Khó khăn trong công tác xác định tình trạng nghiện ma túy

28/03/2023 15:30

(Chinhphu.vn) - Công tác xác định tình trạng nghiện ma túy theo Luật Phòng chống ma túy năm 2021 đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Thiếu hụt số lượng và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ đối với nguồn nhân lực y tế tham gia công tác xác định tình trạng nghiện ma túy; chưa có cơ chế chính sách tài chính cho công tác này…

Khó khăn trong công tác xác định tình trạng nghiện ma túy - Ảnh 1.

Số Trạm Y tế xã, phường thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy còn hạn chế - Ảnh minh họa

Theo báo cáo của 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến 31/1/2023, đã có 4.027 cơ sở y tế công bố đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý. Trong đó, có 143 cơ sở tuyến tỉnh, 724 cơ sở tuyến huyện và 3.160 cơ sở tuyến xã.

Riêng TP. Hà Nội đã công bố 5 cơ sở cai nghiện ma tuý thuộc ngành LĐTB&XH quản lý là cơ sở đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý. Tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh Tiền Giang đã công bố 01 cơ sở xác định tình trạng nghiện do Công an tỉnh quản lý. Nhiều tỉnh, thành phố đã công bố danh sách số cơ sở y tế tuyến xã đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy đạt trên 80% số xã trên toàn tỉnh như: Bắc Giang, Bến Tre, Cà Mau, Đà Nẵng, Hà Giang, Hải Dương, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Công tác xác định tình trạng nghiện ma túy đã giúp phân loại người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật trong lĩnh vực quản lý người sử dụng ma túy và cai nghiện ma túy.

Theo báo cáo của Bộ Công an, trong năm 2022 đã tổ chức xác định tình trạng nghiện ma túy cho 37.592 người, trong đó 31.996 người đã xác định là đối tượng nghiện ma túy chiếm 85% tổng số người được xác định tình trạng nghiện.

Số người nghiện được lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc là 16.360 người (51,16%); số người nghiện chất dạng thuốc phiện đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế là 7.486 người (23,39%); số người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng là 4.495 người (14,04%); số cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện là 2.773 người (8,66%).

Theo Bộ Y tế, có 4 khó khăn tồn tại trong công tác xác định tình trạng nghiện ma túy theo Luật Phòng chống ma túy năm 2021. Thứ nhất, đó là số trạm y tế xã, phường thực hiện xác định tình trạng nghiện ma túy còn hạn chế; có tới 70% trên tổng số 10.599 trạm y tế xã, phường trên toàn quốc chưa được Sở Y tế công bố đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma tuý. Trong đó có 24 tỉnh, thành phố không công bố cơ sở y tế xác định tình trạng nghiện ma túy tại trạm y tế xã, phường.

Thứ hai, thiếu hụt số lượng và hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ đối với nguồn nhân lực y tế tham gia công tác xác định tình trạng nghiện ma túy, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế làm việc tại tuyến xã, phường.

Những cán bộ y tế này thường xuyên làm việc quá tải do phải đảm nhiệm nhiều công việc, ngoài ra một số không nhỏ cán bộ y tế xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực tại trạm y tế xã, phường càng làm trầm trọng thêm sự thiếu hụt.

Đội ngũ làm công tác xác định tình trạng nghiện ma túy thiếu kinh nghiệm chuyên môn, kỹ thuật do đây là một hoạt động mới, chưa có trong nội dung hoạt động của Trạm Y tế xã theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Về phân loại bệnh tật, nghiện ma túy thuộc lĩnh vực tâm thần, nên xác định tình trạng nghiện ma túy và điều trị nghiện ma túy chủ yếu do các cơ sở y tế tuyến huyện trở lên thực hiện. Do vậy, việc thực hiện nội dung hoạt động mới tại Trạm Y tế xã theo quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP cần có thời gian để cán bộ y tế thực hành và tích lũy kinh nghiệm.

Khó khăn tồn tại thứ ba, đó là chưa có cơ chế chính sách tài chính cho tác xác định tình trạng nghiện ma túy mặc dù theo quy định tại Khoản 8 Điều 2 của Luật Phòng, chống ma túy quy định "Nhà nước bảo đảm kinh phí xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người được đề nghị xác định tình trạng nghiện ma túy". Tuy nhiên, Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản dưới Luật không quy định việc ban hành Thông tư hướng dẫn định mức chi cho dịch vụ này nên các cơ sở y tế không có căn cứ để lập dự trù ngân sách thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện ma tuý tại địa phương.

Tại Điểm b Khoản 1 Điều 4 của Thông tư số 62/2022/TT-BTC ngày 5/10/2022 của Bộ Tài chính quy định việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ ngân sách nhà nước thực hiện chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy quy định "Chi xác định tình trạng nghiện ma túy: Mức chi theo giá dịch vụ y tế do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở y tế công lập đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy" nhưng hiện nay danh mục dịch vụ y tế chưa có "giá dịch vụ xác định tình trạng nghiện ma túy".

Điểm khó khăn thứ tư, đó là chưa có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ủy, chính quyền, địa phương trong việc quan tâm, bố trí nguồn lực, vật lực, tài lực cho công tác phòng, chống ma túy nói chung và công tác xác định tình trạng nghiện nói riêng, được minh chứng là hiện nay vẫn còn 24 tỉnh, thành phố chưa công bố danh sách cơ sở y tế tuyến xã đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy với hơn 70% số trạm y tế xã, phường chưa được công bố đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy.

Hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính

Trước tình hình trên, để tăng độ bao phủ công tác xác định tình trạng nghiện ma túy đến tuyến cơ sở đặc biệt là tuyến xã, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đầu tư ngân sách, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và bố trí nguồn lực để thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện ma túy theo đúng thẩm quyền được giao được quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP quy định cơ sở y tế đủ điều kiện xác định tình trạng nghiện ma túy và thủ tục xác định tình trạng nghiện ma túy.

Để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế chịu trách nhiệm xác định tình trạng nghiện ma túy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, đào tạo lại và cấp chứng chỉ cho đội ngũ cán bộ y tế đã, đang và sẽ tham gia vào công tác xác định tình trạng nghiện ma túy đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của địa phương và theo đúng quy định tại Nghị định số 109/2021/NĐ-CP.

Sở Y tế cần chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, thành phố, Sở LĐTB&XH và các sở, ban, ngành khác tổ chức thực hiện công tác xác định tình trạng nghiện ma túy trên địa bàn quản lý; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các hoạt động xác định tình trạng nghiện ma túy thuộc địa bàn quản lý.

Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng văn bản hướng dẫn về định mức kỹ thuật và khung giá dịch vụ xác định tình trạng nghiện ma túy để hoàn thiện cơ chế chính sách tài chính cho công tác này.

Hoàng Giang

}
Top