Hà Giang đẩy mạnh hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

04/01/2022 14:53

Tội phạm lợi dụng những phụ nữ dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết, hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp, nhẹ dạ cả tin, có mâu thuẫn gia đình hay bị bạo hành để dụ dỗ lôi kéo sang Trung Quốc.

Hà Giang đẩy mạnh hỗ trợ nạn nhân bị mua bán - Ảnh 1.

Hà Giang tuyên truyền phòng chống mua bán người

Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh hết sức phức tạp, lây ra nhanh chóng trên diện rộng (ở tất cả 11/11 huyện, thành phố). Do ảnh hưởng đại dịch, có trên 5.000 lao động của tỉnh quay trở về địa phương sinh sống, gây áp lực đến đời sống, sinh hoạt của người lao động. Xuất phát từ những điều kiện nêu trên, tình trạng mua bán người trên địa bàn tỉnh Hà Giang vẫn diễn biến phức tạp với phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm hết sức tinh vi, sảo quyệt và hầu hết các vụ án xảy ra đều có sự câu kết giữa các đối tượng là người Việt Nam và đối tượng là người Trung Quốc.

Đặc biệt là việc lợi dụng những phụ nữ dân tộc thiểu số thiếu hiểu biết, hoàn cảnh khó khăn, trình độ văn hóa thấp, nhẹ dạ cả tin, có mâu thuẫn gia đình hay bị bạo hành để dụ dỗ lôi kéo sang Trung Quốc.

Với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác phòng chống mua bán người trên địa bàn tỉnh với nhiều nội dung phong phú, thiết thực, nhất là các huyện biên giới, qua báo cáo của các huyện và các ngành chức năng, tổ chức 1.071 buổi với  79.735 người. Số pa no, áp phích, tờ rơi, tờ gấp về phòng, chống mua bán người. Treo 600 pano, trên 300 áp phích, gần 15.000 tờ rơi.

Ngoài ra tỉnh Hà Giang còn duy trì và vận hành Tổng đài đường dây nóng phòng chống mua bán người 18001282 kết nối với tổng đài 111 của trung ương, đặt tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh để tiếp nhận các thông tin và xử lý, hướng dẫn hỗ trợ nạn nhân có nguy cơ bị mua bán được tiếp cận với các cơ quan chức năng, dịch vụ pháp lý về phòng chống mua bán người, trong năm 2021 tiếp nhận 498 cuộc gọi đến đường dây nóng thông tin về phòng chống mua bán người.

Công tác tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân mua bán người tại tỉnh Hà Giang luôn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở LĐTB&XH, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, sau khi tiếp nhận nạn nhân do nước ngoài trao trả hoặc giải cứu các lực lượng bộ đội Biên phòng, lực lượng Công an và các ngành chức năng kịp thời hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu và chăm sóc nạn nhân như: bố trí nơi ở tạm thời, ăn uống hàng ngày, quần áo, đồ dùng cá nhân, chăm sóc sức khỏe, tư vấn tâm lý hỗ trợ tiền ăn, đi đường cho nạn nhân trở về nơi cư trú. Trong năm 2021, theo báo cáo của Công an tỉnh và Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã tiếp nhận, xác minh 24 nạn nhân, trong đó xác định là nạn nhân là 24 người, cơ bản các nạn nhân đều được hỗ trợ  theo quy định.

Hiện nay Trung tâm công tác xã hội tỉnh trực thuộc Sở, là cơ sở duy nhất của tỉnh thực hiện việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Trong năm 2021, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Nhật Bản tài trợ cho “Dự án nâng cấp khu nhà tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về tại tỉnh Hà Giang” với tổng kinh phí 1.757 triệu đồng, hiện nay, công trình cơ bản hoàn thành, nhưng do tình hình dịch COVID-19 nên năm 2021 không có nạn nhân bị mua bán tiếp nhận vào Trung tâm.

 Nạn nhân bị mua bán người tái hòa nhập cộng đồng về địa phương, được chính quyền và các tổ chức đoàn thể của huyện, xã quan tâm giúp đỡ hỗ trợ như: Hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế, chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản, cây giống, thêu dệt lanh thổ cẩm, trồng cây ăn quả có múi (Cam, quýt, bưởi, hồng không hạt..) trồng cỏ chăn nuôi bò, dê. Điển hình như Hội phụ nữ các cấp đã hỗ trợ 89 con trâu, bò, dê lợn hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, nghi bị mua bán, thành lập 1 số hợp tác xã thêu dệt lanh thổ cẩm để giúp chị em phụ nữ có việc làm tại chỗ, huyện Xín Mần hỗ trợ 1 nạn nhân xây mới 1 ngôi nhà trị giá 90 triệu, Tổ chức trẻ em Rồng xanh (BDDCF) hỗ trợ 5 nạn nhân mua bò, dê, lợn với tổng kinh phí 68,6 triệu đồng....  các cấp Hội đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho người là nạn nhân bị mua bán và đối tượng phụ nữ đi Trung quốc làm thuê trái phép qua biên giới trở về được vay vốn phát triển kinh tế gia đình, nhằm từng bước ổn định cuộc sống.

Công tác tổ chức dạy nghề gắn với giải quyết việc làm được thực hiện theo kế hoạch giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm chung trên địa bàn tỉnh, trong đó có ưu tiên tạo điều kiện cho nhóm đối tượng là nạn nhân bị mua bán trở về. Tuy nhiên, những người là nạn nhân bị mua bán trở về khi đăng ký học nghề đều không khai đã là nạn nhân mà chỉ khai là hộ nghèo nên công tác thống kê số nạn nhân bị mua bán được học nghề không có số liệu riêng.

Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể cơ bản đã phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán người trở về tái hòa nhập cộng đồng. Tham mưu kịp thời cho cấp ủy chính quyền địa phương về việc phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử, tạo môi trường xã hội lành mạnh để họ sớm ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng.  

Theo báo cáo của các huyện mới thực hiện hỗ trợ trợ cấp khó khăn ban đầu cho 03 nạn nhân theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, với mức 3.000.000đ/người, số nạn nhân còn lại đang tiếp tục rà soát, tuy nhiên, có nạn nhân không có giấy xác nhận là nạn nhân, hoặc không phải là hộ nghèo, hoặc đã bỏ đi khỏi địa bàn cư trú, có người đã quá thời hạn (12 tháng) để hưởng trợ cấp. Nhưng tất cả các đối tượng là nạn nhân bị mua bán trở về trong năm 2021 đều được Tổ chức trẻ em Rồng xanh hỗ trợ, trợ cấp đời sống với mức từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 đồng với thời gian từ 1 đến 3 tháng.

Được sự hỗ trợ của Tổ chức trẻ em rồng xanh (BDCF/ÚC), Sở LĐTB&XH phối hợp với Tổ chức BDCF/ÚC tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác phòng chống mua bán người cho 174 người là cán bộ cấp huyện, xã và cộng tác viên xã hội làm công tác hỗ trợ nạn nhân. Huyện Mèo vạc tổ chức 2 hội nghị tập huấn nhiệp vụ về phòng chống mua bán người cho 100 người là cán bộ cấp huyện, cấp xã.

Có được kết quả trên là do được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể, các cấp, công tác thi hành pháp Luật về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng trở về địa phương được triển khai có hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực về  nhận thức và hành động trong thực hiện chính pháp luật đối với người bị mua bán trở về (tư vấn, hỗ trợ tâm lý, chăm sóc y tế, hỗ trợ ban đầu, định hướng nghề nghiệp và đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ cây con giống) giúp họ ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế góp phần giữ vững an ninh trật tự của cơ sở. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và các tổ chức đoàn thể trong thực hiện công tác phòng chống mua bán người, được tiến hành một cách đồng bộ, có hiệu quả, giúp cho nạn nhân xóa bỏ được mặc cảm, tự tin vươn lên hòa nhập với cộng đồng.

Trong thời gian tới, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các vùng giáp biên, vùng sâu, vùng xa còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp có chiều hướng gia tăng. Phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng ngày càng tinh vi, tính chất mức độ ngày càng nguy hiểm hơn. Lợi dụng trình độ, nhận thức, phong tục tập quán, nhu cầu cần việc làm, các trang mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt mua bán phụ nữ và trẻ em sang bên kia biên giới Trung Quốc. Tình hình dịch bệnh COVID-19 biến chủng mới diễn biến nhanh chóng, khó lường ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động của công tác phòng chống mua bán người.

Tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng, chống mua bán người, trọng tâm là Kế hoạch thực hiện chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 của UBND tỉnh; Kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống mua bán người, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể. Tăng cường tập huấn nghiệp vụ về công tác hỗ trợ nạn nhân, thông qua sự hỗ trợ của các Tổ chức quốc tế.

Hướng dẫn các huyện tiếp tục rà soát thống kê số nạn nhân bị mua bán trở về, trọng tâm là các huyện biên giới để thực hiện các chính sách hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật, nhất là hỗ trợ trợ cấp khó khăn ban đầu theo Nghị quyết số 15 của Hội đồng nhân dân tỉnh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nạn nhân để tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề, hỗ trợ sinh kế nhằm giúp nạn nhân ổn định cuộc sống tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp với Tổ chức trẻ em rồng xanh (BDCF/ÚC) triển khai thực hiện hợp phần dự án phòng chống mua bán người tại tỉnh Hà Giang năm 2022 theo kế hoạch, lựa chọn xây dựng từ 1 đến 2 mô hình điểm về hỗ trợ nạn nhân tại huyên Đồng Văn, Yên Minh.

Top