Hành trình hiểu con đồng tính của một bà mẹ can đảm
“Chấp nhận con, nhưng chị sẽ phải ăn nói thế nào với chồng và cả hai dòng họ. Làm sao để mẹ chồng chị có thể chấp nhận rằng Teddy là đồng tính khi bà luôn nhắc việc con phải lập gia đình và có cháu chắt để nối dõi tông đường”.
“Thằng bé cao to, vạm vỡ tại sao lại đồng tính”
Cũng như người đồng tính, song tính, chuyển giới (LGBT) cần can đảm để sống thật, cha mẹ của LGBT cũng cần rất nhiều can đảm để dần dần chấp nhận và ủng hộ con em mình.
![]() |
Hội Phụ huynh của LGBT. Ảnh Nhật Thy |
Và câu chuyện của chị Đinh Yến Ly (TP Hồ Chí Minh) là một ví dụ. Chị Ly trước đây là cán bộ của một Viện nghiên cứu tại TP Hồ Chí Minh. Vợ chồng chị có duy nhất một cậu con trai là Teddy. Teddy cũng là cháu đích tôn của dòng họ nên cậu nhận được tình yêu, niềm hy vọng lớn lao từ bố mẹ, gia đình.
Tuy gần gũi với con từ bé, nhưng chị không ngờ con trai mình có một bí mật động trời mà phải đến khi cháu lên lớp 11 chị mới vô tình phát hiện ra.
“Hôm ấy có giờ thể dục nên cháu để cặp sách ở nhà. Tôi soạn lại sách vở cho cháu thì vô tình thấy cuốn nhật ký, trong đó cháu có bày tỏ cảm xúc, tình yêu với một bạn trai học học lớp 10. Lúc đó, tôi như rơi xuống địa ngục, tôi vô cùng hoang mang và lo sợ. Từ xưa đến nay Teddy luôn tỏ ra bình thường, không bao giờ tôi nghĩ có lúc con bị như thế này. Tôi bắt con xét bỏ quyển nhật ký, và không tiếc lời trách móc con” - chị Ly nhớ lại.
Trước đó khoảng một năm, chồng chị cũng từng đề cập đến những biểu hiện khác thường của con. Anh bảo rằng thằng bé có vấn đề nhưng tôi chị không tin lời anh vì bên ngoài “thằng bé cao to, vạm vỡ và mạnh mẽ”.
“Lúc đó tôi không thể chấp nhận được việc con mình là người đồng tính. Cùng chồng hơn 30 năm làm việc ở một Viện nghiên cứu khoa học, chúng tôi luôn tin tưởng vào cách giáo dục con cái của mình. Tôi tự trách móc bản thân, hẳn tôi đã sai ở đâu đó trong cách nuôi dạy con”, chị Ly nhớ lại khoảng thời gian khủng hoảng.
Chị Ly kể, khi đó, chị đau khổ lắm, chị khuyên con nên thay đổi lối sống và đưa con đến các phòng tư vấn tâm lý cho tuổi mới lớn, với hy vọng bác sĩ tâm lý sẽ chỉnh được những lệch lạc cho con mình. Thêm sự mách bảo của người quen, chị bắt con phải ăn gạo lứt muối mè để cân bằng âm dương. Có những lúc trong cơn giận dữ, chị đã không làm chủ được lời nói, để rồi sau đó ảm ảnh cảm giác vừa giận vừa thương.
Hành trình hiểu về con
Khi Teddy bước sang năm thứ ba đại học, không khí trong gia đình ngày càng trở nên căng thẳng khi chị Ly gây áp lực mạnh mẽ cho con bằng cách không quan tâm, chăm sóc và hai mẹ con như hai người dưng sống chung một nhà.
Chị Ly chia sẻ, lần mẹ con căng thẳng nhất, chị đã quyết định viết cho Teddy một bức thư khuyên con phải sống là một người đàn ông bình thường “đừng có những biểu hiện kỳ cục”, Chị còn đặt điều kiện là nếu không đáp ứng được yêu cầu của bố mẹ thì Teddy có thể ra đi.
Vài tuần sau, chị nhận được lá thư của con trai. Đọc thư của con, cho cảm nhận được, Teddy đã phải chịu đựng âm thầm trong một khoảng thời gian dài mà chị không hề hay biết.
“Thằng bé đâu hề muốn mình là người đồng tính, nó cũng đã cố gắng đè nén cảm xúc của mình mà không thể. Nhiều đêm thằng bé đã lặng lẽ khóc một mình. Con tôi không bao giờ muốn làm bố mẹ buồn nhưng nó xin tôi hãy tha tội cho nó, nó không thể sống trái với con người thật của mình” chị Ly kể.
Sau lá thư đó, chị Ly bắt đầu dành thêm thời gian truy cập internet để tìm hiểu thêm thông tin về đồng tính. Chị cũng ngồi xuống nghe Teddy tâm sự và chia sẻ về con người mình. Chị nói, từ ngày thừa nhận con, điều mà chị thấy rõ ràng nhất là Teddy đã tự tin hơn rất nhiều, sống hạnh phúc và vui vẻ hơn.
Tuy nhiên niềm vui và thanh thản vừa đến thì nỗi lo lại ngày càng một lớn. Chấp nhận con, nhưng chị sẽ phải ăn nói thế nào với chồng và cả hai dòng họ. Làm sao để mẹ chồng chị có thể chấp nhận rằng Teddy là đồng tính khi bà luôn nhắc việc con phải lập gia đình và có cháu chắt để nối dõi tông đường.
Bằng sự can đảm và niềm tin, chị đã tìm cách thuyết phục những người thân trong dòng họ. Kết quả thật lạc quan, hầu hết mọi người đều đồng cảm và ủng hộ vì “thằng bé ngoan như thế…và nó cũng không muốn là người đồng tính như vậy đâu, em đừng trách nó nữa”.
Chị Ly cũng bắt đầu quan tâm về cộng đồng LGBT, chị muốn tìm hiểu xem những người như con mình họ sống ra sao, có đóng góp gì cho xã hội hay không? Chị bắt đầu cùng con tham dự các buổi hội thảo về người đồng tính do Trung tâm ICS tổ chức. Chị kể: “Những ngày đầu tham dự, người mẹ nào cũng đầy tâm trạng và đẫm nước mắt. Nhưng khi được cung cấp nhiều tài liệu về cộng đồng LGBT, tiếp xúc với những người LGBT, chúng tôi mới thấy hóa ra họ không như những gì mình vẫn hình dung. Họ không có gì là bất bình thường mà vẫn đang tích cực học tập, lao động và đóng góp cho xã hội. Từ đó, chị tham gia Hội phụ huynh, người thân của những người đồng tính, song tính, chuyển giới Việt Nam (PFLAG) và tích cực hoạt động để thay đổi nhận thức của xã hội, nhất là cha mẹ, người thân của những người LGBT.
Thừa nhận con nên giờ đây cuộc sống gia đình chị Đinh Yến Ly đã nhẹ nhàng, vui vẻ hơn rất nhiều. Từ chỗ giấu giếm nay chị đã thoải mái công khai câu chuyện của con trai mình và tích cực tuyên truyền, đấu tranh cho quyền bình đẳng của cộng đồng LGBT.