“Hy vọng” được chia sẻ để vượt qua số phận

06/12/2013 15:00

Trải qua 4 năm hoạt động, mô hình kinh doanh của mạng lưới "Hy vọng" ở tỉnh Bắc Kạn đã giúp các thành viên là những người nhiễm HIV có việc làm, cải thiện sức khỏe, tinh thần và trở lại tái hòa nhập với cộng đồng.

Được thành lập cuối năm 2007 với 11 thành viên là những người nhiễm HIV, ban đầu, mạng lưới tự lực “Hy vọng” của tỉnh Bắc Kạn được thành lập với mục đích chia sẻ những người cùng cảnh ngộ, động viên nhau.

Hoạt động của nhóm chủ yếu là hỗ trợ và giúp đỡ những người nhiễm HIV để họ có cơ hội tiếp cận với thuốc ARV, vì thời điểm này các dịch vụ phòng, chống HIV ở tỉnh còn nhiều khó khăn.

Chị Hà Thị Quyên, trưởng mạng lưới “Hy vọng” chia sẻ, thời điểm nhóm mới đi vào hoạt động, thử thách đầu tiên là vận động những người cùng cảnh ngộ tham gia với mình, đồng thời giúp họ vượt qua sự tự kỳ thị  để tiếp cận điều trị.

Chị Quyên nhớ lại: "Có những trường hợp khi chúng tôi đến vận động, họ cho rằng một khi đã nhiễm HIV rồi là không còn gì cả, thậm chí họ đóng kín cửa và không tiếp bất cứ ai. Phải sau một thời gian dài tiếp xúc, chúng tôi mới có thể động viên và đưa họ xuống thị xã Bắc Kạn điều trị ARV".

Khó khăn thứ hai là do lúc này mọi người chưa hiểu rõ về HIV nên có sự kỳ thị rất cao từ gia đình cho tới cộng đồng những nơi người nhiễm HIV sống. Đặc biệt, ở những vùng sâu, vùng xa thì sự kỳ thị là rất lớn, thậm chí họ nghĩ rằng ăn cùng, uống cùng, chơi cùng cũng sẽ lây nhiễm HIV. Thậm chí, có những trường hợp người nhiễm HIV chăn nuôi, trồng trọt ra các sản phẩm nhưng không bán được cho ai.

Hơn nữa, việc chăm sóc tiếp cận các dịch vụ cho người nhiễm HIV còn thiếu và yếu, nhóm rất mong muốn có những đợt kiểm tra CD4 để đưa bệnh nhân vào điều trị nhưng một năm chỉ có 2-3 đợt. Vì vậy, rất hạn chế cho việc điều trị, hoặc là có những thành viên đã được điều trị cách đây 7 năm phải chuyển phác đồ nhưng tỉnh không làm được và họ lại phải đi Hà Nội trong khi hoàn cảnh kinh tế của người bệnh rất khó khăn.

Đối với các hoạt động hỗ trợ trẻ nhiễm HIV, nhóm chủ yếu tập trung vào các hoạt động hỗ trợ học tập cho các em, thông qua giúp đỡ phụ huynh các khoản đóng góp ở trường, hỗ trợ các em mua sách giáo khoa vào các dịp đầu năm học.

Bên cạnh vấn đề học tập, các em sẽ được chu cấp về mặt dinh dưỡng. Chị Quyên cho biết: "Mỗi năm, các cháu sẽ được nhận sữa miễn phí từ mạng lưới và sau khoảng 6 tháng nhóm sẽ tiến hành luân chuyển cho các em khác. Từ đó, các cháu sẽ phần nào được cải thiện sức khỏe trong quá trình điều trị bệnh".

Song song với quá trình phát triển, số lượng thành viên mạng lưới cũng ngày càng tăng lên. Từ một nhóm "Hy vọng" đã phát triển thành một mạng lưới rộng khắp với 6 nhóm "Hy vọng" ở 6 huyện và 4 nhóm "Ban mai xanh". Cùng với đó, mạng lưới đã chia thành hai nhiệm vụ rõ ràng là chăm sóc và dự phòng.

Mạng lưới phát triển nhóm “Ban mai xanh” với nhiệm vụ chủ yếu là dự phòng, tức là can thiệp vào các đối tượng vợ, chồng, bạn tình của những người  nhiễm HIV.

Chị Cà Thị Thương (37 tuổi, xã Tân Lộc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) bắt đầu tham gia nhóm từ tháng 9/2011 vẫn còn nhớ như in ngày mới vào nhóm. Chị kể lại: "Trong một lần đi lấy thuốc ở huyện tôi gặp chị Luyến, phó phụ trách nhóm "Hy vọng" huyện Chợ Đồn, khi biết hoàn cảnh của tôi, các chị đã đến động viên và vận động tôi tham gia nhóm. Từ đó, tôi đã được các chị giúp đỡ rất nhiều về mặt tinh thần. Trong các buổi sinh hoạt của nhóm, nếu ai có khó khăn gì thì các thành viên sẽ giúp đỡ nhau, ví dụ như ở miền núi hay phải làm nương, nếu nhà nào làm không kịp thì nhóm sẽ huy động mọi người cùng giúp đỡ”.

Đối với hoạt động của mạng lưới thì các thành viên của Ban điều hành sẽ hỗ trợ cho các nhóm nhỏ bằng nhiều cách từ khi ra mắt nhóm, củng cố kiến thức, cho đi tập huấn. Ngoài ra, mỗi khi có nguồn tài trợ từ một dự án, Ban điều hành mạng lưới sẽ trực tiếp đứng ra hỗ trợ cho các nhóm tiếp cận nhà tài trợ vì nhiều nhóm của người dân tộc gặp khó khăn về ngôn ngữ trong giao tiếp.

Mô hình sinh kế - lối ra bền vững cho các thành viên

Với nguyện vọng đem lại hiệu quả cao hơn nữa hoạt động của mạng lưới, chị Quyên quyết định tìm cách để các thành viên có thể làm chủ cuộc sống của mình.

Chị Quyên cho biết: “Chi phí thuốc men đối với người nhiễm HIV rất tốn kém, không phải bệnh nhân nào cũng có điều kiện chi trả. Bởi vậy, tôi nghĩ mình đã được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, vậy còn các bạn khác có cùng cảnh ngộ như mình thì sao? Bên cạnh đó, sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV ở nơi làm việc rất phổ biến nên tôi đã nghĩ cách để những người nhiễm HIV có thể tự chủ về kinh tế”.

Năm 2009, chị Quyên cùng các thành viên mạng lưới đã bắt tay vào xây dựng các mô hình kinh doanh khá phong phú như sản xuất gạch, làm mộc, văn phòng phẩm hoặc là kinh doanh phân bón, phục vụ hiếu hỷ... nhằm mục đích phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Ngoài ra, mạng lưới còn có một nguồn vốn để hỗ trợ cho các thành viên không có điều kiện tham gia mô hình sinh kế tập thể có thể vay vốn từ 5 - 10 triệu đồng để  phát triển kinh tế hộ gia đình thông qua chăn nuôi, trồng trọt …

Với những số tiền mà các dự án đưa xuống, mạng lưới bao gồm các trưởng nhóm của các huyện sẽ cùng bàn kế hoạch, lựa chọn mô hình trên cơ sở nhu cầu thực tế, điều kiện cụ thể cho phù hợp với mỗi địa phương. Từ đó đưa ra những định hướng cụ về nguồn vốn và hướng sản xuất, kinh doanh.

Chị Quyên tâm sự, trong những ngày đầu kinh doanh, có nhiều nơi cộng đồng rất ngại tiếp xúc với người nhiễm HIV. Tuy nhiên, sau một thời gian lao động, họ thấy rằng nhóm làm việc rất hiệu quả và uy tín. Từ đó nhiều doanh nghiệp đã có cái nhìn tích cực hơn với hoạt động kinh doanh của nhóm.

Bên cạnh hoạt động phát triển kinh doanh, với công việc cộng đồng, nhóm “Hy vọng” luôn tâm niệm rằng nỗ lực giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ hòa nhập cộng đồng, nâng cao sức khỏe và tạo lập sinh kế, ổn định cuộc sống chính là nỗ lực giúp cho chính bản thân mình vượt qua số phận.
}
Top