Kiểm soát chặt tiền chất, ngăn ngừa tội phạm sản xuất ma túy
(Chinhphu.vn) - Khâu quản lý, sử dụng tiền chất công nghiệp của doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ có thể dẫn đến tình trạng tiền chất bị tuồn ra, trôi nổi trên thị trường để tội phạm lợi dụng sản xuất trái phép ma túy.
Những năm gần đây, các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội diễn ra sôi động. Nhu cầu sử dụng tiền chất trong sản xuất, kinh doanh và y tế gia tăng.
Hiện nay, có 60 tiền chất ma túy, trong đó 40 tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý, 12 tiền chất do Bộ Công an quản lý và 8 tiền chất sử dụng trong ngành y tế do Bộ Y tế quản lý.
Phần lớn các tiền chất hóa chất được sử dụng hợp pháp trong nhiều lĩnh vực kinh tế, có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các tiền chất được nhập khẩu và sử dụng với số lượng lớn chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về sản xuất, kinh doanh, không ít các đối tượng phạm tội lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm soát của các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã thu gom tiền chất, thuốc hướng thần, thuốc gây nghiện, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất nhằm chiết tách và sản xuất trái phép các chất ma túy.
Theo thống kê của các đơn vị thành viên Tổ công tác liên ngành Trung ương, hiện nay có khoảng 1.000 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Bên cạnh đó, có 4.530 cơ sở hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, mua bán, vận chuyển hóa chất, tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp; 12.471 công ty, cơ sở kinh doanh thuốc, nhà thuốc, cơ sở khám chữa bệnh có hoạt động hợp pháp liên quan đến gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc có chứa tiền chất; 2.005 cơ sở hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán, vận chuyển, sử dụng thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Để thực hiện tốt công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, thời gian qua, Tổ công tác liên ngành Trung ương và địa phương đã tiến hành kiếm tra, hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền cho các đơn vị làm công tác quản lý, doanh nghiệp, cá nhân có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, giúp cho các doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật có liên quan. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền về thủ đoạn các đối tượng lợi dụng các hoạt động mua bán, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, phân phối vào mục đích tội phạm về ma túy.
Trong 2 năm (2022-2023), các cơ quan chức năng chưa phát hiện, xử lý hình sự vụ án nào theo điều 259 Bộ luật Hình sự quy định.
Tuy nhiên, đối với xử lý vi phạm hành chính, năm 2022, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 26 công ty, phạt tiền hơn 700 triệu đồng. Tổ công tác liên ngành các địa phương báo cáo đã xử lý 33 vụ vi phạm hành chính, đình chỉ 5 cơ sở y tế, phạt tiền hơn 150 triệu đồng.
Năm 2023, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương đã tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với 21 công ty, phạt tiền hơn 900 triệu đồng. Tổ công tác liên ngành các địa phương báo cáo đã phát hiện 12 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 7 đối tượng, 4 công ty trong lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Khó khăn trong kiểm soát, quản lý
Theo Bộ Công an, mặc dù công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy đạt nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn khó khăn. Trong đó, công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến tiền chất chưa được thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Kiến thức pháp luật về kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các doanh nghiệp, cá nhân còn hạn chế.
Một số doanh nghiệp vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc kiểm soát, tránh thất thoát tiền chất và các nguy cơ tiềm ẩn của việc thất thoát tiền chất vào sản xuất ma túy bất hợp pháp, còn coi đó là một loại hàng hóa thông thường nên việc mua bán chưa được quản lý chặt chẽ.
Hơn nữa, việc bán các loại hàng hóa trong lĩnh vực trên mạng rồi gửi qua hệ thống chuyển phát nhanh, giao hàng tận tay người mua gây khó khăn trong công tác kiểm soát, quản lý (không có địa bàn cụ thể).
Nhiều doanh nghiệp không khai báo đầy đủ thông tin hàng hóa khi làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hoặc sau khi nhập khẩu chưa chủ động báo cáo về tình hình mua bán, sản xuất, phân phối, sử dụng, tồn trữ... gây khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm soát và quản lý.
Nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ như hộ gia đình (nhất là trong lĩnh vực thú y, các cơ sở sử dụng thuốc thú y phần nhiều là các cơ sở nhỏ lẻ, khi chữa bệnh cho động vật không có hồ sơ điều trị, sử dụng thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất), phân bổ trên địa bàn rộng nên không nắm được chính xác về số lượng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa báo cáo đầy đủ hoặc không báo cáo cho đơn vị quản lý số lượng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc thú y có chứa chất ma túy và tiền chất, đặc biệt là tiền chất trong lĩnh vực công nghiệp...
Việc trao đổi thông tin giữa đơn vị quản lý chuyên ngành cấp Trung ương với địa phương về tình hình các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy của các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn chưa thường xuyên.
Vì vậy, thời gian tới, cần nâng cao mối quan hệ phối hợp của các đơn vị thành viên Tổ công tác liên ngành; tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật của các đơn vị, doanh nghiệp có hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; thường xuyên rà soát, thống kê, lập danh sách đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan lĩnh vực kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Từ đó, xây dựng các phương án phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý việc lợi dụng tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào mục đích sản xuất trái phép chất ma túy và các vi phạm pháp luật khác.
Ngoài sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, sử dụng, kiểm soát tiền chất.
Hoàng Giang