Khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý vụ án ma túy là quả thuốc phiện
Việc xác định quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô trước đó đã được quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, là tình tiết làm căn cứ định khung hình phạt nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể làm các căn cứ để giám định.
Hình ảnh quả thuốc phiện tươi |
Vào ngày 3/2/2018, Công an huyện Nghi Lộc đã tiến hành bắt giữ Đậu Quang Đức, sinh năm 1983, trú tại huyện Quỳ Châu và Hà Thị Huệ, sinh năm 1985 trú tại huyện Quế Phong về hành vi mua bán quả thuốc phiện với trọng lượng 34,2 kg.
Tại biên bản mở niêm phong xác định khối lượng lấy mẫu vật giám định ghi nhận đặc điểm như sau: Bên trong 2 thùng cát tông màu vàng có chứa nhiều quả cây màu xanh, có đặc điểm giống nhau, nhiều quả còn có nhựa (nghi là quả thuốc phiện). Qua đấu tranh Đức và Huệ khai có thanh niên người ở thành phố Vinh nhờ mua quả thuốc phiện tươi để về ngâm rượu uống, nên cả hai đã đi vào xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để mua.
Ngay từ khi tiếp nhận tin báo Viện kiểm sát huyện Nghi Lộc đã phối hợp cùng cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ hành vi các đối tượng để xử lý theo quy định của pháp luật, và yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra tiến hành trưng cầu số quả nghi là thuốc phiện trên và cho biết đó là quả tươi hay khô?
Tại bản Kết luận giám định số 308 ngày 8/2/2018 của Phòng Kỹ thuật Hình sự (PC54) Công an tỉnh Nghệ An kết luận: Các mẫu quả thực vật hình cầu màu xanh gửi tời giám định đều là ma túy (quả thuốc phiện), nhưng không trả lời được là quả tươi hay quả khô.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015 quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:
……..
l, Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;
m, Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;
…………”
Trước đó Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng đã quy định các tình tiết này định khung ở Khoản 2 Điều 194 (Điểm k, l).
Để có căn cứ khởi tố bị can theo điểm khoản nào của Điều 251 Bộ luật hình sự năm 2015, Viện kiểm sát đã có yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Nghi Lộc tiếp tục trưng cầu đến Viện Khoa học hình sự Bộ Công an để xác định loại quả thuốc phiện này là quả khô hay quả tươi?
Ngày 22/02/2018, Viện Khoa học hình sự Bộ Công An đã có công văn số 211 về việc từ chối giám định, lý do: Căn cứ Điểm d Khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; căn cứ Điểm 2 Điều 11 Luật Giám định tư pháp, Viện Khoa học hình sự từ chối giám định do chưa có căn cứ pháp lý kết luận các mẫu quả thuốc phiện gửi tới giám định là quả tươi hay quả khô.
Trong vụ án này nếu kết luận giám định được đó là quả thuốc phiện tươi, thì Đức và Huệ sẽ bị khởi tố theo Khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2015, quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam.
Nhưng do không xác định được số quả thuốc phiện trên là tươi hay khô nên cơ quan cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát đã thống nhất khởi tố vụ án, khởi tố các bị can Đậu Quang Đức, Hà Thị Huệ theo Khoản 1 Điều 251 BLHS năm 2015.
Vấn đề đặt ra ở đây là, việc xác định quả thuốc phiện tươi và quả thuốc phiện khô trước đó đã được quy định trong BLHS năm 1999, là tình tiết làm căn cứ định khung hình phạt nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể làm các căn cứ để giám định. Trong vụ án nêu trên các quả thuốc phiện khi mở ra đều có màu xanh tươi, có nhiều quả còn ra nhựa, Đức và Huệ khai người đặt vấn đề mua nói rõ phải là quả thuốc phiện tươi về để dùng ngâm rượu nên mới vào tận xã Tri Lễ, huyện Quế Phong để tìm mua theo đúng yêu cầu. Với cảm quan, trực giác mắt thường khi nhìn và cầm xem trực tiếp thì các ý kiến đều cho rằng đây là quả thuốc phiện tươi, nhưng khi gửi đi giám định thì đều có trả lời chưa có căn cứ để kết luận đó là quả tươi hay khô?
Đây là vướng mắc từ thực tiễn áp dụng pháp luật cần thiết phải có sự tổng hợp để báo cáo Liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương sớm có hướng dẫn kịp thời, đảm bảo pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.