Hoạt động bán dâm giá hàng nghìn USD lũng đoạn giới giải trí Hàn Quốc

25/07/2020 13:05

Mại dâm là hoạt động phi pháp hái ra tiền tại Hàn Quốc. Đây cũng là vấn nạn không thể dẹp bỏ một sớm một chiều của ngành giải trí quốc gia này.

Bê bối bán dâm năm 2016 đã đẩy sự nghiệp của nữ ca sĩ G.NA vào ngõ cụt. Ảnh: Cube Entertainment

Là hành vi phạm pháp nhưng trên thực tế, hoạt động mại dâm vẫn tiếp tục tồn tại, ăn sâu bám rễ vào xã hội Hàn Quốc nói chung, và ngành giải trí nói riêng. Nhiều nữ nghệ sĩ đã tham gia vào đường dây mua bán tình dục như một vụ làm ăn hai bên cùng có lợi.

Từ kisaeng cận đại tới gái mại dâm thời hiện đại

Tại Hàn Quốc, vào thời trung đại, các “kisaeng” là phụ nữ được huấn luyện để mua vui, trò chuyện và phục vụ chuyện phòng the cho đàn ông thuộc tầng lớp thượng lưu. Các kisaeng ở trong những lâu đài chỉ có phụ nữ và là một hình thức lao động tình dục.

Các nhà thổ bắt đầu hình thành trên khắp Hàn Quốc từ năm 1876 theo sau một hiệp ước ngoại giao. Đây là nơi mua vui cho những người Nhật di cư tới vùng Busan, Wonsan và Incheon.

Trong thập niên 1960, mại dâm là một hoạt động được chính phủ Hàn Quốc cho phép. Gái bán hoa được gọi bằng cái tên “những công chúa Tây phương”, buộc phải xuất trình giấy chứng nhận sức khỏe khi hành nghề. Hoạt động mại dâm thời kỳ này được coi như một cách để chính phủ Hàn Quốc giữ chân binh lính Mỹ.

Năm 2003, thống kê của Bộ Bình đẳng giới Hàn Quốc cho biết có 260.000 phụ nữ - tức là cứ 25 phụ nữ được hỏi thì có một người thừa nhận - từng tham gia vào ngành công nghiệp tình dục. Thống kê của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc cũng chỉ ra đã có từ 514.000 tới 1,2 triệu phụ nữ Hàn Quốc từng tham gia vào các đường dây bán dâm.

Kết quả điều tra của Viện Hình sự Hàn Quốc hoàn thiện bức tranh mua bán mại dâm tại Hàn Quốc đầu thế kỷ XXI bằng con số 20% nam giới ở độ tuổi 20 thừa nhận họ trả tiền cho các dịch vụ mại dâm trung bình 4 lần một tháng. Cá biệt, có 358.000 trường hợp thừa nhận họ tìm đến các tụ điểm mại dâm mỗi ngày.

Tại Hàn Quốc, dù mại dâm đã bị liệt vào hoạt động vi phạm pháp luật, nhưng các nhà thổ, và đường dây môi giới phụ nữ vẫn tiếp tục hoạt động trong thế giới ngầm xa rời sự chú ý của dư luận. Các “phố đèn đỏ” tại Hàn Quốc có thể so sánh với những con phố trụy lạc tại Hà Lan hay Đức.

Theo Wikipedia, tại Hàn Quốc có bốn khu vực chuyên về hoạt động mại dâm được chính phủ cho phép. Tuy không ồn ào trống giong cờ mở, nhưng những khu phố trụy lạc vẫn tồn tại nhờ vào nguồn doanh thu khổng lồ mỗi năm, và nỗ lực của các cơ quan hữu quan nhằm kiểm soát các hoạt động của ngành công nghiệp tình dục.

Theo thống kê của Viện Phát triển Phụ nữ Hàn Quốc, năm 2007, hoạt động mại dâm tạo ra nguồn thu có giá trị ước tính 14 tỷ USD – tương ứng 1,6% GDP của Hàn Quốc. Năm 2015, một cuộc điều tra do Khoa Tiết niệu của Đại học Dược Hàn Quốc thực hiện đã đi đến kết luận 25,1% nam giới và 2,6% nữ giới, trong độ tuổi từ 18 đến 69, từng sử dụng, tham gia hoặc có liên quan tới hoạt động mại dâm.

Mại dâm len lỏi vào ngành giải trí

Cảnh sát cho biết thay đổi đang diễn ra trong cách hoạt động mại dâm xâm nhập giới giải trí Hàn. Nếu trước đây các nữ nghệ sĩ bị buộc phải bán thân trả nợ, thậm chí bị đánh đập, ép tiếp khách – như trường hợp thương tâm của nữ diễn viên Jang Ja Yeon năm 2009 – thì giờ đây, họ có xu hướng chủ động tham gia vào hoạt động mại dâm.

Tháng 8/2016, truyền thông Hàn Quốc đưa tin cảnh sát đã bắt giữ Kang (41 tuổi), chủ sở hữu một công ty quản lý nghệ sĩ và nhân viên của công ty là Park (34 tuổi). Cả hai bị bắt giữ vì có liên quan tới một đường dây môi giới mại dâm bốn phụ nữ cho các khách hàng nam giới giàu có trong và ngoài Hàn Quốc. Nghệ sĩ A (29 tuổi) và nữ diễn viên B cũng bị liên đới trong sự việc.

A là một ca sĩ nổi tiếng, khai nhận mình đã qua đêm với một doanh nhân 40 tuổi trong một khách sạn tại Los Angeles với giá khoảng 29.000 USD. Cô làm chứng với cảnh sát rằng số tiền này được chia đôi với Kang và Park – những người đứng ra thỏa thuận vụ mua bán dâm. Các nghệ sĩ khác có liên quan tới vụ việc cũng khai họ nhận được khoản tiền từ 4.000 USD tới 14.500 USD cho mỗi lần “đi khách”.

Mới đây, trong chương trình Rumor Has It, một phóng viên đã thuật lại câu chuyện được nghe từ một người làm nghề quản lý nghệ sĩ. Người quản lý cho biết từng nhận được cuộc gọi từ những tay ma cô chuyên làm nghề môi giới nữ nghệ sĩ cho đường dây mại dâm.

Theo lời nhà báo, cuộc gọi mà người quản lý nhận được thường đến từ số lạ, với đề nghị các nữ nghệ sĩ trở thành gương mặt quảng cáo sản phẩm mà đơn vị của người gọi kinh doanh. Tuy nhiên, những lời đề nghị hợp tác thường đi đến chỗ nhãn hàng muốn gặp riêng nghệ sĩ để thỏa thuận.

Cũng trong chương trình, câu chuyện về nữ nghệ sĩ rao giá bán thân cũng được đề cập. Theo đó, một nữ nghệ sĩ từng rất nổi tiếng sau khi rời khỏi giới giải trí đã gặp khó khăn tài chính. Để kiếm tiền, cô chấp nhận tự bán thân cho một bác sĩ nha khoa với giá 17.000 USD và cho rằng cái giá này vẫn còn rất rẻ so với những đường dây môi giới.

Trái ngược với những minh tinh kiếm được cả gia tài bằng hoạt động nghệ thuật hay hợp đồng quảng cáo, thu nhập của nhiều nữ nghệ sĩ ít danh tiếng, hoặc mới tay trắng vào nghề không đủ để trang trải cho vẻ bề ngoài của họ. Áp lực phải thể hiện trước công chúng hình ảnh sang trọng, nuột nà, không tì vết đã khiến nhiều nữ nghệ sĩ lựa chọn con đường bán dâm để tự đáp ứng các nhu cầu xa xỉ của bản thân.

Không chỉ nhắm vào các nữ nghệ sĩ, tội phạm môi giới mại dâm còn lợi dụng giấc mơ trở thành nghệ sĩ giải trí của nhiều cô gái nhẹ dạ cả tin để lừa họ. Năm 2019, vì tin lời hứa hẹn sẽ được đào tạo để trở thành thần tượng, nhóm 7 phụ nữ trẻ người Brazil đã bị một người đàn ông Hàn Quốc lừa vào một đường dây buôn bán nô lệ tình dục xuyên quốc gia.

May mắn, các nạn nhân đã được cảnh sát kịp thời giải cứu. Năm người đàn ông đã bị bắt giữ vì có liên quan đến vụ việc lừa đảo buôn bán tình dục xuyên quốc gia.

Cuộc điều tra vụ bê bối Burning Sun năm 2019 đã hé lộ nhiều góc khuất liên quan đến hoạt động mại dâm trong giới giải trí Hàn. Ảnh: Yonhap News

Giải pháp của chính phủ

Năm 2004, chính phủ Hàn Quốc đã thông qua luật chống các hoạt động mại dâm, nghiêm cấm hành vi mua bán tình dục và đóng cửa các nhà thổ. Ngay sau đó, hơn 2.500 lao động tình dục đã đổ ra đường yêu cầu chính phủ bãi bỏ luật mới vì cho rằng nó chặn đường sinh nhai của họ.

Năm 2006, trong nỗ lực phá bỏ quan hệ cung - cầu của hoạt động mại dâm, Bộ Bình đẳng giới đã chấp nhận trả tiền cho những công ty có nam nhân viên cam kết không tìm đến các ổ mại dâm sau khi tiệc tùng. Người đề xuất chiến dịch này cho biết, họ muốn đặt dấu chấm hết cho văn hóa nhậu nhẹt say xỉn sau đó đi mua dâm của đàn ông Hàn Quốc.

Năm 2007, chính phủ Hàn Quốc tuyên bố những chuyến du lịch tình dục do người Hàn tổ chức cũng như hành vi phụ nữ Hàn Quốc ra nước ngoài bán dâm bị coi là bất hợp pháp. Kết quả, đã có 35.000 khách hàng mua dâm bị kết tội, cao hơn 2,5 lần số người bị bắt vì hành vi mua bán dâm năm 2003.

Tuy nhiên, các biện pháp của chính phủ vẫn chưa thực sự phát huy triệt để tác dụng, và thực trạng hoạt động bán dâm tại Hàn Quốc vẫn không có quá nhiều thay đổi. Có chăng, các đường dây mua bán dâm đã tìm được những cách thức tinh vi hơn để lách luật và tiếp tục công việc phi pháp.

Bằng chứng là từ năm 2010, ngành giải trí Hàn vẫn chấn động vì những thông tin nam nghệ sĩ mua dâm, hay những đường dây môi giới gái mại dâm cho nghệ sĩ hoặc các nhân vật quyền lực bị phanh phui, mà vụ bê bối Burning Sun năm 2019 là một ví dụ.

}
Top