Hiệu quả từ mô hình 'Con nuôi đồn biên phòng'

10/09/2021 07:53

Thông qua mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bị nhiễm HIV, hay sớm thiếu bàn tay chăm sóc của cha, mẹ đã được những người lính biên phòng đứng ra nhận nuôi dưỡng. Nhờ tình thương và trách nhiệm của những người lính quân hàm xanh mà cuộc đời của những đứa trẻ mồ côi, kém may mắn ấy có cơ hội bước sang trang mới.

Em Đinh Hải Nam được chiến sĩ trạm kiểm soát biên phòng tại xã Ngư Lộc kèm cặp trong quá trình học tập, rèn luyện

Đồn Biên phòng Tam Chung (Mường Lát) là đồn biên phòng đầu tiên trên địa bàn tỉnh nhận nuôi các em tại đồn, đó là em Vi Văn Thắng và Vi Văn Tuất, cả 2 em đều sinh năm 2006, cùng ở bản Poọng, xã Tam Chung, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Em Vi Văn Thắng có bố bị nghiện ma túy và đã mất vì căn bệnh HIV/AIDS. Sau khi bố mất, gia đình Thắng vốn đã nghèo, càng thêm kiệt quệ; bị mọi người xa lánh do kỳ thị nên em không muốn đến trường. Mẹ Thắng cũng bỏ về quê ngoại ở Sơn La, nên em phải chuyển về sống cùng bác ruột và ông nội. Hoàn cảnh gia đình bác cũng rất nghèo khó nên không giúp đỡ được nhiều cho em.

Cùng chung hoàn cảnh với em Thắng, em Vi Văn Tuất có bố cũng mắc phải “căn bệnh thế kỷ”, qua đời năm 2012. Mẹ Tuất vì sự kỳ thị, xa lánh của người dân nên phải khăn gói đi làm ăn xa, lâu lâu mới về. Em sống cùng chị gái và bà nội già yếu, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào các cô, các bác. Cuộc sống nghèo đói lại bị kỳ thị của một số người, khiến cho cánh cổng nhà trường dần dần đóng lại trước mắt các em, mặc dù cả hai em đều rất khao khát được cắp sách đến trường. Trước tình hình trên, để tiếp tục giúp các em nuôi ước mơ đến trường, xóa bỏ những kỳ thị của mọi người, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Tam Chung họp bàn, đi đến thống nhất báo cáo với Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh nhận 2 em về nuôi trong đơn vị.

Thượng tá Trần Đình Hòa, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Chung, chia sẻ: “Những lần đầu ra với đơn vị, Thắng và Tuất cứ ngồi một chỗ, ít giao tiếp với các chú bộ đội trong đồn. Thế nhưng, sau vài lần tiếp xúc với môi trường quân đội, hai em có vẻ thích thú và không còn sợ như trước. Do được cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thường xuyên gần gũi, chăm sóc, dạy bảo, dần dần các em đã hòa nhập tốt với cuộc sống mới trong môi trường quân đội, biết tự chủ trong sinh hoạt, tự giác đi tắm, lên bếp ăn cơm khi có kẻng... Mỗi khi nhớ nhà, các em được cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đưa về thăm ông, thăm bác. Sau một thời gian, hai em Thắng, Tuất dần vào khuôn khổ, sáng sớm nghe kẻng báo thức cũng dậy cùng hô theo động tác thể dục của bộ đội, buổi chiều các em ra vườn rau cùng nhặt cỏ, tưới rau... Chúng tôi phải rèn giũa các cháu từng ly, từng tý, từ cách đi đứng đến việc ăn nói lễ phép với người lớn tuổi”.

Được biết, từ khi được Đồn Biên phòng Tam Chung nhận đỡ đầu, hai em yên tâm đến trường. Hằng tháng, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trích tiền lương của mình để hỗ trợ mỗi em một tháng 500.000 đồng. Số tiền này được các em sử dụng vào việc mua sách vở, quần áo đầu năm học. Tiền còn dư sẽ được tiết kiệm để sau này mua xe đạp cho các em khi vào học THPT.

Một trường hợp khác - em Vi Việt Khang, sinh năm 2007, tại bản Na Mèo, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, là người dân tộc Thái. Em được Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo nhận làm con nuôi, đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng. Khang chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa khi thiếu đi sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ. Cuộc đời em như một cuốn phim buồn từ lúc lên 5 tuổi, năm 2012 mẹ em bỏ đi lấy chồng khác. Khi Khang lên 7 tuổi, bố em qua đời vì một cơn bạo bệnh, em ở với ông bà nội. Hai ông bà tuổi cao, sức yếu, đang nuôi dưỡng cố nội đã 90 tuổi, lúc ấy lại thêm trách nhiệm nuôi thêm đứa cháu mồ côi tội nghiệp. Cuộc đời của Khang như bước sang một trang mới khi được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo nhận làm con nuôi vào tháng 9-2019. Các chiến sĩ biên phòng đón em lên ăn ở, sinh hoạt ngay tại đồn. Hàng ngày, ngoài việc học tập tại trường, những lúc rảnh rỗi, Khang cùng các chiến sĩ ở đồn lao động, trồng rau, tham gia các hoạt động thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe.

Triển khai mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, Đồn Biên phòng Đa Lộc đã cùng chính quyền xã Hưng Lộc đón em Đinh Hải Nam về sinh hoạt và học tập tại Trạm kiểm soát biên phòng tại xã Ngư Lộc. Em Đinh Hải Nam, sinh năm 2008, tại xã Hưng Lộc. Năm em chưa đầy một tuổi thì bố mất, từ đó mẹ em bỏ đi biệt tích. Hải Nam sống cùng ông bà nội, gia đình thuộc diện hộ nghèo, kinh tế đặc biệt khó khăn. Tuổi già sức yếu, ông bà Hải Nam đau ốm quanh năm. Được các chiến sĩ đồn biên phòng đưa về nuôi, tại đây, cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Đa Lộc đã chỉ đạo cán bộ cơ sở chuẩn bị các điều kiện như: góc học tập, bàn ghế, giường, tủ, các dụng cụ sinh hoạt thường ngày cho Hải Nam sinh hoạt, phân công cán bộ cơ sở phụ trách việc di chuyển đi lại trong quá trình học tập, cũng như đảm bảo các chế độ sinh hoạt ăn uống, vệ sinh, gần gũi, quan tâm chia sẻ trong việc sinh hoạt ngày hàng, kèm cặp Hải Nam học tập.

Thượng tá Lê Văn Toản, Trưởng Ban Vận động quần chúng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chia sẻ: Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động, từ tháng 7-2019, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn rà soát các em trong diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Đối với các em được các đồn nhận về nuôi, được các đơn vị chăm lo ăn học, đã tiến bộ nhiều về thể chất, tinh thần và kết quả học tập. Thời gian tới, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại các đồn còn lại. Hiện nay, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đang nhận nuôi 10 em. Những tấm giấy khen cuối năm học, sự trưởng thành của các em chính là thành quả cho sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của những con nuôi đồn biên phòng. Và đó cũng chính là “quả ngọt” cho sự dìu dắt, chỉ bảo tận tình của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thanh Hóa trong suốt thời gian qua. Dưới mái nhà chung của lực lượng biên phòng, các em đều được dành tình cảm yêu thương, dạy dỗ học tập, rèn luyện nhân cách để lớn lên trở thành người công dân có ích cho xã hội”.

Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc, hiệu quả của mô hình mang lại chính là động lực để cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều mô hình hướng về cơ sở, tạo điều kiện cho học sinh nghèo được học tập, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết quân dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới của Tổ quốc.
}
Top