Kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS: Còn nhiều khó khăn

26/10/2017 15:48

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/ADS thông qua bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đã định hướng kiện toàn cơ sở điều trị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kiện toàn, các tỉnh, thành phố gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Bảo hiểm y tế là cứu cánh cho người nhiễm HIV khi nguồn viện trợ cho công tác này bị cắt giảm. Ảnh: Thùy Chi

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên trang tin Tiếng Chuông đã có buổi trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Xin ông cho biết, những khó khăn trong hoạt động kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS là gì?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Tính đến tháng 5/2017, cả nước đã có 151 cơ sở đang cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế và hơn 13.700 bệnh nhân được nhận ít nhất một dịch vụ khám chữa bệnh HIV qua bảo hiểm y tế.

Cả nước hiện có 401 phòng khám ngoại trú, trong đó 271 phòng đã ký hợp đồng bảo hiểm y tế, chiếm 67,5% (151 phòng đã thanh toán bảo hiểm y tế và 130 phòng khám chưa ký hợp đồng). Hiện nay, người nhiễm HIV đã có cơ chế bảo hiểm y tế đặc thù về quyền lợi sử dụng dịch vụ y tế, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và chuyển tuyến.

Trong quá trình thực hiện kiện toàn, các tỉnh, thành phố gặp không ít khó khăn vướng mắc. Nhiều cơ sở điều trị HIV/AIDS trước đây thuộc hệ thống y tế dự phòng, vì vậy chưa có giấy phép hoạt động khám chữa bệnh. Một trong những điều kiện để được cấp phép khám chữa bệnh là đội ngũ tham gia khám chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp với khám chữa bệnh HIV/AIDS, tuy nhiên tại các đơn vị nhiều cán bộ y tế chưa có chứng chỉ này. Để được cấp chứng chỉ hành nghề các cán bộ cần thời gian thực hành tại bệnh viện theo quy định.

Bên cạnh đó, phòng khám HIV/AIDS tại bệnh viện nhưng hoạt động theo dự án tài trợ khi chuyển sang khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải được cấp thẩm quyền thẩm định và giao nhiệm vụ, bổ sung hợp đồng khám chữa bệnh HIV/AIDS với cơ quan bảo hiểm xã hội thì mới đủ điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, người nhiễm HIV trước đây được dự án, tổ chức quốc tế hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, đến nay nếu được thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế thì phải tham gia bảo hiểm y tế. Trong khi đó, người nhiễm HIV thường khó khăn về tài chính nếu phải mua thẻ bảo hiểm y tế thường xuyên, đầy đủ.

Thưa ông, tại sao cần phải kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS? Điều kiện để một cơ sở điều trị HIV/AIDS cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh qua bảo hiểm y tế là gì?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Chính phủ đã khẳng định bảo hiểm y tế là nguồn tài chính bền vững để điều trị HIV/AIDS, bao gồm cả thuốc ARV. Để sử dụng nguồn bảo hiểm y tế cho điều trị HIV/AIDS thì các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải nằm tại cơ sở y tế có chức năng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Hiện nay, một số xét nghiệm theo dõi điều trị như CD4, xét nghiệm tải lượng HIV và 90% thuốc ARV đến từ nguồn viện trợ quốc tế, bao gồm thuốc ARV phác đồ bậc 2 và cho trẻ em. Các nhà tài trợ đang tiếp tục dừng hỗ trợ thuốc điều trị và điều trị dự phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội, các xét nghiệm theo dõi điều trị HIV/AIDS. Trước tình hình này, từ 1/1/2018, thuốc ARV chính thức được cung cấp qua bảo hiểm y tế để điều trị HIV/AIDS.

Chính vì vậy, việc kiện toàn hệ thống điều trị HIV/AIDS đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là rất cần thiết để có thể cung cấp được các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế bao gồm cả thuốc ARV.

Theo quy định của bảo hiểm y tế hiện nay, các dịch vụ điều trị HIV/AIDS bao gồm: Điều trị dự phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội, điều trị bệnh nhiễm trùng cơ hội, thuốc ARV, các xét nghiệm theo dõi điều trị như xét nghiệm CD4, tải lượng HIV đều được bảo hiểm y tế chi trả.

Theo ông, nên đặt phòng khám HIV/AIDS ở đâu để có thể tạo điều kiện tốt nhất cho bệnh nhân?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Phòng khám điều trị HIV/AIDS được đặt tại khoa khám bệnh của cơ sở y tế là phù hợp nhất, vì điều trị HIV/AIDS chủ yếu là điều trị ngoại trú, hàng tháng người bệnh được tái khám theo hẹn và cấp thuốc ARV theo quy định.

Tuy nhiên, trong thực tế tại một số bệnh viện, bệnh nhân HIV/AIDS hiện đang được điều trị tại khoa truyền nhiễm. Để bảo đảm đúng quy trình khám chữa bệnh ngoại trú theo quy định của Bộ Y tế, phòng khám, điều trị HIV/AIDS mặc dù nằm tại đâu vẫn phải được xác định thuộc quản lý, điều hành của khoa khám bệnh và được kết nối phần mềm quản lý khám chữa bệnh của bệnh viện.

Ngoài ra, để thực hiện khám chữa bệnh HIV/AIDS, lãnh đạo bệnh viện cần ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho khoa/phòng cụ thể, cán bộ y tế phải có chứng chỉ hành nghề, được tập huấn và cấp giấy chứng nhận về chăm sóc điều trị HIV/AIDS.

Xin ông cho biết, có cần thiết phải xây dựng danh mục kỹ thuật, thuốc để làm cơ sở cho việc ký hợp đồng và thanh toán khám chữa bệnh cho người bệnh HIV/AIDS qua Quỹ bảo hiểm y tế không?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Về cơ bản là không cần thiết phải xây dựng danh mục kỹ thuật, thuốc để làm cơ sở cho việc ký hợp đồng và thanh toán khám chữa bệnh cho người bệnh HIV/AIDS qua Quỹ bảo hiểm y tế. Bởi vì, các dịch vụ kỹ thuật và thuốc điều trị HIV/AIDS đã được Bộ Y tế quy định tại Thông tư 40/2014/TT-BYT ban hành danh mục thuốc tân dược được bảo hiểm y tế chi trả; Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11/12/2013 của Bộ Y tế quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định số 3047/QĐ-BYT ngày 22/7/2015 về hướng dẫn quản lý, chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS.

Tuy nhiên, một số kỹ thuật mới như xét nghiệm CD4, xét nghiệm tải lượng HIV, nếu bệnh viện muốn cung cấp dịch vụ này qua bảo hiểm y tế cần xây dựng danh mục kỹ thuật và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc trong trường hợp bệnh viện không cung cấp được các dịch vụ nào đó thì đề xuất ký hợp đồng với đơn vị cung cấp dịch vụ đó. Lưu ý, đơn vị đó phải cung cấp dịch vụ thanh toán được với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Việc lồng ghép quy trình khám chữa bệnh HIV vào quy trình khám chữa bệnh của Cơ sở y tế có làm lộ bí mật của người bệnh không, thưa ông?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Nếu công tác bảo mật không tốt, thông tin của bệnh nhân bị tiết lộ hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này sẽ gây tác động lớn tới tâm lý và sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Do đó, các cơ sở y tế cần lưu ý việc bảo mật thông tin, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi.

Ngoài ra, hoạt động tư vấn cho người bệnh là một nội dung không thể thiếu khi thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế nên cơ sở y tế cần bảo đảm thông tin của bệnh nhân hoàn toàn được giữ bí mật theo quy định của pháp luật.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Top