Hoạt động mua dâm, ép buộc người khác bán dâm là tội ác
Liên Hợp Quốc trong "Công ước ngăn chặn mua bán người và nạn khai thác mại dâm" quy định những hoạt động mua dâm, ép buộc người khác bán dâm là tội ác. Các nước tham gia Công ước đã ra tuyên bố chung "Mại dâm và các dạng tội ác khác đi kèm là hành vi chà đạp lên phẩm giá và giá trị của con người".
Những năm qua, Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện các chương trình can thiệp hỗ trợ đối với nhóm người bán dâm trong từng thời kỳ cụ thể, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, trong đó có Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016-2020.
Theo đó, Chương trình nhấn mạnh, cần chú trọng các giải pháp mang tính xã hội nhằm giảm tác hại do hoạt động mại dâm gây ra đối với đời sống xã hội; tăng cường xây dựng các thể chế nhằm bảo vệ quyền con người, tăng khả năng tiếp cận của các nhóm yếu thế (người bán dâm, nạn nhân bị mua bán vì mục đích mại dâm) vào hệ thống an sinh xã hội; từng bước xã hội hoá, xây dựng cơ chế, chính sách huy động sự tham gia của các tổ chức cộng động và các thiết chế xã hội (gia đình, nhà trường...) vào công tác phòng ngừa mại dâm.
Mục tiêu của Chương trình, phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm; giảm thiểu tác hại của hoạt động mại dâm đối với đối sống xã hội; bảo đảm quyền bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng các dịch vụ xã hội của người bán dâm, giảm tội phạm liên quan đến mại dâm. Phấn đấu, đến năm 2020, 20 tỉnh, thành phố xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội cho người bán dâm.
Chương trình cũng chỉ rõ các nhiệm vụ: Triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại về HIV/ADIS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Đánh giá, tài liệu hoá một số mô hình thí điểm có hiệu quả trong việc cung cấp dich vụ hỗ trợ giảm hại, chăm sóc sức khoẻ sinh sản tại một số địa phương để xây dựng tài liệu, hướng dẫn triển khai thực hiện.
Tổ chức các khoá đào tạo, nâng cao năng lực về hỗ trợ giảm hại, hoà nhập cộng đồng cho cơ quan chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội cấp tỉnh và cán bộ trực tiếp tham gia làm công tác phòng, chống mại dâm và cán bộ trực tiếp tham gia công tác cung cấp, hỗ trợ dịch vụ cho người bán dâm. Đào tạo, nâng cao năng lực cho Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã trong việc tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ người mại dâm tại cộng đồng.
Xây dựng, thử nghiệm quy trình hỗ trợ và gói dịch vụ hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng, chuẩn hoá các điều kiện, tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ trong cơ sở Nhà nước uỷ thác, đặt hàng các cơ sở ngoài công lập cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm. Xây dựng cơ chế huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức dựa vào cộng đồng, các CLB, nhóm tự lực, nhóm đồng đẳng tham gia các hoạt động phòng ngừa, giảm hại, giảm phân biệt đối xử, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm.
Đáng chú ý, việc xây dựng thử nghiệm 3 mô hình: Mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/CLB của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới.
Để thực hiện được các nhiệm vụ nêu trên thì giải pháp được đưa ra là: Các cấp uỷ Đảng phải đưa chương trình phòng, chống mại dâm vào văn kiện, nghị quyết và chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống mại dâm; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả phòng, chống mại dâm ở địa phương.
Tăng cường sự chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương trong việc triển khai công tác phòng, chống mại dâm theo chức năng nhiệm vụ được phân công.
UBND các cấp phải đưa công tác phòng, chống mại dâm là một trong những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; chỉ đạo thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống mại dâm với các chương trình an sinh xã hội ở địa phương như Chương trình xoá đối giảm nghèo, giải quyết việc làm, phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma tuý, chống mua bán người. Tập trung chỉ đạo thực hiện ở các khu vực trọng điểm, ưu tiên nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.