Xin ông cho biết thời gian qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phối hợp như thế nào với các tổ chức xã hội dân sự. Điển hình là việc phối hợp thực hiện Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Thời gian qua, ngành y tế nói chung và Cục Phòng, chống HIV/AIDS nói riêng đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức xã hội, điển hình là Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) xây dựng đề xuất, thực hiện Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS - Dự án VUSTA.

Cụ thể, năm 2009, VUSTA đã xây dựng Đề án và CCM Việt Nam đã đồng ý là đại diện cho cấu phần các tổ chức xã hội Việt Nam trình Quỹ Toàn cầu. Giai đoạn 2011-2015, VUSTA là cơ quan tiếp nhận tài trợ phụ của Quỹ Toàn cầu với kinh phí phân bổ hơn 9 triệu USD. Tuy nhiên, đánh giá năng lực chưa đủ nên giai đoạn này đã ghép với Bộ Y tế. Ở dự án này, VUSTA là Dự án thành phần thuộc Dự án do Cục Phòng, chống HIV/AIDS là đơn vị tiếp nhận viện trợ chính. Dự án VUSTA vừa tổ chức thực hiện dự án như đơn vị nhận viện trợ phụ của Cục, vừa xây dựng nâng cao năng lực.

Giai đoạn 2 từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2017, VUSTA đã chính thức trở thành đơn vị tiếp nhận viện trợ chính của Quỹ Toàn cầu (PR). Triển khai dự án tại 15 tỉnh, thành phố với tổng kinh phí gần 7 triệu USD. Mặc dù là đơn vị nhận viện trợ chính, nhưng Cục Phòng, chống HIV/AIDS và VUSTA vẫn phối hợp chặt chẽ trong: Xây dựng kế hoạch Dự án; chuyển tiếp (KP và HIV) tới nhận các dịch vụ thích hợp; cung ứng vật dụng can thiệp (bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn); báo cao hoạt động thực hiện dự án...

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS còn phối hợp trong gặp mặt định kỳ với các tổ chức xã hội, nhằm định hướng chiến lược chương trình phòng, chống HIV/AIDS; chia sẻ thông tin hoạt động giữa Chính phủ và các tổ chức xã hội; vận động và nâng cao vị thế các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã được đánh giá là đơn vị của Chính phủ gặp mặt thường xuyên với các tổ chức xã hội. Ngoài ra, Cục còn phối hợp xây dựng quy chế phối hợp phòng, chống HIV/AIDS

Trong quá trình phối hợp, hai bên gặp phải khó khăn gì, thưa ông?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Giai đoạn 2011-2015, là giai đoạn hướng dẫn phối hợp trong triển khai hoạt động giữa các đơn vị triển khai Dự án thành phần thuộc Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS tại các tỉnh, thành phố. Giai đoạn 2015-2017, là giai đoạn quy chế phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong khuôn khổ Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ đến 31/12/2017.

Đối với Quy chế phối hợp giữa Cục Phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội (NGO) trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, hai bên đã thảo luận và dự thảo từ năm 2011. Tuy nhiên, khó khăn về phía các tổ chức phi chính phủ về sự đồng thuận cũng như ký thỏa thuận nên đến nay vẫn chưa ký được Quy chế này.

Ngoài ra, một số khó khăn khác là tính bền vững của các tổ chức xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS; không có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho các tổ chức xã hội; một số tổ chức chưa sẵn sàng phối hợp và chia sẻ thông tin. Do mối quan hệ chỉ là phối hợp nên không thực sự chặt chẽ, Cục Phòng, chống HIV/AIDS chỉ có thể làm việc với các NGO và các mạng lưới chưa làm việc trực tiếp được với CBO.

Ông đánh giá như thế nào về vai trò của các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Tổ chức xã hội phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã tham gia vào nhiều khía cạnh hoạt động xã hội trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống, y tế, xã hội, kinh tế. Đặc biệt, đã tham gia phòng, chống HIV/AIDS với các mức độ đóng góp khác nhau, tùy thuộc vào chức năng và khả năng của từng tổ chức.

Trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các tổ chức xã hội đã hỗ trợ tốt về lĩnh vực dự phòng. Bên cạnh đó, hỗ trợ các hoạt động truyền thông, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS tại cộng đồng. Góp phần cùng hệ thống Quốc gia cung cấp đầy đủ các gói dịch vụ cho người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV tại cộng đồng và góp phần vận động chính sách phòng, chống HIV/AIDS.

Trong vận động chính sách cấp Quốc gia, các tổ chức xã hội đã tham gia vận động nhiều chính sách quan trọng liên quan đến quyền người nhiễm và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, vấn đề tiếp cận thuốc giá rẻ, tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị.

Đối với cấp độ quốc tế và khu vực, họ đã tham gia vào các diễn đàn khu vực và quốc tế quan trọng, góp thêm tiếng nói trong nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy nhanh tiến độ, hướng tới mục tiêu toàn cầu về tiếp cận phổ cập tới các dịch vụ về HIV và thực hiện mục tiêu MDG.

Đại diện người nhiễm HIV và những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV đã tham gia với tư cách thành viên chính thức của đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về AIDS tháng 6/2011. Hội nghị Thượng đỉnh Thanh niên Thế giới về HIV, đối thoại khu vực về HIV và Luật, các Hội nghị thế giới và khu vực.

Trong hoạch định chính sách, họ đã tham gia rất tích cực vào việc xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Những người nhiễm HIV, nguy cơ cao lây nhiễm HIV và các tổ chức phi chính phủ trong nước đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Nghị định Xử lý vi phạm hành chính trong phòng, chống HIV/AIDS, Nghị định với quy định sửa đổi không xử phạt hôn nhân đồng giới; Nghị định 136/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 67 và 13 đã có những thay đổi tích cực tăng trợ cấp cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và những người chăm sóc các em và hàng loạt các văn bản quan trọng khác…

Gần đây các tổ chức xã hội dân sự cũng đã tham gia đóng góp ý kiến trong nhiều kế hoạch và chính sách quan trọng (concept not gửi Quỹ Toàn cầu, khung chiến lược đầu tư HIV/AIDS, đề án bảo đảm tài chính phòng, chống HIV/AIDS, các thông tư…) thông qua các đối thoại quốc gia, diễn đàn, hội nghị và tham dự các cuộc họp.

Trong cung cấp dịch vụ, các tổ chức xã hội đã có đóng góp quan trọng trong các hoạt động cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS. Đặc biệt, hỗ trợ Chính phủ trong việc cung cấp các dịch vụ tại những lĩnh vực hoặc những vùng mà dịch vụ của Chính phủ chưa bao phủ hết.

Ngoài ra, họ còn tham gia một số lĩnh vực khác như: Nghiên cứu, theo dõi, đánh giá chiến lược Quốc gia; tiến hành nghiên cứu đánh giá về chỉ số kỳ thị, phân biệt đối xử, nghiên cứu mạng lưới người sử dụng ma túy, lạm dụng rượu bia, thuốc lá và các hành vi nguy cơ của những người có quan hệ tình dục đồng tính… Họ cũng nỗ lực huy động nguồn lực viện trợ từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS khi nguồn lực trong nước cho công tác này bị cắt giảm mạnh.

Ông có đề xuất, kiến nghị gì để công tác phối hợp với các tổ chức xã hội đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Trong giai đoạn tới (giai đoạn 2018-2020), Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với VUSTA xây dựng đề xuất với Quỹ Toàn cầu chung một dự án. Qua đánh giá, Ban Kỹ thuật Quỹ Toàn cầu đã đánh giá cao với đề xuất này. Dự kiến, dự án khoảng 56,6 triệu USD. Giai đoạn này, VUSTA tiếp tục là đơn vị nhận viện trợ chính của PR song song cùng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Là PR độc lập nhưng hai bên cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa.

Các tổ chức xã hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Cục Phòng, chống HIV/AIDS và các cơ quan thuộc Chính phủ trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tiếp tục tổ chức gặp mặt định kỳ; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa Cục và các tổ chức xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Theo tôi, nên để cho VUSTA và Dự án VUSTA có thể đại diện các tổ chức xã hội để ký kết quy chế phối hợp này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
}
Top