Hàn Quốc: Đẩy mạnh các chiến lược giảm thiểu số người nhiễm mới HIV
(Chinhphu.vn) - Giới chức y tế Hàn Quốc đã xây dựng các biện pháp thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2030 sẽ giảm một nửa số ca nhiễm mới virus HIV so với hiện nay.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, các biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới HIV tại quốc gia này đang tiếp tục dao động khoảng 1.000 người mỗi năm, đặc biệt là trong giới trẻ và người nước ngoài.
HIV là một loại virus tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể và có thể dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải là AIDS. Tuy nhiên, AIDS là giai đoạn tiến triển nhất của HIV và người nhiễm HIV không nhất thiết sẽ mắc AIDS.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc xây dựng kế hoạch kiểm soát và phòng ngừa bệnh AIDS sau mỗi 5 năm và đây là kế hoạch thứ hai được Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc xây dựng sau kế hoạch đầu tiên áp dụng đến hết năm 2023.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho biết tỉ lệ tử vong liên quan đến AIDS đã giảm trong 5 năm qua nhưng các ca nhiễm mới, đặc biệt là trong giới trẻ và người nước ngoài, vẫn được báo cáo liên tục.
Số người mới nhiễm HIV năm 2019 là 837 người, năm 2020 có 1.016 người, năm 2021 có 975 người và năm 2022 có 1.066 người. Theo dữ liệu năm 2022, trong số người mới nhiễm có 92,3% là nam giới, 67,6% là những người dưới 30 tuổi và 22,6% là người nước ngoài.
Theo kế hoạch mới, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc quyết định đầu tư 20 tỉ won (15 triệu USD) hằng năm, từ nay đến năm 2028, để giảm tỉ lệ lây nhiễm và đẩy nhanh công tác chẩn đoán bệnh nhân mới nhằm có phương pháp điều trị kịp thời.
Cơ quan này cũng đang tìm cách thiết lập một hệ thống quản lý dịch bệnh hiệu quả hơn để giảm một nửa số ca nhiễm mới vào năm 2030. Đặc biệt, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc sẽ tăng cường các hoạt động ngăn ngừa lây nhiễm ở nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc Jee Young-mee cam kết, cơ quan này sẽ thực hiện các kế hoạch một cách thông suốt, phối hợp với các bộ liên quan, chính quyền địa phương, tổ chức tư nhân và chuyên gia. Bên cạnh đó, thúc đẩy nhiều chiến lược để đạt được tầm nhìn không có nhiễm mới, không có tử vong và không kỳ thị.
Giáo sư Choi Jun-yong, Khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Severance, Hàn Quốc cho biết: Chúng tôi đang hỗ trợ chi phí điều trị cho những người nhiễm HIV ở Hàn Quốc và tiếp tục các hoạt động giáo dục và quảng bá để cải thiện nhận thức về AIDS. Thông qua dự án tư vấn cho bệnh nhân nhiễm bệnh tại các cơ sở y tế, cung cấp tư vấn tâm lý và tư vấn tuân thủ dùng thuốc cho bệnh nhân nhiễm bệnh, mang lại hiệu quả cải thiện trạng thái trầm cảm, lo lắng và tuân thủ dùng thuốc của bệnh nhân.
Ngoài ra, một số chính sách cũng đang được thúc đẩy, bao gồm việc giới thiệu xét nghiệm và hoạt động của trung tâm hỗ trợ cho người nhiễm HIV là người nước ngoài.
Bên cạnh đó, xã hội cần phải nỗ lực loại bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Bởi chính kỳ thị và phân biệt đối xử là những rào cản lớn để chúng ta tiến tới kết thúc bệnh HIV/AIDS. Chỉ khi định kiến xã hội được giải quyết, nhiều người nhiễm HIV mới có thể được chẩn đoán và điều trị sớm. Như vậy thì sự lây lan HIV trong xã hội mới có thể giảm thiểu.
Thùy Chi