Hiểm họa khôn lường khi cần sa tổng hợp biến con người thành 'xác sống'

13/02/2020 12:25

Cần sa tự nhiên có khả năng kích thích não bộ, tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn và không gây nghiện, được một số nước không cấm mà còn sử dụng trong y học. Tuy nhiên đối với cần sa tổng hợp (nhân tạo) thì lại khác, đây thực chất là hóa chất được bào chế trong phòng thí nghiệm, cũng tác động gây hưng phấn như cần sa tự nhiên, nhưng đó là điểm tương đồng duy nhất, còn tác động của chúng lên cơ thể con người thì khác hoàn toàn...

Các loại cần sa nhân tạo phổ biến là K2 và Spice

“Cơn ác mộng” cần sa nhân tạo

Cần sa tự nhiên (từ cây cần sa) là chất hướng thần (psychoactive substance) có chứa các hoạt chất như THC và CBD, có khả năng kích thích thụ thể cannabinoid CB1 trong não bộ, tạo cảm giác vui vẻ, hưng phấn và không gây nghiện. Cần sa tổng hợp (synthetic cannabis)

Tại nước Mỹ, giá mua Spice (một loại cần sa tổng hợp, hay còn gọi là “cỏ giả”) khá rẻ so với các loại chất gây nghiện hay chất kích thích khác. Có thể mua một túi cần sa này với giá chỉ 1 USD. Tại một số bang, các túi cần sa có thể tìm thấy ở các quầy thuốc lá, cửa hàng tiện lợi hoặc Internet. Trong quá khứ, các bang Colorado, Washington, Alaska và Oregon cho phép mua bán cần sa cả cho dùng trong y học và giải trí. Tuy thế, Cơ quan Phòng, chống ma túy Mỹ vẫn xem nó là một dạng chất kích thích đáng ngại.

Nhiều bang ở Mỹ thì lại cấm bán cần sa nhân tạo, ai vi phạm có thể ngồi tù. Nhiều bang như Arizona cấm tàng trữ, mua bán và sản xuất Spice, xem đó là trọng tội cấp độ 2, có thể chịu tù tới 4 năm.

Nói đến cần sa nhân tạo, cảnh sát TP.Clearwater (bang Florida, Mỹ) vẫn chưa thể quên vụ phát hiện 2 nam giới và 1 phụ nữ nằm ngồi bất động quanh một cái bàn trong công viên. Đây là hình ảnh đặc trưng của những người hút cần sa nhân tạo, được biết đến nhiều nhất với cái tên Spice hoặc K2.

Theo lời ông Eric Gandy (Cảnh sát trưởng TP.Clearwater), ông đã thấy rất nhiều người người đi lại vật vờ trong thành phố như những cái xác sống. Tình trạng này còn diễn ra ở hầu hết các bang khác, đặc biệt đáng ngại ở các bang Mississippi, New York, Arizona, New Jersey, Texas... trên nhiều đường thỉnh thoảng lại có một vài thanh niên đi lại vật vờ, hoặc nằm ngồi nghiêng ngả bên đường.

Cảnh sát trưởng TP. New York Bill Bratton cho biết ông đã chứng kiến nhiều trường hợp mất sạch lý trí, điên loạn hoàn toàn sau khi hút Spice. Một số người “say thuốc” thản nhiên cởi bỏ quần áo khỏa thân giữa phố.

Những “xác sống” ám ảnh

Vụ việc mới đây ở Manchester (Anh quốc) khi David Richardson (còn được gọi là “Milky Bar Kid”) chết vài tuần sau khi ra tù vì quá phụ thuộc vào Spice đã dấy lên một làn sóng yêu cầu điều tra, giám sát lại các nhà tù ở nước Anh. Trong thời gian ngồi tù, David từng bị 24 lần bị quản giáo phát hiện sử dụng Spice, tuy nhiên đó chỉ là con số những lần anh ta bị phát hiện, còn thực tế thì anh ta sử dụng “cỏ giả” đều đặn hàng ngày.

Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp Anh nhấn mạnh công nghệ đang được lắp đặt tại 30 nhà tù ở Vương quốc Anh, điều này sẽ cho phép các quản giáo nhanh chóng kiểm soát và thậm chí là xâm nhập được vào dữ liệu điện thoại di động mà các tù nhân dùng “lậu” trong nhà tù, nhưng thực tế thì “cỏ giả” vẫn được tuồn vào trong trại giam.

Tù nhân tại Anh quốc ngày càng sử dụng cách thức “tinh vi và lì lợm” hơn để đưa các chất bất hợp pháp vào nhà tù, trong đó có Spice. Người ta mô tả người sử dụng Spice “giống như những hồn ma zombie (xác sống)”. “Cơn ác mộng Spice” đang biến thành những bộ phim kinh dị ngoài đời thật, chỉ trong vài phút nó có thể khiến người dùng trở thành những “xác sống” và nó đang hủy hoại cuộc sống trên khắp nước Anh.

Tuy nhiên, những hợp chất trong Spice có thể tác động lên hệ thần kinh mạnh và dai dẳng gấp 100 lần so với cần sa. Sự kết hợp các hợp chất khác nhau trong khoảng thời gian khác nhau dẫn tới mức độ gây hại của loại ma túy này cũng khác và tăng dần theo từng lô sản xuất trong mỗi phòng chế thuốc tinh xảo ở Nga và Trung Quốc.

Loại hỗn hợp này dưới dạng bột sẽ được đưa đi khắp châu Âu và Bắc Mỹ dưới vỏ ngoài là bao bì bắt mắt. Chúng được bày bán trong các cửa hàng nhỏ hoặc đại lý. Những người nghiện Spice cho biết, họ như đang ở một hành tinh khác, não như chết đi một nửa. Những cảm giác mãnh liệt và dai dẳng, bạn ở đó nhưng không thể giao tiếp, mọi thứ mơ hồ, khó có thể diễn tả.

Các báo cáo tại Anh quốc tiết lộ rằng nhiều nhà tù tràn ngập các đồ vật bất hợp pháp như ma túy và điện thoại di động mặc dù có quy định nghiêm ngặt về những gì có thể và không thể được đưa vào nhà tù.

Tù nhân và các thành viên băng đảng đang sử dụng công nghệ tinh vi nhằm đưa các đồ vật bất hợp pháp vào trong nhà tù từ các lá thư qua những chuyến thăm hỏi của gia đình và bạn bè tù nhân, hoặc thông qua quản giáo, các nhân viên trại giam và các nhà thầu bên ngoài, đặc biệt là sử dụng drone (thiết bị bay điều khiển từ xa”).

Spice và các loại ma tuý khác được đặt hàng thông qua “giao hàng bay” bằng điện thoại di động siêu nhỏ từ các phòng giam và được giao hàng bằng drone trực tiếp ở cửa sổ buồng giam hoặc tại sân nhà tù khi quản giáo lơ là.

 Chỉ vài phút, cần sa nhân tạo đã biến người dùng thành “xác sống”

Tự thiêu chính mình

Cần sa nhân tạo (tổng hợp) là kết hợp của các loại thảo mộc, gia vị, hoa khô, được tẩm các hóa chất nhân tạo. Cần sa nhân tạo được bán với nhiều nhãn hiệu như Spice, K2, Genie, Fire... Người hút sẽ có cảm giác giống hút cần sa, tuy nhiên các chất gây ra cảm giác này không đến từ các loại hoa cỏ mà từ hóa chất.

Theo thông tin từ trang web Spice Addiction Support, cần sa nhân tạo mang lại cảm giác khá giống cần sa tự nhiên. Tuy nhiên, vì thành phần của nó là hóa chất tổng hợp nguy hại nên người dùng sẽ chịu nhiều cảm giác tiêu cực về thần kinh cũng như thể chất: Làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, gây buồn nôn, căng thẳng, rối loạn thần kinh, tai biến, đột quỵ, mất khả năng nói, đi lại, hoạt động... Ngoài ra, cần sa nhân tạo còn gây tổn thương não và phổi.

Những người hút cần sa nhân tạo thường cực kỳ căng thẳng, có ảo giác, loạn thần, có hành vi bạo lực. Thể hiện bề ngoài giống một zombie trên phim ảnh. Một số trường hợp hút quá liều dẫn tới tử vong không cứu kịp.

Khi  ”đổ bộ” Việt Nam, các loại cần sa nhân tạo này được “dân chơi” gọi nôm na là “cỏ Mỹ” hay “cỏ K” (tức là loại K2). Thậm chí “cỏ Mỹ” đã có mặt mọi nơi từ những quán trà đá vỉa hè, quán karaoke, nhà nghỉ, vũ trường...

Về Việt Nam, trên các mạng xã hội, các đầu nậu chuyên cung cấp quảng cáo rằng cỏ Mỹ không chứa chất gây nghiện, bán dưới dạng hợp pháp, kết quả xét nghiệm nước tiểu những người sử dụng cỏ Mỹ không dương tính... nhưng thực chất đó chỉ là những lời lừa dối. Bởi tại Mỹ thì cần sa được coi là hợp pháp ở một số tiểu bang nhưng lại là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới, cần sa tổng hợp đôi khi được coi là một sự thay thế “hợp pháp hơn”. Những người muốn sử dụng cần sa lựa chọn dùng cần sa tổng hợp với các mục đích như để tránh các vấn đề pháp lý và để tránh xét nghiệm ma túy dương tính.

Cần sa tự nhiên có thể có tác động tiêu cực đối với sức khỏe nói chung nhưng chưa bao giờ có trường hợp báo cáo tử vong quá liều do cần sa tự nhiên. Còn số người chết liên quan đến sử dụng cần sa tổng hợp, nhân tạo thì đang gia tăng ở mức đáng báo động.

}
Top