Hành trình của vị bác sĩ giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội
Làm thế nào để giảm và chấm dứt sự kỳ thị, phân biệt đối xử của xã hội đối với những nhóm người dễ bị tổn thương như người nhiễm HIV, nam quan hệ tình dục đồng tính, những người bán dâm, tiêm chích ma túy luôn là vấn đề mà chị trăn trở. Chính vì vậy, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh đã dành cả sự nghiệp, tâm huyết để xóa bỏ rào cản, phân biệt đối xử, kỳ thị, cải thiện sức khỏe cho nhóm người yếu thế trong xã hội.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh. Ảnh: Thùy Chi |
Hơn 10 năm qua, bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) đã triển khai nhiều chương trình y tế công cộng với các mạng lưới cộng đồng ở hơn 40 tỉnh/thành, giúp đỡ những người dễ bị tổn thương ở Việt Nam.
Tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội năm 1993 và trở thành bác sĩ sau khi ra trường. Nhưng thời gian sau đó, chị Oanh lại có quyết định mang tính bước ngoặt khi theo đuổi sự nghiệp phát triển sức khỏe cộng đồng, một lĩnh vực còn khá mới mẻ, sơ khai ở Việt Nam khi đó. “Các bác sĩ lâm sàng điều trị cho từng bệnh nhân một. Còn một chương trình y tế công cộng tốt, một chính sách tốt có thể cứu được rất nhiều mạng người và cải thiện cuộc sống của nhiều người. Vì lý do đó, tôi đã rời bệnh viện để làm cán bộ chương trình sức khỏe cho một NGO (tổ chức phi Chính phủ) của Mỹ, đối tượng là cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực biên giới với Lào”, chị Oanh chia sẻ.
Có nhiều cách để mỗi người lựa chọn cống hiến cho cộng đồng và với chị Oanh, chị dành trọn vẹn trái tim cho những người bị kì thị trong xã hội.
Năm 2001, chị Oanh cùng nhóm cộng tác đã thắng thầu cuộc đánh giá Chương trình Quốc gia phòng, chống AIDS. Dự án này đã đưa chị lần đầu tiên tiếp cận với những người nhiễm HIV, và những nhóm người bị xã hội kỳ thị như người bán dâm hay người nghiện ma túy.
Chị Oanh cho biết: “Cuộc đánh giá đó đã tạo ra một thay đổi lớn trong cuộc đời tôi. Bởi vì, đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu thế nào là bị kỳ thị trong xã hội”. Chính vì vậy, chị Khuất Thị Hải Oanh đã cùng với những nhóm đồng đẳng xây dựng những mạng lưới cộng đồng hỗ trợ những người nhiễm HIV vượt qua sự sợ hãi và kỳ thị, tăng cường khả năng được tiếp cận điều trị bằng ARV để giúp những người nhiễm HIV cải thiện sức khỏe.
Không chỉ giúp những người nhiễm HIV tiếp cận với sự chăm sóc sức khỏe sinh sản và nhận thức về HIV/AIDS trong các nhóm có nguy cơ cao, chị Oanh còn thường xuyên tư vấn cho Chính phủ các chính sách đối với người nghiện ma túy tại Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp của chị, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công nhận chị Oanh là “Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2009”.
Trước đó, năm 2007, chị Oanh còn được biết đến là người sáng lập Diễn đàn Xã hội dân sự hợp tác phòng chống AIDS (VCSPA), tập hợp các tổ chức cộng đồng từ khắp mọi miền đất nước để cùng nhau chống lại AIDS và bảo vệ quyền của các nhóm ngoài lề xã hội.
Với sự tham gia của gần 400 tổ chức cộng đồng trên khắp cả nước, bao gồm: Các nhóm tự lực của những người sử dụng ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV, người đồng tính, người chuyển giới,… Mỗi năm một lần, diễn đàn do chị Oanh sáng lập trở thành một “ngôi nhà”, mà tại đó, tất cả mọi người đều được chào đón, được có cơ hội là chính mình giữa những người cùng cảnh ngộ, mà không bị phán xét.
“Chúng tôi ở cùng nhau, hạnh phúc, cười, nói, khóc và làm nhiều việc cùng nhau. Mọi người nói đến gặp mặt thường niên như là về nhà, nơi họ có cảm giác được ở trong gia đình”, chị Oanh chi sẻ cảm xúc về ngôi nhà VCSPA.
Năm 2010, Chị Oanh thành lập Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, với trọng tâm là trao quyền và tạo ra môi trường thuận lợi để những mảnh đời kém may mắn trong xã hội có cơ hội như những người bình thường khác, sống và cống hiến cho xã hội.
Từ ngày thành lập SCDI, chị đã theo đuổi mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhóm người yếu thế tại Việt Nam thông qua việc xây dựng, phát triển các nhóm cộng đồng và vận động chính sách.
Chị Oanh chia sẻ, những người mà SCDI phục vụ là những người sống bên lề xã hội, những người dễ bị tổn thương và xa hơn nữa là những người bán dâm, những người sử dụng ma túy, những người quan hệ tình dục đồng giới, những người chuyển giới, gia đình họ, và con cái họ…
Để thực hiện được sứ mệnh đề ra, SCDI đã nhận được sự hỗ trợ đắc lực từ Câu lạc bộ Phụ nữ Quốc tế Hà Nội (HIWC). Thời điểm đó, HIWC đã là tổ chức đầu tiên tài trợ cho nhóm Vì ngày mai tươi sáng - một tổ chức cộng đồng của người sống chung với HIV ở Hà Nội. Nhờ tài trợ ban đầu từ HIWC, Vì ngày mai tươi sáng đã có thể mở quán cafe PP - một địa chỉ an toàn cho người nhiễm HIV gặp gỡ và giao lưu. Từ Cafe PP, phong trào của người có HIV ở Việt Nam đã ra đời, được nuôi dưỡng và phát triển. Nhóm Vì ngày mai tươi sáng đã phát triển thành một mạng lưới kết nối, nâng cao quyền và năng lực, hỗ trợ và truyền cảm hứng cho người nhiễm HIV cất lên tiếng nói của mình, có nghị lực để sống, để tìm kiếm điều trị và trở thành những công dân sống có ích trong gia đình và xã hội.
Nhờ sự tài trợ của HIWC, nhóm Vì ngày mai tươi sáng cũng đã có cơ hội phát triển. Chị Oanh cho hay: “Nhóm đã truyền cảm hứng và cho tôi niềm tin ở những người tưởng chừng như hoàn toàn bất lực. Phong trào của họ đã góp phần định hướng đường đi về nghề nghiệp cho tôi cũng như nhào nặn con người tôi với tư cách là một cá nhân”.
Tính cho đến thời điểm hiện tại, SCDI đã tiếp cận và giúp cải thiện điều kiện thể chất, tâm lý xã hội và kinh tế của hàng ngàn người nghiện ma túy, người lao động tình dục và người nhiễm HIV, nam quan hệ tình dục đồng tính, người chuyển giới,… và cả những người con của tất cả những nhóm người kể trên, tù nhân, trẻ mồ côi. Tại mỗi mạng lưới, các thành viên đều là các tổ chức dựa vào cộng đồng ở các địa phương, tạo nên sự hiện diện của các tổ chức cộng đồng có kết nối với SCDI ở trên 40 tỉnh thành trong cả nước.
Với những đóng góp tích cực của mình, mới đây bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh đã vinh dự được HIWC trao giải “Tầm nhìn”. Đây là giải thưởng được trao hằng năm cho một phụ nữ có tầm nhìn, thông qua những nỗ lực của mình, đã biến ý tưởng thành hiện thực ở Việt Nam.
Bà Gill Lever - Chủ tịch HIWC nói: “Một phụ nữ tài năng, thông minh và nhiều hoài bão như bác sĩ Oanh có thể lựa chọn bất kỳ con đường sự nghiệp nào. Chị có thể chọn lối để đến với của cải hay địa vị. Nhưng thay vì thế, chị đã chọn một con đường đầy khó khăn và thử thách bằng cách đảm đương nhiệm vụ cải thiện cuộc sống của những người đang sống bên lề xã hội. Chính vì điều đó, bác sĩ Oanh xứng đáng nhận được sự kính trọng và ngưỡng mộ lớn lao, và chúng tôi rất vui mừng được tôn vinh chị với giải thưởng của HIWC”.