'Hồn bướm' - khát khao được xã hội công nhận của người chuyển giới
Hồn bướm là một bộ phim tài liệu điện ảnh của đạo diễn Kim Khánh, kể về cuộc đời của Jessica hay còn gọi là Cà, một cô gái chuyển giới trong sự đảo lộn về giới tính, với những người sống xung quanh cô.
![]() |
Poster phim "Hồn bướm" |
Bộ phim tài liệu Hồn bướm phát hành nhân kỷ niệm Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS (1/12). Đạo diễn Kim Khánh mong muốn cộng đồng phá bỏ những cái nhìn kỳ thị, phân biệt đối xử và trân trọng ước mơ của người thuộc cộng đồng LGBT. Phim do chương trình PEPFAR của Chính phủ Mỹ tài trợ.
Những thước phim chân thực về cuộc sống hiện tại của nhân vật Cà, cùng với sự tái hiện từng khoảnh khắc quan trọng trong quá khứ của cô trong Hồn bướm đã lột tả sống động về những mảnh đời chuyển giới hiện nay.
Jessica tên thật là Nguyễn Hữu Toàn, là một chuyển giới nữ. Ngay từ ngày còn nhỏ, Jessica đã nhận ra mình sinh nhầm trong vỏ bọc là con trai. Đã không ít lần, cô giấu mẹ đóng giả con gái. Cũng không ít lần, Jessica đã tự tử khi phải ép mình sống bức bối trong một cơ thể khác. Quyết định rời nhà ra ngoài tự lập, cô muốn thoát khỏi áp lực sự kỳ vọng của gia đình đang đè nặng lên vai và hơn hết, cô muốn tránh sự tổn thương đang lan rộng dần trong tâm trí của người thân.
Cuộc sống bên ngoài đã biến Jessica trở thành nơi nương tựa của rất nhiều người chuyển giới nữ khác. Trong số họ vẫn còn không ít người chuyển giới chưa được gia đình chấp nhận, phải lựa chọn cuộc sống mưu sinh xa quê với mong ước được sống một ngày là chính mình. Họ cùng nhau mưu sinh bằng những trang phục tự tết bằng tay đến các chương trình biểu diễn thời trang tại hội chợ… hay bất cứ nơi nào có lời mời.
Bên cạnh cuộc sống mưu sinh chật vật lo toan, người chuyển giới phải đối mặt với “hành trình tìm lại chính mình” đầy khốc liệt. Họ tự tiêm thuốc hormone cho nhau trong căn nhà trọ chật chội. Họ động viên nhau khi mỗi một thành viên bước chân ra nước ngoài để thực hiện ước mơ phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Để là chính mình, họ phải đánh đổi cả máu, nước mắt và đôi lúc là đánh cược cả mạng sống. Thế nhưng, chưa một giây phút nào, những người chuyển giới nữ trong phim lại ngừng hi vọng và ước mơ vươn lên. Họ là những mảnh đời chuyển giới “bi” mà chẳng bao giờ “lụy”.
Câu chuyện xoay quanh nhân vật Cà còn là còn mối quan hệ ràng buộc với gia đình. Sự xuất hiện của hai người mẹ có con là chuyển giới nữ trong bộ phim Hồn bướm đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người xem.
Bộ phim đã thành công trong việc tái hiện được nỗi đau của người làm cha làm mẹ khi nhận ra con mình đang bước một lối rẽ đầy nghiệt ngã thị phi trong xã hội. Đâu phải ngay một ngày, một năm mà gia đình có thể đồng ý chấp nhận con mình là chuyển giới. Người làm mẹ cũng phải dũng cảm đối mặt với mọi quy ước, định kiến của xã hội để đứng lên bảo vệ con mình. Từ một người dần hiểu và chấp nhận con đến một người đồng hành, ủng hộ con, đó là cả chặng đường dài với tình yêu thương con vô bờ bến.
Bao lần rơi nước mắt khi chứng kiến con mình đang tận cùng của nỗi đau khi chưa được là chính mình. Bao lần rơi nước mắt, ám ảnh sợ hãi khi biết con đang liều mình đi phẫu thuật để tìm được hình hài của một người con gái trong vỏ bọc con trai. Nhưng họ cũng đã vượt qua. Và họ là những người mẹ vô cùng dũng cảm.
Nếu như Lô tô là câu chuyện xót xa của những người chuyển giới phải khoác lên mình những váy áo loè loẹt để mưu sinh ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ thì Hồn bướm lại lại mới tới một lát cắt cuộc sống chân thực của người chuyển giới nữ hiện nay. Họ đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh mỗi ngày. Khi đặt chân vào con đường trở lại chính mình, người chuyển giới đang “đánh liều” tự tiêm hormone cho nhau. Khi đối mặt với bệnh tật, họ sợ hãi nghĩ tới viễn cảnh đặt chân tới các cơ sở y tế bởi họ lo lắng sự kì thị từ bốn phía đang đổ dồn tới mình.
Khát khao được là “người phụ nữ thực sự” về hình hài khiến những người chuyển giới chấp nhận muôn vàn nỗi đau về thể xác. Cuộc đánh đổi là chính mình của họ luôn là cái giá quá đắt mà đôi khi là cả mạng sống.
Song, trong bức tranh tưởng chừng như đầy màu xám ấy, những người chuyển giới vẫn cố gắng tô lên những sắc sáng của cuộc đời mình. Họ lạc quan, hy vọng và nỗ lực vươn lên mỗi ngày. Chưa bao giờ, họ ngừng thắp lên niềm tin vào tương lai.
Để có được những thước phim sống động và chân thực, đạo diễn Kim Khánh cho biết: “Đoàn phim đã bí mật đặt máy quay ngay tại phòng trọ của nhân vật Cà. Từ những câu chuyện đời thường tranh cãi đến cử chỉ hành động quan tâm nhau hay mỗi lần tiêm hormone cho nhau đều được ghi lại tự nhiên. Bộ phim được thực hiện trong vòng 2 tháng liên tục”.
“Đây là lần đầu tiên mình thực hiện một bộ phim tài liệu điện ảnh nhưng trong quá trình quay mình không gặp khó khăn về diễn xuất bởi đó vốn là cảm xúc, là cuộc sống hàng ngày của chính mình.