Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống ma túy, nhiều quốc gia tiêu hủy ma túy
(Chinhphu.vn) - Ngày 26/6, nhiều quốc gia Đông Nam Á đã tiến hành đã tiêu hủy ma túy để hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống ma túy (26/6).
Chính quyền Myanmar cho biết họ đã thiêu hủy gần 2 tấn heroin và 630 triệu viên ma túy đá "yaba" (hỗn hợp methamphetamine và caffeine) tại các buổi lễ ở TP. Yangon, TP.Mandalay và bang Shan. Giá trị ước tính của số ma túy trên lên đến 642 triệu USD.
Trung tướng Soe Htut, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban Kiểm soát lạm dụng ma túy Myanmar, cho biết việc trồng và sản xuất cây thuốc phiện ở Myanmar đã giảm do những nỗ lực của chính phủ nhằm loại bỏ các chất gây nghiện và ma túy.
Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang phải đối mặt với một thách thức mới do vấn đề ngày càng gia tăng của các loại tiền chất - được sử dụng để sản xuất ma túy tổng hợp như methamphetamine tinh thể và ketamine.
Trong khi đó, tại Campuchia, số tang vật bị tiêu hủy lần này là hơn 90 tấn ma túy và tiền chất trong 55 vụ án có hiệu lực thi hành trong thời gian qua. Tuy nhiên, do yêu cầu kỹ thuật và an toàn trong khi tiêu hủy, các cơ quan chức năng phòng chống ma túy Campuchia đã quyết định tiêu hủy công khai hơn 6 tấn 259 kg ma túy và tiền chất. Đối với số ma túy và tiền chất còn lại sẽ được bàn giao cho Ủy ban phòng chống ma túy quốc gia để vô hiệu hóa và tiêu hủy trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng nhấn mạnh: "Sự kiện này cho thấy sự sẵn sàng và cam kết mạnh mẽ của chính phủ Campuchia trong việc ngăn chặn và trấn áp mọi hình thức buôn bán ma túy bất hợp pháp".
Campuchia không có án tử hình đối với những kẻ buôn ma túy. Theo luật của nước này, những người bị kết tội buôn bán hơn 80 gam ma túy có thể bị tù chung thân.
Theo Cục Cảnh sát Phòng chống Ma túy Campuchia, trong 5 tháng đầu năm 2022, nhà chức trách nước này đã bắt giữ 6.168 nghi phạm ma túy, trong đó có 80 người nước ngoài, thu giữ 1,58 tấn ma túy bất hợp pháp.
Mới đây, Liên Hợp Quốc cho biết, lực lượng thực thi pháp luật trên khắp Đông Nam Á và Đông Á đã thu giữ gần 172 tấn ma túy đá trong năm 2021, cao gấp 7 lần so với số lượng thu giữ 10 năm trước đó.
Ma túy chủ yếu được tiêu thụ ở Đông Nam Á và buôn lậu sang New Zealand, Úc, Hong Kong, Hàn Quốc và Nhật ở khu vực Đông Á.
Theo ông Jeremy Douglas, đại diện Cơ quan phòng chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) của Liên Hợp Quốc tại Đông Nam Á, hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy đá đã gia tăng đáng ngại, nguồn cung tập trung chủ yếu ở khu vực sông Mekong, đặc biệt là Thái Lan, Lào và Myanmar.
Thu Hà (Theo AFP, Xinhua)