Kiểm tra công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu
Ngày 6-7/10, đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm có chuyến làm việc tại tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà làm Trưởng đoàn, cùng đại diện cơ quan Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế.
Tại tỉnh Bạc Liêu, đoàn đã đến thăm, làm việc với Cơ sở cai nghiện ma túy Bạc Liêu tại xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu. Cơ sở này thành lập từ năm 2000.
Đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà làm trưởng đoàn, đã đến thăm làm việc với Cơ sở cai nghiện ma túy Bạc Liêu. |
Ông Nguyễn Bê On, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Bạc Liêu cho biết, tổng số học viên đang quản lý tại cơ sở có mặt là 364 người; trong đó có 316 học viên theo quyết định (9 nữ) và 48 học viên tự nguyện. Độ tuổi học viên cai nghiện tại cơ sở thấp nhất là 18 tuổi, cao nhất là 53 tuổi. Hiện nay số lượng học viên ngày càng tăng, khả năng sức chứa của cơ sở có hạn nên đã xảy ra tình trạng quá tải.
Lãnh đạo cơ sở có kiến nghị đến Bộ LĐ-TB&XH như xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí để mua sắm trang thiết bị, xây thêm các khu dạy nghề cho học viên; có cơ chế đặc thù dành riêng cho cơ sở cai nghiện ma túy về số lượng người làm việc; xem xét điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề;…
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà chia sẻ với những khó khăn mà cơ sở đang gặp phải, như tình trạng quá tải, thiếu biên chế làm việc, phụ cấp ưu đãi thấp,… Với những kiến nghị của cơ sở, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà tiếp thu và trao đổi trở lại từng vấn đề ở cấp tỉnh, sở. “Còn trách nhiệm của Trung ương thì về cơ chế chính sách, tham mưu Chính phủ để có nguồn lực hỗ trợ cho cơ sở”, Thứ trưởng Hà nói.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Cơ sở cai nghiện ma túy Bạc Liêu chưa xảy ra những vấn đề lớn, nhưng đề nghị các đơn vị không được chủ quan và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, gia đình với nhau để kịp thời xử lý.
“Phương pháp tiếp cận quản lý với các đối tượng nghiện ma túy, mại dâm, HIV… là không nên kỳ thị, mà cần sự thân thiện, tôn trọng, gương mẫu, tình yêu thương, chia sẻ. Bởi có sự phân biệt, kỳ thị thì sẽ gây khó khăn trong quá trình điều trị, giúp đỡ, giáo dục họ”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà lưu ý thêm.
Cùng ngày, đoàn công tác cũng đã đến làm việc với phường 5 (TP Bạc Liêu). Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị địa phương huy động thêm lực lượng tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Còn đối với những người HIV/AIDS thì cần tuyên truyền tránh tư tưởng phân biệt, kỳ thị, đối xử, để họ điều trị tốt hơn, hiệu quả hơn", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà lưu ý.
Tại Sóc Trăng, báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Nguyễn Hoàng Phong, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến 30/8, toàn tỉnh có 2.527 trường hợp nhiễm HIV còn sống; 1.653 người tử vong. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai tư vấn xét nghiệm HIV cho 10.216 mẫu, phát hiện 103 trường hợp dương tính. Dự báo đến cuối năm số người nhiễm HIV tăng khoảng 150 người, số người tử vong khoảng 1.700 người. Về tình hình phòng, chống mại dâm, tổng số cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm trên địa bàn tỉnh là 1.008 cơ sở với gần 2.000 nhân viên làm việc. Từ năm 2016 đến nay, lực lượng chức năng đã triệt phá 18 điểm mại dâm, bắt 57 đối tượng, xử lý hình sự 11 vụ, xử lý hành chính 7 vụ…
Về tình hình tệ nạn ma túy trên địa bàn, tính đến ngày 14/9, tổng số người sử dụng ma túy là 2.419 người. Cơ sở cai nghiện ma túy của tỉnh đang quản lý gần 400 học viên cai nghiện.
Tại buổi làm việc, ông Ngô Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo công an phối hợp với các đoàn thể phát động phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự xã hội, vận động người dân tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ma túy. Chỉ đạo Đài Phát thanh truyền hình tỉnh có chuyên mục thường xuyên tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội để nâng cao nhận thức cho người dân.
Ông Hùng kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để việc triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả tốt, giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng; thành lập quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; đồng thời hỗ trợ kinh phí để địa phương sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện. Nâng mức hỗ trợ cho vay vốn để học nghề, tạo việc làm cho người bán dâm hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng nhằm ổn định cuộc sống.
Tại buổi làm việc, đa số các thành viên đoàn công tác cho rằng, hiện nay tình trạng giới trẻ nghiện ma tuý, bị nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng ngày càng tăng, vì vậy tỉnh cần tăng cường tuyên truyền trong giới trẻ, đặc biệt có các biện pháp cai nghiện phù hợp cho các em dưới 18 tuổi. Cần nghiên cứu để thực hiện tốt việc động viên, hỗ trợ các em ổn định tâm lý, được giáo dục, đào tạo nghề và hỗ trợ giới thiệu việc làm sau khi cai nghiện thành công trở về gia đình, hòa nhập với cộng đồng để các em không quay lại con đường cũ.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm. Tỉnh đã có sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, có đầu tư về bộ máy tổ chức lực lượng phòng, chống ma túy và cán bộ quản lý, cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy với chính sách phù hợp. Các giải pháp phòng, chống ma tuy đã được triển khai đồng bộ từ tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đến cai nghiện ma túy và quản lý sau cai.
Thứ trưởng yêu cầu địa phương xác định công tác phòng, chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội, cần tập trung thực hiện giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống ma túy, về hiểm họa ma túy đối với giới trẻ. Tăng cường công tác phòng ngừa, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Rà soát, phân loại, quản lý chặt chẽ người sử dụng, người nghiện ma túy. Đa dạng hóa các hình thức điều trị, cai nghiện ma túy như cai nghiện bắt buộc, cai nghiện tự nguyện, điều trị bằng thuốc thay thế phù hợp với điều kiện thực tế.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng đề nghị tỉnh Sóc Trăng tiếp tục sắp xếp, củng cố và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy ở các cơ sở, huy động sự tham gia của cộng tác viên hỗ trợ người nghiện ma tuý; nâng cao nhận thức của người dân để chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và tăng cường tổ chức các mô hình can thiệp, hoạt động giảm hại.
Trước đó, sáng 6/10, đoàn kiểm tra đã thăm, làm việc với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Sóc Trăng, cơ sở điều trị thay thế bằng Methadone thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng và UBND Phường 2, thành phố Sóc Trăng, qua đó nắm bắt tình hình thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm ở cơ sở.