Khánh Hòa: Quan tâm hơn nữa đối với công tác quản lý người nghiện

15/03/2023 17:59

(Chinhphu.vn) - Toàn tỉnh chỉ có duy nhất Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là cơ sở công lập nên các địa phương khó khăn, lúng túng trong việc chỉ định đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng...

Chiều 15/3, Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội do bà Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm trưởng đoàn làm việc với Công an tỉnh Khánh Hòa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa về thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống ma túy và mại dâm.

Ông Hà Quốc Trị - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tham dự buổi làm việc.

Khánh Hòa: Quan tâm hơn nữa đối với công tác quản lý người nghiện - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm việc với Công an tỉnh Khánh Hòa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Khánh Hòa về thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống ma túy và mại dâm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong giai đoạn 2021 - 2022, các lực lượng công an, biên phòng tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 371 vụ, với 591 đối tượng phạm tội về ma túy, tăng 74 vụ so với giai đoạn 2019 - 2020. Hiện nay, tình trạng người nghiện trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng và trẻ hóa. Tính đến giữa tháng 2-2023, toàn tỉnh có 337 người nghiện ma túy.

Hiện toàn tỉnh đã xây dựng 12 điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện tại cộng đồng. Các điểm đã tổ chức tư vấn cho 1.371 lượt cá nhân, 147 lượt nhóm và 709 lượt gia đình có người nghiện; hỗ trợ điều trị cho 42 người nghiện. Ngoài ra, việc thành lập 61 đội công tác xã hội tình nguyện đã phát huy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ cho công tác cai nghiện và quản lý người nghiện tại cộng đồng. Từ năm 2019 đến nay, đội đã tuyên truyền, hỗ trợ cho 1.073 người nghiện; hỗ trợ đưa đi cai nghiện và điều trị Methadone cho 263 người...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, cơ sở vật chất của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã xuống cấp, chưa đáp ứng tốt nhu cầu về nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập của học viên. Việc tuyển dụng viên chức công tác gắn bó lâu dài với đơn vị rất khó khăn, dẫn đến tình trạng thường xuyên thiếu viên chức để bố trí vào công tác quản lý học viên, ảnh hưởng đến hoạt động tư vấn, lao động trị liệu và dạy nghề. Cơ sở cũng không tuyển dụng được bác sĩ nên ảnh hưởng đến công tác y tế, điều trị cho học viên. Toàn tỉnh chỉ có duy nhất Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh là cơ sở công lập nên các địa phương khó khăn, lúng túng trong việc chỉ định đơn vị cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng...

Vì thế, Cơ sở mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm và tạo điều kiện hơn để cán bộ ở Cơ sở được lao động thuận lợi hơn, đồng thời cũng tạo điều kiện điều trị cho những học viên cai nghiện hơn.

Đối với hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh, chủ yếu các đối tượng lợi dụng số cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự và dịch vụ nhạy cảm để hoạt động. Giai đoạn 2021 - 2022, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 2 vụ, khởi tố 6 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính 15 đối tượng...

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống ma túy, mại dâm của các lực lượng chức năng tỉnh trong thời gian qua. Trong đó, địa phương đã có nhiều cách làm hay trong tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống ma túy, mại dâm. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số bất cập, người nghiện ngoài xã hội còn nhiều; kinh phí cho hoạt động cai nghiện tại địa bàn xã, phường, thị trấn còn quá ít.

Do đó, thời gian tới, các ngành chức năng của tỉnh cần quan tâm hơn nữa đối với công tác quản lý người nghiện.

Về phòng, chống mại dâm, bà Đỗ Thị Lan đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh sớm tham mưu tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể để đáp ứng yêu cầu công tác trong thời gian tới...

Vĩnh Hoàng

Top