Hà Nội: Đấu tranh, ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm

05/02/2022 10:47

(Chinhphu.vn) - Theo kế hoạch, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể, giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy.

Hà Nội: Đấu tranh, ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm - Ảnh 1.

Lực lượng công an đã triệt phá nhiều vụ sử dụng ma túy trong các cơ sở dịch vụ karaoke

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về phòng, chống ma túy trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022.

Theo đó, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp, lấy phòng ngừa là chính, đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa, từ sớm là quan trọng để giải quyết tổng thể, giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của ma túy; đẩy mạnh phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", góp phần chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống ma túy tiến tới đẩy lùi tệ nạn ma túy, hạn chế thấp nhất tác hại do ma túy gây ra, tạo môi trường xã hội lành mạnh, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước và Thủ đô…

Thành phố cũng tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể trong kế hoạch theo đúng tiến độ, thời gian quy định với hiệu quả cao nhất. Cụ thể, điều tra, khám phá, xử lý hình sự 2.300 vụ án phạm tội về ma túy, trong đó có 1.150 vụ có tính chất mua bán trái phép chất ma túy (bằng 50% chỉ tiêu số vụ xử lý hình sự).

Triệt xóa 100% điểm phức tạp về ma túy còn tồn tại đến cuối năm 2021; giữ ổn định các địa bàn, điểm phức tạp về ma túy đã giải quyết điểm; rà soát, kịp thời phát hiện những điểm, tụ điểm có nguy cơ phát sinh để tập trung đấu tranh triệt xóa; không để hình thành các điểm, tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép chất ma túy liên quan đến dịch vụ kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy công khai ở các địa bàn công cộng, khu dân cư, trường học... gây bức xúc dư luận.

Hạn chế mức thấp nhất, kịp thời phát hiện chủ động phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đấu tranh triệt xóa các tụ điểm tệ nạn xã hội phức tạp trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng đặt mục tiêu, trên 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Lập 950 hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân các quận, huyện, thị xã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong đó, 50% người có hộ khẩu Hà Nội.

Đồng thời, tích cực vận động đưa người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy của thành phố. Tổ chức thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, phát triển các mô hình cai nghiện hiệu quả tại cộng đồng. Duy trì các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú tại các xã, phường, thị trấn đã triển khai năm 2021, phát triển mới các mô hình tại các xã, phường, thị trấn năm 2022.

Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện điều trị thay thế bằng thuốc thay thế (Methadone/Buprenophine) tại các cơ sở điều trị Methadone, trong đó: Duy trì điều trị ổn định cho bệnh nhân đang tham gia điều trị Methadone/Buprenophine; triển khai, mở rộng các cơ sở cấp phát thuốc Methadone tại xã, phường, thị trấn theo nhu cầu thực tế của các quận, huyện, thị xã; phấn đấu giảm tỷ lệ bệnh nhân ngừng điều trị ra khỏi chương trình so với năm 2021.

Quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh hợp pháp các loại tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, thuốc tân dược, thuốc thú y có chứa tiền chất ma túy.

Giang Oanh

}
Top