Hỗ trợ mua thẻ BHYT cho bệnh nhân lao chưa có thẻ

05/09/2019 15:34

Kể từ tháng 9/2019, Quyết định về việc ban hành mức hỗ trợ và quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký của người bệnh lao có hiệu lực, thay thế các quy định về thủ tục hỗ trợ người bệnh trước đây của Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao.

Đối tượng người bệnh lao hoàn cảnh khó khăn có hồ sơ đăng ký hỗ trợ được phân loại gồm điều trị nội trú đã có thẻ BHYT, chưa có thẻ BHYT hoặc đang trong thời gian chờ thẻ BHYT có hiệu lực sử dụng sau 1 tháng theo quy định; đối tượng người bệnh điều trị ngoại trú.

Sẽ hỗ trợ mua thẻ BHYT đối với tất cả trường hợp người bệnh lao chưa có thẻ BHYT, có hồ sơ đăng ký đúng quy định của Quỹ theo mức của đối tượng mua thẻ BHYT tự nguyện do pháp luật quy định. Người bệnh lao điều trị nội trú còn được hỗ trợ theo ngày nằm viện.

Khi đã có thẻ BHYT, người bệnh nhóm I, nhóm III được hỗ trợ 200.000 đồng/ngày; nhóm II 300.000 đồng/ngày. Khi người bệnh chưa có thẻ BHYT hoặc chờ thẻ BHYT có hiệu lực, nhóm I nhận hỗ trợ 650.000 đồng/ngày; nhóm II và nhóm III nhận 800.000 đồng/ngày.

Các trường hợp người bệnh lao điều trị ngoại trú sẽ nhận hỗ trợ chi phí đi lại mức 100.000 đồng/lần đi khám và hỗ trợ dinh dưỡng 1 triệu đồng/tháng.

Bệnh lao được phân chia thành các nhóm: Nhóm I lao kháng thuốc; nhóm II lao hệ thần kinh (lao màng não), lao cột sống, lao xương và khớp (khớp háng, khớp gối, khớp ngón), di chứng do lao và nhóm III là lao ruột, màng bụng, lao hạch ngoại vi, lao hạch trung thất, lao màng phổi, lao phổi, lao thanh quản, lao tiết niệu, lao kê, lao da, lao các cơ quan khác.

Hiện bệnh lao vẫn là một trong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới. Mỗi ngày, khoảng 4.500 người tử vong vì căn bệnh trên và có đến gần 30.000 người nhiễm bệnh.

Tại Việt Nam, nước ta vẫn nằm trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng lao kháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, ước tính số liệu năm 2017, Việt Nam có 124.000 người mắc lao mới. Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện được khoảng hơn 100.000 người mắc lao, còn lại hơn 20.000 người chưa được phát hiện trong cộng đồng. Số người chết do lao năm 2017 ở Việt Nam ước tính là 12.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do tai nạn giao thông. Tuy nhiên, chúng ta có nhiều điều kiện thuận lợi chấm dứt căn bệnh này.

Trong 10 năm qua, dựa trên các nghiên cứu điều tra toàn quốc lần 1 năm 2007 và lần 2 năm 2017 và các nghiên cứu phụ trợ, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Những năm gần đây tốc độ giảm nhanh hơn, nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Bên cạnh đó, đến nay chúng ra đã làm chủ được các kỹ thuật phát hiện, chẩn đoán, điều trị với kết quả cao, đã xây dựng được một hệ thống mạng lưới mạnh từ trung ương đến địa phương. Đây là một kết quả rất đáng mừng, nếu so sánh với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.Tổ chức Y tế thế giới nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Chúng ta đã hội tụ gần đủ các yếu tố để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Top