Hải Phòng: Đẩy mạnh can thiệp thanh toán HIV và điều trị viêm gan C

09/01/2019 14:43

Được tài trợ bởi cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp về HIV/viêm gan, Dự án DRIVE-C là một dự án lớn nhằm can thiệp thanh toán HIV trong nhóm người nghiện ma túy và điều trị viêm gan C ở các nước có thu nhập thấp, trung bình. Hải Phòng được coi là thành phố đi đầu trong khu vực về điều trị những bệnh này.

 Can thiệp giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy. Ảnh: Thùy Chi

Dự án DRIVE là nghiên cứu can thiệp của Trường Đại học Y dược Hải Phòng trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Y tế với Viện Nghiên cứu Quốc gia Pháp về HIV và Viêm gan (ANRS). 

Tiến sĩ Delphine Rapoud, Phó điều phối nghiên cứu của ANRS tại Việt Nam cho biết, nhờ sự đón tiếp nhiệt tình và sự hỗ trợ của UBND thành phố Hải Phòng ngay từ khi dự án bắt đầu, do đó mặc dù dự án chưa kết thúc nhưng đã thu được một số kết quả tích cực. Ước tính gần 3.700/9.000 người tiêm chích ma túy sống tại Hải Phòng được chọn để điều trị, nghiên cứu tại cộng đồng; tỷ lệ nhiễm mới HIV rất thấp và đại đa số người tiêm chích ma túy nhiễm HIV đang điều trị có hiệu quả. Đây là thành công lớn trong hợp tác giữa các trường đại học ở Pháp, Mỹ và Việt Nam trong đào tạo, chuyển giao kỹ thuật thực hiện các dự án...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam nhấn mạnh, cùng với sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, thành phố Hải Phòng bằng nhiều biện pháp tích cực như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; xóa phá các đường dây cung cấp ma túy, các tụ điểm mại dâm, sử dụng ma túy; xây dựng nhiều trung tâm cai nghiện; phát miễn phí bao cao su, bơm, kim tiêm sạch... đã kiềm chế, hạn chế được đại dịch HIV. Các tiêu chí: Số người nhiễm HIV, số người chuyển từ HIV sang AIDS, số người chết vì HIV/AIDS đều được kiểm soát, hạn chế.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam mong rằng, các tổ chức quốc tế tiếp tục giúp đỡ thành phố để đẩy lùi, tiến tới chấm dứt các bệnh, đại dịch nguy hiểm trong thời gian tới. Phó Chủ tịch chỉ đạo các Sở, ngành thành phố tích cực hợp tác cùng các chuyên gia quốc tế trong các nghiên cứu, dự án khác.

Dịch HIV/AIDS tại thành phố Hải Phòng đang trong giai đoạn dịch tập trung ở nhóm nguy cơ cao: Nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam quan hệ tình dục đồng giới. Việc triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đã làm giảm số lượng người nhiễm HIV, AIDS, tử vong phát hiện hàng năm. 

Xu hướng dịch HIV/AIDS tại thành phố Hải Phòng giảm dần 10 năm trở lại đây, bao gồm cả 3 chỉ số: Số nhiễm mới, số chuyển AIDS, số tử vong. Tính đến ngày 1/10/2018, thành phố Hải Phòng có số lũy tích người nhiễm HIV 12.258, lũy tích số người chuyển AIDS 6.271 người, tử vong do AIDS 4.533 người, số người nhiễm HIV hiện còn sống 7.725 người. Trong 10 tháng đầu năm 2018, Hải Phòng xét nghiệm phát hiện nhiễm mới HIV là 154 người, số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 25 người và số bệnh nhân tử vong là 24 người.

Trong số những người được xét nghiệm mới phát hiện nhiễm HIV tính đến ngày 1/10/2018, nam chiếm (69%), nữ chiếm (31%), lây truyền qua đường máu (50%), lây truyền qua đường tình dục (41%), lây truyền HIV từ mẹ sang con (1,5%), không rõ đường lây 7,5%. Nhóm tuổi nhiễm cao nhất 25-49 tuổi, chiếm tỉ lệ (73%).

Những số liệu thống kê nêu trên cho thấy dịch HIV/AIDS lây truyền HIV/AIDS qua đường tình dục ngày càng chiếm ưu thế, đặc biệt có liên quan đến việc sử dụng các chất ma túy mới, trong nhóm đối tượng khách hàng mua dâm và gái mại dâm, nam quan hệ đồng giới diễn ra rất phức tạp.

Năm 2018 là năm đánh dấu tròn 23 năm thành phố đương đầu với đại dịch HIV/AIDS. Trong những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức công tác phòng, chống HIV/AIDS; hệ thống phòng chống HIV/AIDS không ngừng được kiện toàn, tăng cường về số lượng và chất lượng; công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đẩy mạnh; các hoạt động dự phòng chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm HIV được triển khai mở rộng; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS chặt chẽ và hiệu quả.
Top