Kinh nghiệm quản lý học viên của một cơ sở cai nghiện ma túy

14/09/2017 14:57

Các học viên khi vào Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục-Lao động xã hội số III Hà Nội (mới chuyển đổi thành Cơ sở điều trị nghiện số 3), tỷ lệ có tiền án, tiền sự thường chiếm khoảng từ 70% trở lên, cá biệt có những học viên có tới 8-9 tiền án, tiền sự nên công tác quản lý giáo dục cảm hóa được học viên là không hề đơn giản.

Với chức năng tiếp nhận, chữa trị cho đối tượng nghiện ma túy, từ khi thành lập (năm 2006) đến nay Cơ sở số 3 tiếp nhận 5.214 học viên, trong đó: bắt buộc là 4.119 học viên, tự nguyện là 405 học viên, lưu trú tạm thời là 404 người, cắt cơn 15 ngày là 47 người, quản lý sau cai là 239 người.

Cơ sở thực hiện việc tiếp nhận theo đúng quy định của pháp luật.  Sau khi tiếp nhận tiến hành phân loại theo độ tuổi, thân nhân, tình trạng sức khỏe để phục vụ công tác quản lý. Học viên được sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện để xây dựng và thực hiện kế hoạch cai nghiện phù hợp. Trong quá trình cai nghiện tại Cơ sở, học viên được tư vấn, được tham gia sinh hoạt nhóm nhằm giúp họ thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện và kỹ năng phòng chống tái nghiện.

Học viên được bố trí chỗ ở, sinh hoạt theo từng buồng tại các đội. Học viên tự nguyện được ở riêng một phòng không ở chung với học viên cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện. Hàng ngày học viên sinh hoạt theo 12 chế độ theo quy định của Cơ sở. Học viên được tham gia lao động trị liệu giúp học viên lấy lại được kỹ năng lao động đã bị suy giảm do nghiện ma túy, quý trọng hơn giá trị sức lao động của bản thân và lấp vào khoảng trống nhớ đến ma túy. Hàng tuần, học viên được tổ chức liên hoan bằng chính tiền lương do sức lao động của mình giúp học viên hăng say lao động, cảm thấy ấm lòng hơn khi xa nhà.

Học viên học văn hóa tại cơ sở cai nghiện

Sau mỗi buổi lao động trị liệu, học viên được tham gia các hoạt động thể dục thể thao, văn nghệ, đọc sách báo, mỗi buổi tối cơ sở tổ chức tiếp sóng các chương trình thời sự trên ti vi để học viên tiếp cận các thông tin cần thiết hàng ngày. Cơ sở xây dựng tủ sách và phòng đọc cho học viên tại thư viện.

Mỗi dịp kỷ niệm các ngày lễ, Cơ sở tổ chức giao lưu thi văn nghệ giữa cán bộ các phòng ban, giữa cán bộ với học viên để tăng cường mối quan hệ thầy-trò giúp học viên yên tâm tư tưởng học tập, lao động. Cử cán bộ, học viên tham gia các cuộc thi giao lưu văn nghệ với các đơn vị trên địa bàn, các cuộc thi do huyện đoàn tổ chức nhằm tăng cường quan hệ với các đơn vị bạn và tạo điều kiện cho học viên hòa nhập với cộng đồng để cộng đồng không kỳ thị với người nghiện.

Đối với học viên chưa biết chữ, cơ sở phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Sóc Sơn mở lớp phổ cập tiểu học xóa mù chữ cho học viên. Từ khi thành lập đến nay cơ sở đã mở được 10 lớp cho 139 học viên, cấp chứng chỉ cho 130 học viên.
    
Hàng tuần, học viên được thăm gặp thân nhân tại khu thăm gặp chung giúp học viên biết được thông tin người thân tại gia đình và để gia đình có điều kiện động viên học viên yên tâm tư tưởng cai nghiện.

Hàng tháng, hàng quý các buồng, tổ, đội tổ chức sinh hoạt đánh giá kết quả tèn luyện, học tập, lao động của từng học viên. Kết quả xếp loại học viên được thông báo công khai trên loa phát thanh của cơ sở để học viên biết và có ý kiến (nếu có). Căn cứ vào kết quả xếp loại hàng tháng, quý Trung tâm sẽ kịp thời biểu dương những học viên có thành tích xếp loại tốt trong tháng để làm tấm gương cho các học viên khác noi theo.

Đối với công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy, hàng ngày, trên hệ thống loa truyền thanh của cơ sở tuyên tuyền, phổ biến về quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm, tội phạm về ma túy, về phòng, chống ma túy trong tình hình hiện nay. Hàng năm, Trung tâm phối hợp với Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở Tư pháp tuyên truyền về công tác phòng chống ma túy nhằm trang bị cho học viên những kiến thức pháp luật phòng chống ma túy, các Nghị định, Thông tư của pháp luật liên quan đến phòng, chông ma túy.

Những năm gần đây người nghiện ma túy của Việt Nam luôn luôn gia tăng. Đặc biệt, ma túy tổng hợp (MTTH) đã và đang phát triển, đang dần thay thế các loại ma túy từ tự nhiên như: thuốc phiện, heroin… Hiện nay, giới trẻ đang đua nhau tuyên truyền sử dụng MTTH là “đẳng cấp”, là “sành điệu” nhưng thực tế đây là loại ma túy rất nguy hiểm, gây ảo giác hoang tưởng, còn được gọi là “ma túy điên”, thế giới chưa có phác đồ điều trị cai nghiện MTTH. Một số người sử dụng MTTH gây ảo giác, hoang tưởng đã có những hành vi phạm pháp nghiêm trọng trên cả nước. Số người nghiện ma túy Trung tâm tiếp nhận trong thời gian gần đây đa số là người lang thang ngoại tỉnh, sử dụng ma túy tổng hợp hoặc sử dụng nhiều loại ma túy cùng một lúc ảnh hưởng rất lớn tới hệ thần kinh dẫn đến không kiểm soát được hành vi, không hợp tác trong quá trình cai nghiện, chữa trị gây khó khăn trong công tác điều trị, quản lý.

Bên cạnh đó, nhân thân của một số học viên rất phức tạp, nhiều tiền án, tiền sự nên có hành vi quậy phá, gây rối an ninh trật tự ảnh hưởng đến các học viên khác tại Trung tâm.

Khi có những học viên quậy phá, chống đối, không hợp tác, Cơ sở tiến hành tìm hiểu nguyên nhân, tư vấn giúp học viên nhận thức được hành vi đó là sai, vi phạm quy định của pháp luật, nội quy quy chế của Cơ sở, làm ảnh hưởng tới tư tưởng, ý chí cai nghiện cho các học viên khác. Căn cứ vào mức độ vi phạm, Hội đồng kỷ luật học viên họp, xem xét và ra quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm trên.

Đối với các hành vi quậy phá, chống đối không hợp tác đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, phá hoại tài sản Trung tâm áp dụng biện pháp giáo dục tại phòng kỷ luật riêng biệt. Một số học viên chống đối không hợp tác có hành vi tự hủy hoại bản thân, có biểu hiện rối loạn thần kinh, không kiểm soát hành vi của mình Cơ sở phải chuyển viện tuyến trên điều trị và phối hợp cùng gia đình điều trị cho học viên đến khi tâm lý, sức khỏe ổn định học viên quay lại Cơ sở tiếp tục chấp hành Quyết định cai nghiện bắt buộc, hợp đồng cai nghiện tự nguyện.

Bên cạnh đó, còn một số học viên vào cai nghiện bắt buộc có tâm lý chưa quen với môi trường cai nghiện, nhớ nhà, nhớ người thân, người yêu, có tư tưởng bỏ trốn khi đang cai nghiện, Cơ sở phải vận động, thuyết phục học viên quay trở lại tiếp tục chấp hành phần thời gian cai nghiện còn lại.

Song song với những quy định trong nội quy, quy chế, biện pháp thuyết phục, giáo dục học viên yên tâm tư tưởng, phối hợp trong công tác chữa trị, phục hồi nghiện ma túy, Cơ sở còn tuyên truyền sâu rộng tới từng học viên, từng buồng, đội để học viên hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm trong quá trình chữa trị, học tập, lao động tại Trung tâm. Đồng thời tuyên truyền tới gia đình học viên để phối hợp với Trung tâm động viên học viên yên tâm tư tưởng, chấp hành tốt các quy định đã đặt ra.

}
Top