Hưng Yên: Nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống tệ nạn xã hội

02/02/2019 10:00

Năm 2018, với sự vào chỉ đạo thường xuyên của UBND tỉnh và sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, công tác phòng, chống mại dâm, cai nghiện phục hồi và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã có những kết quả tích cực, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Hội thi tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội tại Hưng Yên. Ảnh Nhật Thy

Ông Nguyễn Hải Đương, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Hưng Yên cho biết,  tỉnh Hưng Yên là một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế của vùng đồng bằng Sông Hồng, là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, nhiều trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đóng trên địa bàn, nên hàng năm có hàng trăm ngàn người từ các tỉnh khác đến làm việc, lao động, học tập và ở lưu trú trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; do vậy, tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh diễn biến ít phức tạp và không xuất hiện điểm nóng về tệ nạn xã hội.

Về tình hình tệ nạn mại dâm, theo thống kê, rà soát, thu thập thông tin, trên địa bàn tỉnh có trên 257 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, với khoảng 405 nữ lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm, hầu hết số lượng nữ lao động này là người tỉnh ngoài đến làm việc, do vậy công tác quản lý gặp không ít khó khăn. Một số địa bàn tập trung nhiều các loại hình dịch vụ kinh doanh nêu trên là: huyện Văn Lâm, huyện Văn Giang, huyện Yên Mỹ, huyện Kim Động và thành phố Hưng Yên.

Tính đến hết tháng 11 năm 2018, tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ nghi vấn hoạt động mại dâm có 13 cơ sở (bao gồm các cơ sở kinh doanh lưu trú; cơ sở xông hơi, masage, tẩm quất, gội đầu, thư giãn; quán café; cơ sở kinh doanh karaoke). Trong đó, 5 cơ sở có nghi vấn môi giới mại dâm; 8 cơ sở nghi vấn chứa mại dâm; 10 đối tượng nghi vấn chứa mại dâm; 5 đối tượng nghi vấn môi giới mại dâm và 41 người nghi bán dâm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 1.652 người nghiện ma túy; trong đó người nghiện ngoài xã hội là 1.309 (giảm 58 người so với cuối năm 2016), trong trại tạm giam: 242 người, trong cơ sở cai nghiện 101 người. Đến nay, có 156/161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có người nghiện ma túy.

Về  tình hình nạn nhân bị mua bán, trên địa bàn tỉnh có 291 phụ nữ và trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương nghi bị mua bán. 55 đối tượng nghi có liên quan đến tội phạm mua bán người; 362 phụ nữ trên địa bàn tỉnh kết hôn với người nước ngoài, 16 con lai có mẹ là nạn nhân bị mua bán trở về; chưa phát hiện bắt giữ vụ mua bán người nào.

Đẩy mạnh các hoạt động ngăn ngừa, phòng chống

Ông Nguyễn Hải Đương cho biết, căn cứ các văn bản của Trung ương, Sở LĐTB&XH giao Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo và Sở Lao động-TBXH trực tiếp ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện vì vậy công tác phòng, chống tệ nạn xã hội đã đạt được những kết quả nhất định.

Về công tác tuyên truyền, Chi Cục đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố tổ chức 10 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực về công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm cho 1.030 đại biểu; 5 hội nghị truyên truyền triển khai Đề án cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng cho 785 đại biểu; 5 hội nghị tập huấn phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cho hơn 600 lượt đại biểu; 6 hội nghị tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng cho hơn 840 lượt đại biểu; 1 hội nghị tuyên truyền về công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội cho hơn 140 lượt đại biểu; phối hợp với trường THCS xã Xuân Trúc, trường THCS Hồ Tùng Mậu huyện Ân Thi tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy cho giáo viên và học sinh của trường.

Phối hợp với cơ sở quảng cáo sản xuất và phát hành 24.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống mại dâm; 10.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người; 23.200 tờ rơi tuyên truyền về công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng; 4.000 tờ rơi tuyên truyền về công tác xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội và treo 40 băng zôn tuyên truyền về Đề án cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng. phối hợp với Báo Lao động Xã hội; Truyền hình Hưng Yên; Báo Hưng Yên; Tạp chí Phố Hiến, Hội Văn học nghệ thuật xây dựng 2 phóng sự và 04 tin bài tuyên truyền về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội thi “Tình nguyện viên với công tác tuyên truyền, tư vấn phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS” năm 2018 cho 10 đội thi đến từ 10 huyện/thành phố.

Về công tác cai nghiện và quản lý sau cai, hiện tổng số học viên hiện có tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là 143 học viên; trong đó, học viên cai nghiện theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ là 68 học viên, học viên cai nghiện tự nguyện là 75 học viên. Tất cả số học viên khi vào Cơ sở đều được khám, phân loại sức khỏe và lập kế hoạch điều trị, cai nghiện phù hợp.

Năm 2018, tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng và trong Cơ sở Điều trị nghiện ma túy của tỉnh cho 14 người nghiện ma túy tự nguyện tham gia Đề án cai nghiện ma túy. Trong quá trình triển khai Đề án cai nghiện ma túy, có 3 người nghiện ma túy bỏ dở không tham gia Đề án cai nghiện (do bị bắt vì có hành vi trộm cắp và tái nghiện) còn lại 11 người bệnh tham gia Đề án cai nghiện ma túy.

Kết quả sau 5 tháng uống thuốc duy trì tại gia đình, tại cộng đồng có 4/8 người nghiện ma túy dương tính với ma túy (chiếm 50,0%), 4/8 người nghiện ma túy âm tính với ma túy (đạt 50,0%); tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy 3/3 người nghiện ma túy âm tính với ma túy (đạt 100%).

Toàn tỉnh đã thành lập, kiện toàn 151 Đội/161 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Thành viên của Đội công tác xã hội tình nguyện hàng năm đều được tập huấn nâng cao năng lực, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động.

Tính đến hết tháng 11/2018, Đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh đã tiến hành kiểm tra trên 92 cơ sở kinh doanh dịch vụ có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh như: khách sạn, nhà nghỉ, quán Karaoke, cafe... đoàn đã xử lý một số cơ sở vi phạm, cụ thể: đình chỉ 18 cơ sở, nhắc nhở 79 cơ sở, xử lý 3 cơ sở (tổng số tiền xử phạt là 18.000.000 đồng).

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác Phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2018, thực hiện kiểm tra tại 10/10 huyện, thành phố và 30 xã, phường, thị trấn.

Về đấu tranh, triệt phá, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến mại dâm, Chi cục đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội- Công an tỉnh thực hiện công tác triệt phá tổng số 3 vụ án mại dâm, bắt giữ 17 đối tượng. Trong đó, chủ chứa, môi giới mại dâm là 3 đối tượng; 14 đối tượng mua bán dâm; khởi tố 3 vụ với 3 bị can; xử lý hành chính 14 đối tượng.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thực hiện công tác điều tra, thống kê cơ bản về công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên phạm vi toàn tỉnh. Trong năm 2018, tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội tỉnh chưa tiếp nhận trường hợp là nạn nhân bị mua bán người vào Trung tâm. Sở chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội và Công tác xã hội thực hiện bố trí phòng ở, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt cho nạn nhân, sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về, đồng thời nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác của đội ngũ cán bộ y tế và nhân viên công tác xã hội thông qua việc nghiên cứu các quy định của Nhà nước về việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, từ đó áp dụng vào thực tế tại đơn vị để sẵn sàng thực hiện công tác hỗ trợ khi có nạn nhân bị mua bán trở về.

Không để phát sinh, phát triển tệ nạn xã hội

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Hưng Yên, để duy trì không để phát sinh, phát triển tình hình tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới cần tập trung một số biện pháp cụ thể như tăng cường và đa dạng hóa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tận địa bàn dân cư để cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh biết và thực hiện tốt các chính sách về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Cần đa dạng hóa, xã hội hóa công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; phấn đấu giảm số người nghiện đến điều trị tại Cơ sở Điều trị nghiện ma túy, tăng số người nghiện đăng ký tham gia các biện pháp cai nghiện ma túy tại gia đình, tại cộng đồng bằng nhiều bài thuốc do Việt Nam sản suất trong đó có thuốc Cedemex.

Tăng cường công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ...; vũ trường, karaoke,quán giải khát, quán bar...; các dịch vụ xoa bóp, masage, tắm hơi, cắt tóc-gội đầu thư giãn, cafe đèn mờ, tẩm quất, bấm huyệt, vật lý trị liệu; các cơ sở dịch vụ khác có sử dụng lao động nữ làm tiếp viên, nhân viên phục vụ nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí, thư giãn, chăm sóc sức khỏe.

Đồng thời, phối hợp và thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh, triệt phá, truy tố, xét xử tội phạm liên quan đến mại dâm; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Top