Hà Nội sẽ dành 36 tỷ đồng để bảo đảm cho việc điều trị Methadone
Theo Quyết định 1008/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành phố Hà Nội hoàn thành chỉ tiêu đạt 8.500 người nghiện ma túy được điều trị Methadone. Tuy nhiên tính đến ngày 31/12/2015, có 3.729 được điều trị Methadone trên toàn thành phố, đạt 43% so với chỉ tiêu kế hoạch.
Trao đổi với trang tin điện tử Tiếng Chuông về những khó khăn trong công tác điều trị Methadone trong thời gian qua, BS. Lê Nhân Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, trong năm qua, do chưa có định biên cho cán bộ làm việc tại Cơ sở điều trị Methadone nên cán bộ đang làm việc tại các cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, phải thực hiện nhiều công việc cùng lúc.
Điều trị nghiện bằng Methadone giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng - Ảnh: Thùy Chi |
Trong khi đó, việc thực hiện chế độ phụ cấp cho cán bộ theo Thông tư 35/2014/TT-BYT; Thông tư liên tịch 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập cũng là vấn đề khó khăn trong thời gian qua.
Tính đến hết ngày 31/12/2015, toàn thành phố duy trì điều trị Methadone tại 17 cơ sở. 6 cơ sở cũ gồm quận Từ Liêm, Long Biên, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Sơn Tây và Hà Đông. Riêng trong tháng 1/2015, đã mở mới 11 cơ sở điều trị Methadone triển khai tại các quận/huyện và các đơn vị như: Trung tâm Y tế (TTYT) Ba Vì, TTYT Đông Anh, TTYT Chương Mỹ, TTYT Ứng Hòa, TTYT Hoàng Mai, TTYT Tây Hồ, TTYT Đan Phượng, TTYT Phú Xuyên, Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 5, Bệnh viện 09, Trung tâm PC HIV/AIDS Hà Nội.
Thành phố đã bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, test xét nghiệm móc phin cho các đơn vị. Tình hình cấp phát thuốc được thực hiện theo đúng quy trình do Bộ Y tế ban hành. Tình hình an ninh trật tự tại các cơ sở điều trị được bảo đảm, có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan công an với cơ sở điều trị. Việc tiếp nhận, bảo quản và cấp phát thuốc đến hiện tại chưa xảy ra vấn đề thất thoát thuốc Methadone.
Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức đào tạo tập huấn cho 11 cơ sở điều trị Methadone mở mới và 6 cơ sở cũ. Tổ chức giao ban định kỳ hàng tháng, quý cho các cơ sở điều trị Methadone. Tổ chức kiểm tra giám sát hỗ trợ kĩ thuật cho 11 cơ sở Methadone mở mới, duy trì hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở Methadone cũ. Tổ chức hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khởi liều, tăng liều, điều chỉnh liều, hội chẩn ca bệnh khó cho các cơ sở điều trị Methadone
Thành phố cũng đã tổ chức hội nghị “Rà soát việc thực hiện Quyết định số 5327/QĐ-UBND ngày 16/10/2014 của UBND Thành phố về việc giao chỉ tiêu bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho các quận, huyện, thị xã chưa triển khai cơ sở điều trị Methadone.
Đồng thời, ban hành một số văn bản: Công văn về quy trình chuyển gửi bệnh nhân cho 16 Quận/Huyện chưa triển khai điều trị Methadone; Ban hành công văn về việc thực hiện chỉ tiêu điều trị Methadone cho 30 Quận/Huyện/Thị xã...
Tổ chức các lớp tập huấn về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho 30 Quận/Huyện, các Trung tâm Giáo dục lao động xã hội, Trung tâm quản lý sau cai theo thông tư 12/2015/TT-BYT; tập huấn triển khai Thông tư 14/2015/TT-BYT ngày 25/6/2015 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý thuốc Methadone.
Tổ chức vận động chính quyền và ban ngành các cấp ủng hộ và tham gia chương trình; tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của việc triển khai chương trình. Đồng thời, tuyên truyền vận động người dân nơi triển khai điều trị methadone, người sử dụng ma túy, gia đình họ và cộng đồng ủng hộ và tham gia chương trình. Xây dựng, in ấn và phân phát các tài liệu truyền thông về chương trình điều trị nghiện bằng thuốc Methadone.
Để giải quyết các khó khăn, nhằm nâng cao hiệu quả và mở rộng hơn nữa công tác điều trị Methadone trong thời gian tới, BS. Lê Nhân Tuấn cho biết, Hà Nội sẽ dành 36 tỷ đồng để bảo đảm cho việc điều trị Methadone. Trong năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định bổ sung nhân lực mới cho các cơ sở Methadone. Mỗi cơ sở là 12 biên chế, chúng tôi rất phấn khởi vì việc này sẽ giúp cho công tác điều trị Methadone đạt kết quả tốt hơn.
Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất là bản thân những người nghiện cần phải tự nhận thức, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là vấn đề cần thiết, có lợi cho bản thân họ. Đặc biệt, những người thân, gia đình, bạn bè người nghiện ma túy cần động viên, chia sẻ, giúp những người nghiện có ý chí, vượt qua những cám dỗ để làm lại cuộc đời.