Hiệu quả cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện công lập
Theo ông Dương Đức Thành, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng, các cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoàn toàn có thể thực hiện, thậm chí thực hiện rất tốt công tác cai nghiện ma túy theo phương thức tự nguyện. Nếu có khó khăn, chỉ là khó khăn trong nhận thức, quyết tâm và phương thức tổ chức thực hiện.
Học viên đón Tết ở cơ sở cai nghiện ma túy Lâm Đồng. Ảnh Nhật Thy |
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng là một cơ sở cai nghiện ma túy công lập (trực thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Lâm Đồng) có quy mô nhỏ, công suất tiếp nhận thấp (chỉ có thể tiếp nhận 170 người điều trị cùng lúc), bộ máy biên chế nhân sự ít (17 vị trí việc làm), đầu tư không cao (tổng đầu tư từ ngày thành lập đến nay chỉ 8 tỉ đồng), không thuận lợi về tự nhiên (cách đô thị gần nhất 45 km).
Sáu tháng đầu năm 2018, Cơ sở thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và điều trị cho 326 người cai nghiện tự nguyện (chiếm 91%) và 35 người cai nghiện bắt buộc. Cụ thể, người trong tỉnh: 246 (chiếm tỉ lệ 75,6%); người ngoài tỉnh: 80 người (chiếm tỉ lệ 24,4%). Về thời gian điều trị (đối với người cai tự nguyện): 6 tháng: 211 người (chiếm tỉ lệ 65%), 12 tháng: 91 người (chiếm tỉ lệ 28%), trên 12 tháng: 24 người (chiếm tỉ lệ 7%), xin gia hạn sau khi thời gian điều trị kết thúc:12 người (chiếm tỉ lệ 3,6%).
Trong 4 năm gần đây, tỷ lệ người đăng ký cai nghiện tự nguyện tại cơ sở tăng bình quân hàng năm khoảng 18,5%.
Để có được kết quả như trên, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện những giải pháp trong đó có việc thay đổi nhận thức của lãnh đạo và người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cai nghiện trong Cơ sở cai nghiện ma túy. Hiện nay, quan điểm và phương châm làm việc của Cơ sở là "Thân thiện, Phục vụ và Kỷ cương". Phục vụ xuyên suốt trong mọi phương pháp, Thân thiện trong thái độ và Kỷ cương trong tự điều chỉnh lối sống cũng như trong yêu cầu học viên thực hiện quy trình.
Ngoài việc thực hiện các quy định của Nhà nước về cai nghiện ma túy, Cơ sở còn bổ sung các nhóm dịch vụ đáp ứng được nhu cầu, mong muốn của người đến cai nghiện tự nguyện, nhóm dịch vụ cơ bản (cắt cơn giải độc, điều trị y tế, khôi phục thể lực, giáo dục chuyên đề theo hệ tín chỉ, dạy nghề, lao động trị liệu) và nhóm dịch vụ bổ trợ, tùy chọn, nâng cao (dinh dưỡng, khôi phục giá trị sống, thư viện, cà phê sách, giải trí tích cực, tham gia các chi hội chuyên ngành, tư vấn nhóm…). Các nhóm dịch vụ được thực hiện qua 3 giai đoạn: Điều trị y tế, Phục hồi giá trị sống, Chuẩn bị hòa nhập. Tất cả đều được thực hiện theo quy trình quản lý trường hợp. Các dịch vụ đều đáp ứng nhu cầu của học viên, người được phân công cung cấp dịch vụ sẽ không được đánh giá cao nếu dịch vụ không đạt được sự chấp nhận của người sử dụng dịch vụ.
Bên cạnh quá trình cung cấp dịch vụ, nhằm kiểm chứng chất lượng và bảo đảm các dịch vụ ngày càng bền vững và hiệu quả, Cơ sở hình thành hai cơ chế phản hồi và phản biện: Năm 2017, hình thành cơ chế phản hồi về chất lượng dịch vụ: Bao gồm các phương thức như xây dựng Bộ công cụ tiếp nhận và xử lý phản hồi thông tin về chất lượng phục vụ, sinh hoạt đối thoại hàng tháng giữa lãnh đạo với học viên; "Một giờ với Giám đốc", tổ chức khảo sát sự hài lòng của học viên định kỳ 6 tháng về chất lượng từng dịch vụ và từng cán bộ làm việc tại Cơ sở. Năm 2018, thành lập Tổ phản biện chất lượng dịch vụ (thành viên của tổ là học viên tự quản), tổ có trách nhiệm thường xuyên phát hiện và có tiếng nói (thậm chí trái chiều) về tất cả các loại hình dịch vụ một cách thường xuyên.
Hai cơ chế này đã tạo nên sự phản ánh rất kịp thời, giúp Cơ sở điều chỉnh kịp thời các yếu tố chủ quan trong các quy chế điều trị và phục vụ, đồng thời, giúp các hoạt động trở nên minh bạch, sòng phẳng; tất cả viên chức đều phải luôn phấn đấu hoàn thiện phong cách phục vụ của mình.
Với nhận thức không thể đạt hiệu quả nếu chỉ điều hành áp đặt từ một phía, những năm qua, Cơ sở đã tạo ra sự cộng tác trong các quy trình điều trị. Sự cộng tác không chỉ giữa nhân viên xã hội với học viên, mà còn giữa đơn vị với các nguồn lực khác trong cộng đồng. Các hoạt động chủ yếu tạo ra sự cộng tác gồm có: Cộng tác trong Cơ sở qua sự gắn bó mật thiết với ban điều hành tự quản của học viên. Xây dựng một hệ thống điều hành thứ hai bên cạnh hệ thống viên chức. Tự quản không chỉ về an ninh trật tự, mà tự quản cộng tác gần như toàn bộ quy trình: hậu cần, thi đua, đánh giá kết quả, văn hóa thể thao, sinh hoạt chi hội, chào cờ đầu tuần, giao ban Daytop, phân công - điều hành vv… Cộng tác với thân nhân qua Ban đại diện học viên.Cộng tác với các nguồn lực địa phương qua việc xây dựng và tổ chức hoạt động 3 Văn phòng tư vấn tại 3 địa phương trọng điểm về ma túy của tỉnh (TP. Đà Lạt, huyện Đức Trọng, huyện Lâm Hà). Cộng tác với các nguồn lực khác để thực hiện chương trình Đồng hành với học viên sau cai.
Có thể nói, qua những giải pháp mà Cơ sở đã thực hiện trong thời gian qua góp phần làm cho tình hình an ninh trật tự trong Cơ sở luôn được đảm bảo, không thẩm lậu ma túy và các chất gây nghiện trái phép. Thay đổi hoàn toàn quan điểm về trách nhiệm cai nghiện (phục vụ chứ không cai trị) cho đội ngũ viên chức, người lao động.
Từ đó, thay đổi được hệ thống giải pháp và quan điểm đầu tư, tạo được sự cộng tác ngày càng cao trong các mối quan hệ có liên quan đến quá trình điều trị; tạo được môi trường (cả thiên nhiên và xã hội) ngày càng trong lành, hỗ trợ tích cực cho công tác cai nghiện. Điều chỉnh được tỉ lệ bộ máy nhân sự: giảm triệt để bộ máy bảo vệ - bảo đảm an ninh trật tự (chỉ còn dưới 25% tổng bộ máy), tăng đáng kể bộ máy có trình độ chuyên môn tốt - nhất là chuyên môn về công tác xã hội. Qua đó, chất lượng công tác chuyên môn ngày càng đạt được cao hơn. Xây dựng và hệ thống hóa được các dịch vụ cung cấp cho người đến cai, từ kinh nghiệm thực tiễn dần hoàn thiện cơ sở lý luận về dịch vụ tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Xây dựng được sự cộng tác tốt của cộng đồng, nhất là các địa phương có đặt Văn phòng tư vấn của Cơ sở, từ đó một mặt góp phần xây dựng đội ngũ làm công tác chuyên trách phòng chống TNXH ở địa phương, một mặt chủ động đến với người nghiện, vừa hỗ trợ họ ngay nơi họ sống vừa trực tiếp hỗ trợ họ sau khi họ kết thúc quy trình cai nghiện.