Kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những người sử dụng và những người nghiện ma túy
Người sử dụng và người nghiện ma túy là ai? Sử dụng ma túy và nghiện ma túy có gì khác nhau?
Trước hết, những người sử dụng và những người nghiện ma túy là những người phá vỡ quy tắc và chuẩn mực xã hội, nhất là khi họ có các hành vi vi phạm pháp luật và trật tự, an toàn xã hội.
Nghiện ma túy là tình trạng của bệnh lý, mọi người trong xã hội luôn lên án họ mà không ý thức được rằng chứng nghiện đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của người sử dụng ma túy.
Tất cả những người sử dụng ma túy tin rằng một khi họ bắt đầu nhận thấy các triệu chứng liên quan đến việc sử dụng ma túy họ sẽ ngừng ngay để tránh bị nghiện. Điều mà họ không nhận thức được là khi đã sử dụng ma túy sẽ xuất hiện những thay đổi trong não của người sử dụng một cách từ từ và rất khó xóa bỏ. Vì vậy, để phá vỡ chứng nghiện rất khó khăn, phụ thuộc vào chính bản thân người nghiện ma túy, sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng trên mọi khía cạnh (thể chất, tinh thần, thái độ đối xử…) một cách liên tục và kiên trì, nhưng người sau cai nghiện ma túy vẫn tái nghiện nhiều lần.
|
Chúng ta không có quyền và không nên phán xét người nghiện ma túy. |
Mặc dù chúng ta không đồng tình với hành vi của những người sử dụng và những người nghiện ma túy, nhưng chúng ta không có quyền và không nên phán xét hoặc xem thường họ từ góc độ một con người và lòng tự trọng của người đó.
Sử dụng ma túy và nghiện ma túy là khác nhau. Nhiều nghiên cứu cho thấy, một số người sử dụng ma túy nhưng không bị nghiện, họ có thể sử dụng ma túy không thường xuyên và có thể ngừng sử dụng bất cứ lúc nào họ muốn.
Người nghiện ma túy là những người không thể ngừng sử dụng ma túy, họ lệ thuộc hoàn toàn vào ma túy và phải tăng dần liều sử dụng. (Ở Mỹ, có khoảng 20 – 25% số người sử dụng heroin đã trở thành người nghiện ma túy, tài liệu của Tổ chức Sức khỏe và Gia đình quốc tế).
Vậy kỳ thị và phân biệt đối xử là gì? Tại sao chúng ta lại kỳ thị và phân biệt đối xử với những người sử dụng và những người nghiện ma túy?
Kỳ thị là quá trình hình thành thái độ không chấp nhận và áp đặt cái nhìn tiêu cực, gán nhãn cho một người hoặc một nhóm người trên cơ sở sự khác biệt về một phẩm chất hay đặc điểm nào đó của một người hay nhóm người đó.
Kỳ thị có nhiều dạng thức và biểu hiện khác nhau: Kỳ thị trong cảm nhận là cảm giác và thái độ đối với người sử dụng và người nghiện ma túy; kỳ thị về thể chất là ghê sợ những hành vi liên quan đến người sử dụng và người nghiện ma túy; kỳ thị về mặt đạo đức là sự khinh bỉ, phê phán và lên án những người sử dụng và nghiện ma túy; kỳ thị từ bên ngoài là đối xử khác biệt, không công bằng, gây áp lực, hắt hủi, trừng phạt, gây phiền hà, đổ lỗi hoặc loại trừ những người sử dụng và người nghiện ma túy; tự kỳ thị (kỳ thị từ bên trong) là tự mình có thái độ không chấp nhận bản thân hoặc áp đặt cách nhìn tiêu cực đối với chính bản thân mình như tự căm ghét, xấu hổ, phê phán bản thân, cảm thấy đang bị người khác xét đoán nên tự cô lập, từ đó tự tách mình ra khỏi gia đình và cộng đồng.
![]() |
Ảnh minh họa |
Phân biệt đối xử là thái độ kỳ thị được chuyển thành hành động, thể hiện qua sự đối xử không công bằng đối với người bị kỳ thị. Phân biệt đối xử được định nghĩa như là sự kỳ thị bằng hành động.
Không ai muốn trở thành người nghiện ma túy, cho dù đó là người chủ động sử dụng ma túy hay là người bị ép buộc sử dụng ma túy. Ai cũng nhận thức được tác hại ghê gớm do ma túy gây ra, thậm chí là giết người, cướp của, đảo lộn sự bình yên của cả cộng đồng dân cư tại nơi có người nghiện ma túy cư trú.
Thực tiễn cho thấy, hầu như tất cả những người nghiện ma túy đều cố gắng cai nghiện, và cai rất nhiều lần nhưng không thành công, bởi ma túy đã làm não bộ của họ thay đổi và tạo thành thói quen có điều kiện đã được ghi nhớ trong não. Do đó, người nghiện ma túy phải sử dụng tăng liều, tăng lần để đáp ứng nhu cầu đói thuốc.
Công bằng mà nói thì ma túy là tệ nạn xã hội, nhưng trong rất nhiều trường hợp thì người sử dụng ma túy là nạn nhân do nhiều nguyên nhân khác nhau: Rất nhiều người nghiện ma túy do bị ép buộc, nhiều thanh, thiếu niên nghiện ma túy do thiếu hiểu biết hoặc đua đòi, nhiều người do hoàn cảnh xô đẩy… Vì vậy, chúng ta không nên đánh đồng tất cả những người nghiện ma túy là tệ nạn xã hội.
Đối với những người nghiện ma túy nhiễm HIV còn bị kỳ thị nhiều hơn, người nghiện ma túy là gái mại dâm bị nhiễm HIV (3 trong 1) còn bị kỳ thị kép (kỳ thị nhiều tầng), điều đó làm cho họ chịu sự kỳ thị nặng nề hơn.
Kỳ thị đã làm cho nhóm người này khó tiếp cận với các dịch vụ y tế để chăm sóc và điều trị, dẫn tới việc dấu kín tình trạng mắc bệnh của họ, là nguyên nhân lây truyền HIV và các loại bệnh qua đường tình dục không kiểm soát được.
|
Hãy tạo cơ hội cho những người nghiện ma túy quay trở về với gia đình và cộng đồng. |
Thái độ của những người xung quanh đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc hành xử của những người nghiện ma túy. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử hay sự trừng phạt không giúp người nghiện từ bỏ được ma túy. Ngược lại, sự xa lánh, thù ghét càng đẩy những người nghiện ma túy về phía tội phạm, hoặc làm cho những người đã cai nghiện cảm thấy chán nản, buông xuôi và tái nghiện nhanh chóng.
Hầu hết những người nghiện ma túy đều muốn từ bỏ ma túy khi họ tỉnh táo, nhưng việc đó vô cùng khó khăn. Nếu mọi người hiểu và coi họ là những người bệnh, là nạn nhân của ma túy, từ đó thông cảm với họ hơn, có thái độ đối xử với họ tích cực hơn, hỗ trợ họ một cách kiên trì, bao dung…, sẽ giúp được nhiều người nghiện ma túy quyết tâm cai nghiện để thay đổi và trở về với cuộc sống bình thường.
Hãy tạo cơ hội cho những người nghiện ma túy quay trở về với gia đình và cộng đồng.