Hệ thống giám sát AI phát hiện buôn bán ma túy trực tuyến
(Chinhphu.vn) - Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc cho biết, một hệ thống giám sát trực tuyến dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ được thiết lập trong năm nay tại nước này để chống lại việc phân phối ma túy bất hợp pháp một cách hiệu quả.
Hệ thống sẽ liên tục giám sát các nền tảng trực tuyến thông qua AI, tự động phát hiện và đánh giá các bài đăng liên quan đến ma túy trên nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau, bao gồm cả mạng xã hội.
Hệ thống dựa trên AI cũng sẽ được đào tạo để nhận biết những từ lóng và từ viết tắt thường liên quan đến giao dịch ma túy trực tuyến.
Điều này đòi hỏi phải có một hệ thống giám sát có khả năng ngăn chặn nhanh chóng hoạt động phân phối ma túy, khi ngày càng có nhiều thanh thiếu niên tiếp xúc với các chất cấm bất hợp pháp thông qua mạng xã hội.
Theo thống kê của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc (NPA), số vụ bắt giữ liên quan đến ma túy tăng 38,5% so với năm 2022. Đáng chú ý, các cá nhân từ 13-39 tuổi chiếm 57,6% tổng số vụ bị bắt giữ.
Việc các giao dịch được thực hiện một cách dễ dàng và phổ biến trên các nền tảng xã hội và Internet đã tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động phạm tội về ma túy.
Số người phạm tội ma túy trên mạng đã tăng 41,1% so với năm 2022, lên 4.362 người vào năm 2023. Kể từ năm 2022, hơn 2.000 người đã bị bắt vì liên quan đến các giao dịch ma túy thực hiện trên web đen và bằng tài sản ảo.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm có kế hoạch phân bổ khoảng 375 triệu won (285.323 USD) trong năm nay để phát triển các thuật toán giúp nhận diện các quảng cáo gây hiểu lầm, ngăn chặn các tìm kiếm trực tuyến về ma túy và thiết lập một hệ thống có khả năng tự động gửi yêu cầu chặn quảng cáo hoặc bài đăng bán hàng đến các tổ chức có liên quan.
Các chuyên gia tại Hàn Quốc nhìn nhận sáng kiến này một cách tích cực, coi đây là bước đi cần thiết trong việc kiểm soát buôn bán và phân phối ma túy.
Ông Cho Sung-nam, Giám đốc Bệnh viện Pháp y Quốc gia Hàn Quốc, tin rằng việc sàng lọc mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến thông qua hệ thống sẽ giúp thu hẹp phạm vi người bán và hỗ trợ ngăn chặn, trừng phạt những kẻ buôn bán ma túy.
Ông Lee Beom-jin, giáo sư tại Khoa Dược thuộc Đại học Ajou, cho biết ông đồng tình với hệ thống này nhưng cũng bày tỏ lo ngại về những hạn chế tiềm ẩn của hệ thống trong việc phát hiện tiếng lóng đang phát triển.
Ông Lee cho biết: "Điều quan trọng là phải tích cực chuẩn bị các biện pháp đối phó để phòng ngừa trong tương lai".
Thu Hà (theo Korea Times)