Hỗ trợ, tạo việc làm cho người lầm lỡ trở về
(Chinhphu.vn) - Hiện nay, trước diễn biến của tệ nạn ma tuý phức tạp, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến công tác giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho người cai nghiện ma túy khi họ hoàn thành thời gian cai nghiện từ các cơ sở trở về cộng đồng. Đây là một chủ trương đúng đắn, mang tính nhân văn sâu sắc bởi giúp họ có việc làm ổn định, cũng có nghĩa là giúp họ giảm nguy cơ tái nghiện, đoạn tuyệt ma túy, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Cai nghiện ma túy thành công là một hành trình đầy gian nan và nhiều thử thách. Song việc giữ gìn không tái nghiện cũng là cả một sự nỗ lực, cố gắng không ngừng. Trong đó, học nghề, tìm kiếm việc làm là một trong những yếu tố có tác động không nhỏ đến hiệu quả phòng chống tái nghiện của người sau cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, tìm việc làm đối với người đã từng có tiền án, tiền sự, người từng nghiện ma túy chưa bao giờ là dễ dàng.
Hiện nay, TP. Hà Nội có 7 cơ sở cai nghiện ma túy. Ngoài công tác điều trị cắt cơn, giải độc, các cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở LĐTB&XH Hà Nội đặc biệt chú trọng tư vấn hướng nghiệp, mở các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho học viên trong quá trình điều trị tại cơ sở. Các nghề đào tạo khá đa dạng, phù hợp với thể trạng sức khỏe và năng lực của học viên.
Ông Ngô Văn Ất, Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội cho biết, hằng năm, đơn vị phối hợp với Trường Trung cấp nghề Cơ khí I Hà Nội và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sóc Sơn mở từ 3 đến 4 lớp đào tạo nghề điện dân dụng, hàn, hàn điện, may công nghiệp cho khoảng 90-130 học viên. Hoàn thành các khóa đào tạo, học viên được làm nghề tại chỗ, đồng thời được bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Cách này vừa giúp học viên tham gia lao động trị liệu, qua đó dần hình thành những suy nghĩ tích cực, vừa có thu nhập, vừa có nghề để tăng cơ hội tái hòa nhập sau khi kết thúc thời gian điều trị cai nghiện, trở về gia đình, cộng đồng.
Đầu tháng 8 vừa qua, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cũng vừa phối hợp với Trung tâm giáo dục nghề nghiệp Ba Vì tổ chức khai giảng cho 3 lớp đào tạo trình độ sơ cấp nghề cho 100 học viên có nhu cầu tham gia theo học, trong đó có 01 lớp hàn cơ khí cho 35 học viên nam, 01 lớp kỹ thuật xây dựng cho 35 học viên nam, 01 lớp may công nghiệp cho 30 học viên nữ.
Bà Phùng Thị Thúy Hường, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 cho biết, khóa học nghề kéo dài trong thời gian 3 tháng sẽ giúp các học viên nắm được kiến thức, kỹ năng cơ bản về xây dựng, hàn cơ khí và may trang phục.
Trong thời gian tham gia khóa học, học viên sẽ được tiếp cận 20% thời gian học lý thuyết và 80% thời gian học thực hành. Các tiết học sẽ được bổ sung, hỗ trợ nhau, trong đó các tiết thực hành sẽ chiếm vị trí rất quan trọng trong cả khóa học. Với đặc thù của các môn học chủ yếu là các giờ thực hành nên Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 và giáo viên phụ trách các bộ môn sẽ phối hợp nhịp nhàng để khóa học đạt hiệu quả cao nhất.
Giúp người sau cai rút ngắn thời gian tái hòa nhập cộng đồng
Đặc biệt, từ năm 2015, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với 7 cơ cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức các chương trình tư vấn hướng nghiệp, học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên trước khi hòa nhập cộng đồng. Tại những chương trình này, học viên cai nghiện được tư vấn tập trung tại hội trường và sau đó là tư vấn trực tiếp đối với từng trường hợp.
Học viên N.V.C (thường trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội), hết thời hạn cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 sẽ trở về cộng đồng vào tháng 10/2023 chia sẻ: "Trước đây, em làm công việc tự do, không có kỹ năng nghề gì, chỉ biết ăn chơi rồi sa vào nghiện ma tuý. Được tham gia Chương trình tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm do Cơ sở tổ chức, em càng hiểu hơn ý nghĩa, giá trị của lao động. Có tay nghề thành thạo, vững vàng sẽ giúp chúng em có việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cuộc sống, phòng chống tái nghiện".
Theo ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thông qua những chương trình tư vấn, học viên cai nghiện ma túy nắm bắt được thông tin thị trường lao động, tự đánh giá được bản thân với những nghề nghiệp đã có hoặc sẽ theo học trong thời gian tới khi quay trở về cộng đồng thì dễ dàng tiếp cận và nhanh chóng có việc làm.
Khi học viên hoàn thành cai nghiện quay trở về cộng đồng, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội lại phối hợp với Phòng LĐTB&XH các quận, huyện thực hiện những phiên giao dịch việc làm lồng ghép có mời lực lượng này tham gia.
Trung tâm hy vọng hoạt động tổ chức phiên giao dịch việc làm bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực với nhóm lao động này và nhận thức của họ sẽ tốt hơn, cải thiện được tâm lý, nhận thức… Tuy nhiên, việc mở rộng doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lực lượng lao động sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng vẫn còn khó khăn. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tích cực mời và tư vấn cho các doanh nghiệp sẵn sàng tham gia phiên giao dịch việc làm và đặc biệt là tuyển dụng, sử dụng lực lượng lao động này.
Theo Sở LĐTB&XH Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ, vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho 60 người sau cai nghiện.
Thực hiện Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, Nghị định 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021, trong thời gian qua, công tác tư vấn giáo dục cho người cai nghiện trước khi hết hạn trở về cộng đồng hết sức được chú trọng, gồm các nội dung lập kế hoạch cai nghiện cá nhân, kiến thức phòng chống tái nghiện như kỹ năng từ chối, kỹ năng đối phó với cơn thèm nhớ, làm chủ bản thân và phòng ngừa tái nghiện; lập kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng của người sau cai nghiện ma túy.
Khi hết thời hạn cai nghiện, người sau cai cần tham gia các hoạt động, câu lạc bộ do chính quyền địa phương tổ chức, các dịch vụ hỗ trợ cho người tái hòa nhập cộng đồng và thực hiện quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng từ 1 đến 2 năm.
Mặc dù vậy, đa số người cai nghiện đều mong muốn được tiếp cận những thông tin chi tiết, đầy đủ từ các cán bộ tư vấn của Trung tâm dịch vụ việc làm, từ doanh nghiệp – các nhà tuyển dụng về từng lĩnh vực như: Học nghề - tuyển dụng, thị trường lao động, xuất khẩu lao động… bởi chỉ có ổn định việc làm mới giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững, cai nghiện thành công.
Việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm cho nhiều người lao động, trong đó có người sau cai nghiện ma túy tham gia là giúp họ thích ứng nhanh hơn với cuộc sống xã hội và rút ngắn thời gian tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn phải là sự quyết tâm đoạn tuyệt được với ma túy, làm lại từ đầu của những người nghiện.
Hoàng Giang