Khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS
Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS đã được tổ chức rộng khắp, đặc biệt có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Nhờ vậy, tình hình dịch HIV tại Việt Nam đã giảm mạnh trong 10 năm qua.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thùy Chi
Ngày 30/8, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo Sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Tham dự hội thảo có Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế; Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam và đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan; các tổ chức quốc tế, tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh, trong 20 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, triển khai rất nhiều biện pháp để phòng, chống HIV/AIDS. Hơn 200 văn bản pháp quy đã được ban hành trong đó có Luật Phòng, chống HIV/AIDS; nhiều Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế giúp hoàn thiện hành lang pháp lý để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng, chống HIV/AIDS được tổ chức rộng khắp, đặc biệt là có sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và các tổ chức cộng đồng. Nhờ đó, tình hình dịch HIV tại Việt Nam đã giảm mạnh trong 10 năm qua. Tuy vậy, hiện nay HIV/AIDS vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại ở Việt Nam. Mỗi năm vẫn có khoảng 10.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện. Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm nghiện chích ma túy tăng nhanh; độ bao phủ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế; kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS dựa nhiều vào nguồn viện trợ nước ngoài đang bị cắt giảm nhanh.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 1899/QĐ-TTg ngày 15/10/2013 phê duyệt đề án bảo đảm tài chính cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Theo đó, ngân sách Nhà nước từ Trung ương và các địa phương cho phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua đã tăng nhanh. Đặc biệt, từ năm 2019, bảo hiểm y tế bắt đầu tham gia chi trả thuốc AVR cho bệnh nhân HIV/AIDS. Qua 6 tháng triển khai, đến nay đã có gần 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc AVR từ nguồn bảo hiểm y tế.
Tại hội thảo, PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, bên cạnh việc huy động các nguồn lực từ Nhà nước, những năm qua, khu vực tư nhân tham gia khá sâu rộng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, giúp tăng khả năng tiếp cận của người sử dụng đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng tham gia tích cực vào việc cung ứng thuốc, sinh phẩm xét nghiệm và vật dụng phòng, chống HIV/AIDS.
Tọa đàm "Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV: Những yếu tố nào là cần thiết?". Ảnh: Thùy Chi
“Theo ước tính có khoảng 10.000 bệnh nhân đang điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế tư nhân, trong đó có cả những cơ sở y tế tư nhân điều trị HIV/AIDS sử dụng thuốc AVR nguồn bảo hiểm y tế. Sự tham gia của y tế tư nhân đã góp phần tăng sự lựa chọn cho người bệnh, đồng thời giúp mở rộng điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam”, PGS, TS Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận và đóng góp chiến lược của khu vực tư nhân trong việc bảo đảm nguồn tài chính cho Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS hiện tại và tương lai; tổ chức tọa đàm "Thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong chương trình HIV: Những yếu tố nào là cần thiết?"; tôn vinh những đối tác có thành tích nổi bật trong chương trình HIV/AIDS tại Việt Nam...