Khoảng 12.000 người tử vong do bệnh lao mỗi năm

25/12/2020 13:02

Trong khi đó, năm 2019, cả nước có hơn 7.600 người tử vong do tai nạn giao thông. Tính trung bình, mỗi ngày gần 33 người tử vong do bệnh lao nước ta. So với thế giới, Việt Nam xếp thứ 16 trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao.

 Bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh lao. Ảnh: Thùy Chi

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia cho biết, những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây, Chương trình Chống lao quốc gia đã có những hoạt động thiết thực trong phát hiện và điều trị cho mọi người dân mắc lao, kể cả lao kháng thuốc, thậm chí lao siêu kháng thuốc, miễn phí thuốc chống lao và hỗ trợ cho người bệnh có thể chữa khỏi và chiến thắng bệnh lao.

Để có thể làm tốt được điều đó, Chương trình đã thực hiện việc củng cố và xây dựng mạng lưới từ trung ương đến xã phường với công tác đào tạo, giám sát hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng cơ chế cung ứng và phân phối bảo đảm thuốc men điều trị, phương tiện chẩn đoán, vận động nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước cũng như tài trợ quốc tế, tham mưu Bộ Y tế và Chính phủ ban hành chiến lược quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, thông tư hỗ trợ tạo môi trường tốt để các cơ sở y tế chuyên khoa và đa khoa, công và tư đều có thể tham gia vào công tác phòng chống lao.

Nhờ những việc làm trên, hằng năm ngành Y tế phát hiện và điều trị cho trên 100.000 người mắc lao trên toàn quốc với tỷ lệ khỏi bệnh cao (trên 90% với những trường hợp điều trị lần đầu và trên 75% các trường hợp lao kháng thuốc). Vì vậy, đã cứu sống được 100.000 người trong 10 năm qua. Ước tính trong 10 năm qua, đã giảm được 31% dịch tễ bệnh lao, trung bình 3,8% một năm. Con số này trên toàn cầu là 1,5%.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, năm nay đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động phòng, chống lao của nước ta. Tuy nhiên, Chương trình Chống lao quốc gia vẫn duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường.

Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%. Mạng lưới chống lao tiếp tục được mở rộng và củng cố. Hiện nay 48/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi... Tỷ lệ điều trị khỏi bệnh nhân lao phổi có bằng chứng vi khuẩn học mới và tái phát được duy trì ở mức cao (85,1%), đạt chỉ tiêu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Đặc biệt, một số tỉnh có tỷ lệ điều trị khỏi cao như Yên Bái (96%), Kon Tum (93%) và Hậu Giang (99%).

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, khó khăn trong công tác phòng, chống lao thời gian tới là Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Tuy công tác phòng, chống lao đạt nhiều kết quả nhưng thực tế vẫn còn không ít người vẫn kỳ thị, phân biệt đối xử với bệnh nhân lao. TS Nguyễn Viết Nhung cho biết, để công tác phòng, chống lao đạt kết quả tốt hơn, cần nâng cao ý thức trong cộng đồng và cần sự chung tay của cả cộng đồng trong việc tuyên truyền, đẩy lùi bệnh lao.

Top