Hai người nhiễm HIV sau khi đi xăm hình

08/08/2022 16:44

(Chinhphu.vn) - Các bác sĩ tại Bệnh viện thành phố Varanasi, ở phía bắc Ấn Độ mới đây tiếp nhận hai ca dương tính với HIV. Trước đó hai tháng, những người này đã xăm hình.

Hai người nhiễm HIV sau khi đi xăm hình - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Văn phòng Giám đốc Y tế Varanasi (CMO) xác nhận, hai bệnh nhân trên đang điều trị ở bệnh viện tuyến huyện sau đó được chuyển lên tuyến thành phố. Họ cho biết bản thân không hề truyền máu hay quan hệ tình dục không an toàn. Kết quả dương tính với HIV xuất hiện sau hai tháng họ xăm mình.

Jayant, 20 tuổi, cư trú ở Baragaon, xăm hình trên tay tại một hội chợ được tổ chức trong làng. Sau vài tháng, sức khỏe của nam thanh niên này bắt đầu xấu đi. Anh ta bị sốt cao và yếu, mệt. Mặc dù được điều trị bằng nhiều phương pháp, bệnh tình của Jayant vẫn không thuyên giảm.

Chuẩn đoán hệ thống miễn dịch của Jayant bị suy giảm, bác sĩ khuyên anh nên đi xét nghiệm HIV. Kết quả Jayant dương tính với HIV. Nam thanh niên này đã rất sốc khi nhận được kết quả bởi anh tâm sự bản thân chưa lập gia đình cũng chưa quan hệ tình dục với ai. Trước đó anh cũng chưa bao giờ truyền máu. Các bác sĩ sau đó tìm ra hình xăm trên tay của Jayant và nhận định đây chính là thủ phạm khiến nam thanh niên 20 tuổi nhiễm HIV.

Điều tương tự cũng xảy ra với Shefali – một phụ nữ trẻ đến từ Nagwan. Cô đã xăm từ một thợ hàng rong. Sau vài ngày, sức khỏe của cô bắt đầu xấu đi. Các bác sĩ đã thực hiện nhiều xét nghiệm và phát hiện Shefali dương tính với HIV.

Tiến sĩ Preeti Agarwal, bác sĩ cao cấp của Trung tâm điều trị kháng virus (ART), Bệnh viện Deen Dayal Upadhyay cho biết, cả hai bệnh nhân trên đều rất bàng hoàng với lý do mình bị nhiễm HIV.

"Nguyên nhân sâu xa của vấn đề là thợ xăm sử dụng kim tiêm bị nhiễm HIV và trong quá trình họ xăm cho người khác, virus đã truyền qua đường này", bác sĩ Agarwal nói. Trên thực tế, kim xăm thường rất đắt. Sau khi xăm, các cây kim này cần phải vứt bỏ. Nhưng để tiết kiệm chi phí, nhiều thợ xăm dùng chung một chiếc kim cho nhiều người.

"Những người đi xăm không nhận thức được sự nguy hiểm này. Họ thậm chí còn không biết liệu người thợ xăm đã dùng cây kim mới hay chưa. Trong tình huống như vậy, nếu người nào đó nhiễm HIV và đi xăm mình, cây kim sẽ phát tán virus cho người khác do dùng chung kim xăm", bà Agarwal nói thêm.

Bà Agarwal cảnh báo, việc xăm hình ở hội chợ, người bán hàng rong hoặc bất kỳ nơi không có giấy phép, không bảo đảm vệ sinh đều là thảm họa. "Trước khi xăm bạn phải xem người thợ đã thay kim mới vào máy hay chưa. Những người có sở thíc xăm mình, hãy theo dõi sức khỏe, nếu nghi ngờ hãy xét nghiệm HIV sớm để được điều trị ngay lập tức", bác sĩ Agarwal khuyến nghị.

Thùy Chi (Theo Times of India)

Top