Hành trình “được làm con gái” của 9x Kiên Giang

26/10/2015 16:12

“Tiêm hoóc-môn là việc phải làm suốt đời. Ban đầu đau đớn lắm. Đau cũng cắn răng chịu, miễn sao mình sống thật với bản thân mình. Tiêm riết thành quen, bây giờ không còn đau nữa”.

Được làm con gái đau em cũng chịu!

Gặp An Vi trong một sự kiện do cộng đồng LGBT tổ chức ở Hà Nội, tôi hoàn toàn bất ngời vì vẻ bề ngoài của cô, làn da trắng, nụ cười nữ tính…Trò chuyện với An Vi, tôi có cảm giác người ngồi trước mặt mình là một cô gái dịu dàng, nữ tính, quên hẳn cô là người con trai chuyển giới. Vi cho biết, hiện tại cô khá bận rộn, ban ngày phụ chị Jessica may quần áo trang phục diễn và quản lí nhóm J's Band - nhóm nhảy "Drag Queen" nổi tiếng nhất Hồ Chí Minh.

Sau một ngày làm việc mệt nhoài, tối đến, An Vi đều đến phòng tập để nhảy Waacking cùng nhóm Fancy Crew. Đây là một trong những thể loại nhảy đường phố vào Việt Nam chưa lâu, là người mới bắt đầu nên cô phải cố gắng rất nhiều. Được biết, nhảy múa là niềm đam mê từ khi cô còn nhỏ xíu, bây giờ khi công việc đã ổn định hơn, cô mới có điều kiện để tập luyện.

An Vi duyên dáng trong sự kiện của cộng đồng LGBT (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

An Vi chia sẻ, các bạn trong nhóm J's Band đa phần là các bạn chuyển giới và sắp chuyển giới. Nhóm của cô thường đi diễn ở các quán bar, cafe, nhà hàng... nguồn thu nhập cũng đủ để các thành viên trang trải cuộc sống. Khi có thời gian rảnh rỗi, nhóm của cô còn dạy nhau về make up, làm tóc và may vá, kết cườm để kiếm thêm thu nhập cho các thành viên cùng nhóm. Riêng cô, ngoài đi diễn, may trang phục biểu diễn cô còn hoạt động trong các phong trào LGBT.

An Vi và hội PFLAG được mời đến nhà riêng Đại sứ Mỹ Ted Osius (tháng 10-2015)

Đặc biệt, cô cũng có có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình vận động quyền cho người chuyển giới Việt Nam. Để góp phần thay đổi cái nhìn không thiện cảm của xã hội, khát khao được là chính mình, thời gian qua, cô đã thực hiện nhiều bộ ảnh như: Cãi mụ, Woman inside… nhằm khắc họa được cuộc sống của một người chuyển giới nữ đang phải đấu tranh từng ngày với bản ngã lẫn định kiến xã hội.

Xinh đẹp trong bộ ảnh Woman Inside

Để có được thân hình “nữ tính” như hiện tại thì An Vi phải thường xuyên tiêm “hoóc-môn” nữ (hormone estrogen). Cô cho biết: Tiêm hoóc-môn là việc phải làm suốt đời. Ban đầu đau đớn lắm. Đau cũng cắn răng chịu, miễn sao mình sống thật với bản thân mình. Tiêm riết thành quen, bây giờ không còn đau nữa. Thực ra, khi đưa hoóc-môn vào cơ thể sẽ phản ứng với các nội tiết tố bên trong khiến cơ thể rất mệt mỏi. Theo lời An, thuốc này có rất nhiều giá tuỳ vào khả năng của mỗi người mà mình chọn cho phù hợp. Nếu tài chính vững thì tiêm loại ba trăm mấy, bình dân hơn thì hơn hai trăm.

An Vi:Tiêm hoocmon là việc phải làm suốt đời

An Vi cho biết thực ra cô tên thật là Trần Anh Vũ, sinh năm 1992, hiện tại mọi giấy tờ của cô vẫn giữ nguyên cái tên này. Khi đề cập về ước mơ trong tương lai, cô gái cho hay chỉ mong được pháp luật công nhận. Khi Luật được thông qua, cô sẽ có quyền thay đổi họ tên theo mong muốn, một cái tên nữ tính hơn. Khi đến ngân hàng, bệnh viện, sân bay hay bất cứ đâu cô đều được tôn trọng và không bi soi mói không bắt gặp những ánh mắt kì thị khó chịu của mọi người.

"Come out" để được hạnh phúc

Khi được hỏi về hành trình come - out (công khai giới tính thật) An Vi nhớ lại khoảng thời gian 6-7 tuổi, ở nhà cô tự khoác lên mình bộ đầm con gái, mặc chiếc áo ngực và mang đôi guốc của mẹ. Lúc đó cô đã có cảm giác lạ lắm…

Năm 13 tuổi, trong một lần diễn kịch An Vi được chọn vào vai giả gái. Cô rất hạnh phúc suốt cả tuần sau đó vì được mặc đồ con gái, được đội tóc dài, được trang điểm. Cảm giác muốn được làm con gái ngày càng bùng lên mạnh mẽ khi cô bước sang tuổi 14, được mặc đồ con gái, mượn đồ trang điểm đi ăn tiệc cưới. Cô khá hồi hộp vì tiệc cưới có sự xuất hiện người mà cô thích.

Bố mẹ An Vi lên tiếng ủng hộ con gái

Năm 14 tuổi, bỏ qua mọi sợ hãi, lo lắng, cô quyết định hỏi thẳng ba mẹ: nếu con muốn làm con gái thì sao?

Năm 15 tuổi, lớp 9, An Vi bắt đầu nuôi tóc dài và thích sơn móng tay. Cô vui vẻ nhớ lại: ba tôi khá sốc và thể hiện sự khó chịu, nhưng tuyệt nhiên không la mắng một lời; còn mẹ chỉ mắng vài câu vui vui rồi nói mặc đồ con gái luôn cũng đẹp. Sau đó, vì gia đình khó khăn, cô không tiếp tục cấp 3, ngoài việc đi hát đám cưới, cô còn đi phụ việc nhà cho dì trong xóm để có thêm thu nhập.

 Nghị lực của cô gái tuổi 23

Năm 18, An Vi lên Sài Gòn từ để tìm việc làm, mang theo kinh nghiệm cắt may được học ở quê hương Kiên Giang. Năm 2012, An Vi là cái tên khá nổi trong cộng đồng LGBT từ sau giành giải quán quân tại cuộc thi TGT3's Next Top Angel. Nhờ chịu khó, cần cù đếnnăm 2014, An Vi đã nhận được học bổng nâng cao năng lực nghề nghiệp Viet Pride dành cho người LGBT để theo học nghề thiết kế .

Trò chuyện với chúng tôi, An Vi trải lòng: Nói hành trình thì hơi quá, thật sự từ khi còn nhỏ ba mẹ đã mập mờ hiểu em rồi. Ba mẹ sinh con ra phải biết tính con chứ, quan trọng là có chấp nhận hay không thôi. Đến lớn thì em mới thể hiện rõ hơn và bắt đầu mặc đồ nữ. Với lại em sống tự lập từ nhỏ, từng làm nhiều việc để kiếm tiền để không phụ thuộc vào gia đình. Thấy em sống tốt không ăn chơi quậy phá thì bố mẹ cũng chấp nhận em thôi. Miễn sao con mình vui sống tốt thì bố mẹ vui rồi.

Tin nhắn chúc mừng 20-10 của ba An Vi

Khoe món quà tuyệt vời nhất trong ngày 20-10 là tin nhắn đến từ ba, cô gái  vui vẻ: em hạnh phúc khi được là con của ba mẹ. Ba mẹ vẫn yêu thương con khi con là người chuyển giới. Em thật sự hạnh phúc với điều đó. Khi đề cập đến vấn đề tình cảm, An Vi khá ngại ngùng: em lận đận tình duyên lắm. Toàn thương người không thương mình rồi em buồn. Riết đến giờ em vẫn một mình và sợ yêu thương rồi. Giờ em vẫn lạc quan cứ sống tốt đi rồi tình yêu sẽ tới. Em tin là thế!

}
Top