Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý
Sáng 20/8, tại Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức lễ ra mắt Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, Hoàn Kiếm là điểm nóng ma tuý của thành phố. Là địa phương tập trung nhiều du khách trong nước và quốc tế, đặc biệt có hiện tượng người nước ngoài sang Việt nam sử dụng ma tuý. Trên cả nước, những vụ án có liên quan đến ma túy xảy ra để lại nhiều hậu quả đau xót. Số lượng người nghiệm ngày một tăng lên. Trước tình hình đó, với quyết tâm giữ gìn môi trường xã hội an toàn, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng dân cư, quận Hoàn Kiếm ra mắt đồng loạt 4 mô hình tại 4 phường trọng điểm là Hàng Buồm, Lý Thái Tổ, Chương Dương, Phúc Tân.
Ra mắt Mô hình chuyển gửi. Ảnh Nhật Thy |
Mục tiêu chung của mô hình đó tạo điều kiện để người sử dụng, người nghiện ma túy và thân nhân của họ được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy và phục hồi toàn diện tại cộng đồng; giảm tác hại do sử dụng ma túy, giảm các hành vi vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma túy và cộng đồng, kiềm chế gia tăng số người nghiện mới, góp phần giảm tỷ lệ phạm tội trong nhóm đối tượng sử dụng ma túy, nghiện ma túy trên địa bàn thành phố…
Quận Hoàn Kiếm đề ra mục tiêu: Thực hiện chuyển gửi, hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi tới các dịch vụ tiếp cận từ 50 đến 100 người sử dụng ma túy, nghiện ma túy trên địa bàn. Hỗ trợ ít nhất một nhu cầu cắt cơn, điều trị rối loạn tâm thần, điều trị thay thể, khám, xét nghiệm, điều trị viêm gan B,C, lao, HIV cho 70% số người được chuyển gửi điều trị. Hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp cho 8 người khi tham gia Mô hình.
Theo ông Nguyễn Văn Lập, Phó Chi cục trưởng Chi Cục phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, Mô hình chuyển gửi này nhằm cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ về đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020, tạo điều kiện cho người nghiện ma tuý sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, phục hồi toàn diện tại cộng đồng.
Quy trình chuyển gửi. Ảnh Nhật Thy |
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm mô hình do Sở LĐTB&XH và Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Hà Nội phối hợp quản lý với sự hỗ trợ kỹ thuật, chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI). Mô hình bước đầu được thực hiện tại 2 quận Long Biên và Nam Từ Liêm với 6 điểm phường (Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ, Bồ Đề, Cầu Diễn, Mỹ Đình 1 và Xuân Phương) chính thức khởi động từ tháng 4/2019.
Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng và các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý liên quan.
Các hoạt động của mô hình chuyển gửi mà người nghiện ma tuý đã được tiếp cận trực tiếp gồm: Tư vấn, sàng lọc và can thiệp ngắn; Tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng HIV; Chuyển gửi đến các cơ sở điều trị Methadone; Chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma tuý; Hỗ trợ về hành, hỗ trợ pháp lý; Chuyển gửi tới dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm; Chuyển gửi điều trị sức khoẻ tâm thần và các hoạt động tư vấn, chuyển gửi khác theo mô hình. Đây là những dịch vụ rất thiết thực đối với người nghiện ma tuý, giúp cho họ tiếp cận được nhanh nhất, hiệu quả nhất, kịp thời đáp ứng nhu cầu, mong muốn được tham gia điều trị, cai nghiện, hỗ trợ phòng chống tái nghiện.
Năm 2019 mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy" đã tiếp cận, tư vấn, chuyên gửi cho 170/150 người (đạt 113,3% kế hoạch), trong đó 118 người được tư vấn, chuyển gửi đến dịch vụ xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV, 94 người được chuyển gửi điều trị Methadone, 87 người được tư vấn chuyển gửi đến dịch vụ điều trị cai nghiện ma túy, dịch vụ hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm: 61 người,... Tính đến thời điểm tháng 6/2020, tổng số người được tiếp nhận là 202 người.
Mô hình sẽ tạo điều kiện để người sử dụng ma tuý, người nghiện ma tuý sớm được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ điều trị, cai nghiện ma tuý và phục hồi toàn diện tại cộng đồng; giảm tác hại do sử dụng ma tuý, giảm các vụ vi phạm pháp luật và nguy hại đối với người sử dụng ma tuý và cộng đồng, góp phần giảm tỷ lệ phạm tội nhóm đối tượng sử dụng ma tuý, nghiện ma tuý; từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện, người sử dụng ma tuý và công tác cai nghiện ma tuý tại cộng đồng.