Hiệu quả mô hình tư vấn điều trị nghiện ma túy

27/09/2021 17:04

Với sự tham mưu của Phòng LĐTB&XH quận Hai Bà Trưng (Hà Nội), tháng 8/2020, Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng được UBND quận đưa vào hoạt động tại Trạm Y tế phường Nguyễn Du, qua hơn 1 năm đã đạt những kết quả bước đầu, góp phần vào thành công chung công tác phòng chống tệ nạn xã hội tại quận.

Cán bộ điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng

Những con số biết nói

Dân số đông, dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng đang phát triển, tại quận Hai Bà Trưng, hoạt động tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người tuy không có biến động lớn nhưng tiềm ẩn nhiều phức tạp. Danh sách quản lý người nghiện hiện có 791 người, trong đó 449 người đang ở cộng đồng có mặt tại địa bàn, 83 người trong trường trại, 84 người trong trung tâm cai nghiện.

Gần đây, số người nghiện trong danh sách quản lý đã giảm dần, kìm chế tốc độ gia tăng, nhờ một nguyên nhân quan trọng là hoạt động tích cực của các mô hình phòng chống tái nghiện như Đội hoạt động xã hội tình nguyện (HĐXHTN) phường, sinh hoạt Câu lạc bộ (CLB) B93 và Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng.

Theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du Dương Minh Đức, Chủ nhiệm Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng quận Hai Bà Trưng, ngay sau khi Điểm ra mắt, Ban Chủ nhiệm đã phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ theo phân công; cùng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội TP, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) và Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội tổ chức tập huấn cho Đội HĐXHTN 18 phường về công tác tư vấn, giới thiệu mô hình hoạt động Điểm tư vấn, tới những người nghiện ma túy, quản lý sau cai…

Phòng LĐTB&XH quận chỉ đạo UBND phường, thành viên Ban Chủ nhiệm và tình nguyện viên Đội HĐXHTN, cùng hỗ trợ của các ngành, đoàn thể đã giúp tuyên truyền sâu rộng đến người dân, nhóm khách hàng hiểu được những dịch vụ hỗ trợ Điểm đang thực hiện. Chiều thứ Tư hằng tuần, cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 và Phòng LĐTB&XH quận đều trực tiếp đến Điểm tham gia tư vấn, với nội dung phong phú, đặc biệt về các chính sách đang hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế tiếp cận tái hòa nhập cộng đồng như chăm sóc sức khỏe, mua bảo hiểm y tế (BHYT), điều trị thay thế uống Methadone; điều trị cai nghiện tự nguyện; tư vấn học nghề, vay vốn giải quyết việc làm, làm giấy tờ pháp lý khác (căn cước công dân, hộ khẩu, tạm trú...).

Người chưa có BHYT, hoàn cảnh khó khăn thì làm đơn, cán bộ Điểm cùng cán bộ SCDI đến địa bàn xác minh, đủ điều kiện sẽ được SCDI hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT. Điểm còn tổ chức một số buổi sinh hoạt nhóm với những chủ đề thiết thực, như “quản lý cơn thèm nhớ”; cán bộ cùng thành viên Ban Chủ nhiệm và Đội HĐXHTN đến địa bàn dân cư tuyên truyền tới từng khách hàng về chính sách của Điểm...

Hỗ trợ nâng cao hiệu quả thực tế

Thời gian tới, Ban Chủ nhiệm Điểm tư vấn sẽ đẩy mạnh tuyên tuyền về mô hình tư vấn, hỗ trợ chăm sóc người nghiện tại cộng đồng; hỗ trợ kinh phí mua BHYT cho người nghiện, với hoàn cảnh khó khăn đề nghị hỗ trợ 100% kinh phí. Tại đây cũng sẽ quan tâm tư vấn điều trị một số dạng bệnh khách hàng đang gặp (đau xương, tức ngực, mất ngủ…); học nghề, hỗ trợ tìm việc làm; liên hệ chuyển gửi làm thủ tục pháp lý; tổ chức tập huấn tuyên truyền chuyên môn sâu cho tình nguyện viên, cộng tác viên.

Dù đã đạt kết quả bước đầu, song theo Phó trưởng Phòng LĐTB&XH quận Nguyễn Thị Bích Hạnh, khó khăn nhất là nhiều khách hàng có tâm lý rụt rè, ngại tiếp xúc, chưa hợp tác vì chưa hiểu rõ những dịch vụ sẽ được trợ giúp tại cộng đồng, luôn có tâm lý bị mọi người kỳ thị, là đối tượng có nguy cơ phạm tội cao nên rất sợ công an đưa vào tầm ngắm đưa đi cơ sở cai nghiện.

Công chức phụ trách LĐTB&XH phường Nguyễn Du Hoàng Thanh Tâm chia sẻ, cán bộ LĐTB&XH phường thường không có kiến thức chuyên môn sâu và kinh nghiệm làm việc với người nghiện, nên cũng gặp khó khăn mỗi khi khách hàng cần tư vấn. Vì vậy, Phòng LĐTB&XH quận và UBND phường đều kiến nghị, đội ngũ Điểm tư vấn cần được tập huấn chuyên môn sâu nghiệp vụ tư vấn, kỹ năng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Điểm cũng cần được mở rộng dịch vụ trợ giúp với người đăng ký cai nghiện tự nguyện.

Đặc biệt, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Nguyễn Du Phạm Thị Xuân Hoài, Phó Chủ nhiệm Điểm tư vấn đề nghị tại đây được bổ sung cán bộ tư vấn, vì cán bộ y tế phường đang kiêm nhiệm rất nhiều việc nhất là bối cảnh phòng chống dịch hiện nay, trong khi việc tiếp xúc tư vấn người nghiện cần có nhiều thời gian. Hơn nữa, khách hàng đều là người cần được chăm sóc y tế trong khi đa số có hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định, nhiều người không vợ con nên khi ốm đau rất cần chỗ bấu víu, nhưng điều kiện để được hỗ trợ mua BHYT rất hạn chế. Vì vậy, từ TP cần kêu gọi có nhiều nguồn tài trợ, tổ chức phi chính phủ… hỗ trợ họ mua BHYT, mới tạo thêm động lực để nhiều khách hàng đến với Điểm tư vấn hơn.

Từ khi hoạt động Điểm tư vấn đến hết năm 2020, đã có gần 50 khách hàng tham gia tư vấn, trong đó 38 người có nhu cầu khám sức khỏe, 8 người có hồ sơ đủ điều kiện được mua BHYT, 1 người được hướng dẫn làm thủ tục tư pháp... Sau một năm hoạt động, cán bộ Điểm đã vận động được 21 lượt khách hàng trong đó 16 người nghiện, người sau cai nghiện tham gia tư vấn, hỗ trợ, điều trị tại cộng đồng. Trong số này, chuyển gửi được 1 người đến cơ sở điều trị Methadone, 3 người đến cơ sở cai nghiện ma túy.

}
Top