Khánh Hòa: Lây nhiễm mới HIV tập trung trong nhóm nguy cơ cao
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, hiện trên địa bàn tỉnh tổng số người nhiễm HIV hiện còn sống gần 1.180 người. Trong 3 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 36 ca mắc mới, tăng 63% so với cùng kỳ. Hình thái lây nhiễm tập trung vào các nhóm nam quan hệ tình dục, nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm.
Khám bệnh cho người nhiễm HIV. Ảnh: TTKSBT tỉnh Khánh Hòa
Trong năm 2019, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống HIV như điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện cho hơn 530 người; phát hơn 50.000 bơm kim tiêm; hơn 790.000 bao cao su; tổng số người được tư vấn và xết nghiệm HIV hơn 53.000 lượt; hơn 900 người nhiễm HIV được điều trị ARV...
Thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 tầm nhìn 2030, Khánh Hòa đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm can thiệp giảm thiểu lây nhiễm HIV trong cộng đồng và thực hiện tốt các công tác điều trị, chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn.
Nhằm giảm thiểu tác hại của dịch HIV/AIDS đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh các hoạt động để nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hầu hết các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS được triển khai sâu rộng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng nhân dân. Hình thức nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, góp phần định hướng cho người dân thực hiện Luật phòng chống HIV/AIDS.
Qua các hoạt động tuyên truyền, người dân được phổ biến, giới thiệu các dịch vụ dự phòng lâ nhiễm HIV như: can thiệp, giảm tác hại; tư vấn chăm sóc và điều trị phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone;…tạo điều kiện thuận lợi để người nhiễm HIV/AIDS, nhóm nguy cơ cao tiếp cận với các dịch vụ, điều trị thuốc ARV sớm nhất có thể. Nhờ đó, nhận thức của người dân về cách thức phòng, chống HIV/AIDS được nâng cao góp phần làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
Bên cạnh những nỗ lực của các y, bác sĩ trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tại Khánh Hòa các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) cũng có nhiều đóng góp rất tích cực cho công tác này. Hiện Khánh Hòa có 42 nhân viên tiếp cận cộng đồng thuộc Dự án của Trung tâm Life đang hoạt động tại 06 huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh. Công việc chính của các nhân viên tiếp cận cộng đồng là tư vấn, làm xét nghiệm phản ứng với virus HIV bằng test nhanh HIV tại cộng đồng cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao.
Ngoài công việc tư vấn và làm xét nghiệm phản ứng nhanh HIV, các nhóm thường xuyên đến các tụ điểm nóng về ma túy, mại dâm, các tụ điểm sinh hoạt kín của nhóm LGBT (cộng đồng người đồng giới, chuyển giới, song giới) cung cấp những thông tin mới, cập nhật về các phương pháp điều trị, chia sẻ những vật dụng y tế như chất bôi trơn, bao cao su, bơm kim tiêm,…nhằm mục đích giúp các nhóm có hành vi nguy cơ cao ý thức bảo vệ cho bản thân mình và bạn tình của mình, qua đó các nhóm đích nâng cao được vai trò cũng như trách nhệm của mình trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.
Hoạt động xét nghiệm HIV/AIDS tự nguyện cũng đã phát huy hiệu quả trong việc phát hiện sớm các trường hợp lây nhiễm để có biện pháp chăm sóc, điều trị kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe cho người bênh. Từ đầu năm đến nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện trên 145 mẫu xét nghiệm sàng lọc khẳng định HIV, phát hiện 104 trường hợp dương tính với HIV.
Để triển khai tốt các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phối hợp liên ngành với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tập trung vận động người dân nói chung người bệnh nói riêng tích cực tham gia bảo hiểm y tế, đồng thời triển khai các hoạt động giám sát trọng điểm, các biện pháp can thiệp giảm tác hại và huy động cộng đồng trong dự phòng lây nhiễm HIV.