Hiểm họa ma túy tổng hợp được sản xuất từ tiền chất

11/06/2020 08:25

Hiện nay, công tác quản lý việc sử dụng tiền chất (nguyên liệu điều chế ma túy tổng hợp) sau khi được cấp phép và nhập khẩu được cho là vẫn còn nhiều bất cập và có phần lỏng lẻo.

Nguồn số liệu và ảnh: Cục Điều tra chống buôn lậu

Nguồn ma túy lớn nhất

Số liệu của Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho thấy, nhiều năm gần đây, ma túy tổng hợp (dạng bột, dạng tinh thể và dạng viên) luôn là tang vật được bắt giữ nhiều nhất trong các vụ án ma túy. Thậm chí có những vụ việc ma túy tổng hợp được thu giữ lên đến hàng trăm kg, lớn nhất từ trước đến nay, và số lượng bắt giữ có năm lên đến hơn 1 tấn và hàng trăm nghìn viên.

Điển hình như năm 2019 (năm có số lượng ma túy được bắt giữ nhiều nhất trong vài năm gần đây), chỉ riêng các vụ việc có sự tham gia bắt giữ của lực lượng Hải quan đã thu giữ lượng ma túy tổng hợp kỷ lục lên đến hơn 1.411 kg và 324.938 viên. Trong khi đó, heroin chỉ 28,86 kg và 764 bánh; ketamine 528,52 kg; cocain 18,19 kg; thuốc phiện 39 kg; cần sa 25,56 kg.

Cập nhật 5 tháng đầu năm 2020, ma túy tổng hợp cũng chiếm thế áp đảo. Cụ thể, lượng ma túy tổng hợp trong các vụ việc do lực lượng Hải quan tham gia bắt giữ là 116,139 kg và 94.200 viên. Trong khi các loại ma túy khác như heroin là 3,93 kg; cocain 0,124 kg; thuốc phiện 3,1 kg và cần sa 18,358 kg.

Vài con số nêu trên cho thấy ma túy tổng hợp đang ngày càng trở thành hiểm họa lớn nhất trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm đặc biệt nguy hiểm này. “Thậm chí như khu Tam giác vàng trước đây chủ yếu sản xuất heroin nhưng nay cũng tập trung vào sản xuất ma túy tổng hợp từ tiền chất”- một công chức của Phòng Kiểm soát ma túy (Cục Điều tra chống buôn lậu) chia sẻ.

Không chỉ vươn mạnh về quy mô sản xuất, sự nguy hiểm của ma túy tổng hợp, nhất là ma túy tổng hợp dạng đá còn nằm ở sự độc hại lên hệ thống thần kinh, sức khỏe người sử dụng gấp nhiều lần ma túy có nguồn gốc thực vật. Thực tế, hàng ngày vẫn có không ít những thông tin trên báo chí về các vụ “bay lắc tập thể”, thậm chí người sử dụng ma túy “làm xiếc” trên nóc nhà, cột điện… và điểm chung ở các vụ việc này là người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp dạng đá.

Kiểm soát tiền chất trong nội địa còn hạn chế

Nói về sự gia tăng đột biến của ma túy tổng hợp trong những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Thủy- Trưởng phòng Kiểm soát ma túy (Cục Điều tra chống buôn lậu) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc điều chế, sản xuất ma túy tổng hợp dễ dàng hơn từ nguồn tiền chất có phần chưa được kiểm soát chặt chẽ trong nội địa.

Hiện nay, tiền chất được sử dụng hợp pháp trong công nghiệp, y tế và một số lĩnh vực của ngành nông nghiệp… và việc xuất khẩu, nhập khẩu, sử dụng tiền chất được quản lý qua hình thức cấp phép của cơ quan chức năng, như Cục Hóa chất (Bộ Công Thương).

“Hiện nay có cả nghìn doanh nghiệp nhập khẩu tiền chất mỗi năm, nhưng thực tế doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích không? sử dụng không hết số lượng nhập khẩu không…? Chúng ta chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả ở khâu này tại nội địa. Đấy là chưa kể việc mua bán tiền chất ở các chợ đầu mối cũng chưa được kiểm soát, quản lý tốt”- ông Nguyễn Văn Thủy nói.

Chính công tác quản lý việc sử dụng tiền chất sau khi được cấp phép còn không ít bất cấp được xem là một trong những nguy cơ lớn cho việc mua bán tiền chất trôi nổi trên thị trường để sản xuất ma túy tổng hợp.

Thực tế, thời gian qua, lực lượng chức năng, nhất là cơ quan Hải quan và Công an đã phát hiện không ít vụ việc doanh nghiệp (chủ yếu liên quan đến người nước ngoài câu kết với đối tượng trọng nước) tạo vỏ bọc bằng thành lập doanh nghiệp sau đó nhập khẩu tiền chất để sản xuất ma túy đá. Trong đó có cả trường hợp nhập khẩu tiền chất những không có giấy phép hoặc doanh nghiệp “ma” (không có cơ sở sản xuất) vẫn được cấp phép nhập khẩu tiền chất…

Điển hình như tháng 8/2019, lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan chức năng đột kích vào xưởng của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ðồng An Viên (huyện Ðắc Hà, tỉnh Kon Tum). Tại đây, lực lượng chức năng khống chế, bắt quả tang 7 đối tượng đều là người Trung Quốc đang có hành vi sản xuất trái phép chất ma túy. Khám xét tại nhà xưởng này, lực lượng chức năng thu một lượng lớn hóa chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ được lắp đặt thành dây chuyền sản xuất trái phép chất ma túy (hệ thống bình phản ứng, máy gia nhiệt, máy ly tâm, máy sấy khô...).

Trước diễn biến phức tạp của việc “núp bóng” doanh nghiệp để nhập khẩu tiền chất sản xuất ma túy tổng hợp, thời gian qua, lãnh đạo Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc xuất nhập khẩu, vận chuyển, quá cảnh tiền chất, chất gây nghiện, chất hướng thần, nhất là tại địa bàn các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Tuy nhiên, để đấu tranh hiệu quả với các trường hợp lợi dụng nhập khẩu tiền chất đề xuất ma túy đá, ông Nguyễn Văn Thủy cho rằng, các cơ quan quản lý chuyên ngành cần tăng cường kiểm tra việc sử dụng tiền chất sau khi đã được cấp phép và nhập khẩu. “Bởi, theo chức năng nhiệm vụ cơ quan Hải quan chủ yếu kiểm soát ở khâu nhập khẩu, xuất khẩu, hoặc quá cảnh… còn việc kiểm soát trong nội địa thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành và lực lượng chức năng khác”- lãnh đạo Phòng Kiểm soát ma túy nêu ý kiến.

}
Top