Lai Châu: Nâng cao chất lượng chăm sóc và tư vấn xét nghiệm
Địa phương đang chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm, tổ chức các đợt tư vấn, xét nghiệm lưu động, để người dân trong cộng đồng có hành vi nguy cơ cao dễ tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm. Tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS…
Tư vấn điều trị Methadone cho bệnh nhân. Ảnh: TT PC HIV/AIDS Lai Châu
Thời gian qua, địa phương đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, triển khai sâu rộng với sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và quần chúng Nhân dân. Qua tuyên truyền, người dân được cung cấp kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, hướng họ đến với những hành vi an toàn nhằm phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng xã hội.
Ngoài việc tuyên truyền các nguy cơ, nguồn lây, các tuyên truyền viên còn phổ biến, giới thiệu các dịch vụ dự phòng, chăm sóc hỗ trợ, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS. Từ đó, tạo điều kiện cho người bệnh, người có hành vi, nguy cơ mắc bệnh được tiếp cận với các dịch vụ y tế thân thiện.
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, số lượng người tiêm chích ma túy, nhiễm HIV/AIDS khá cao, phân bố ở các huyện, thành phố, thậm chí ở cả những xã vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhằm ngăn chặn sự lây lan, tiến tới khống chế đại dịch HIV/AIDS, ngành Y tế đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm thay đổi hành vi.
Hoạt động truyền thông được triển khai tích cực, định kỳ ở 100% xã; triển khai thường xuyên ở 50% số xã nguy cơ cao với 1.876 buổi/48. 508 lượt người nghe (số liệu từ năm 2018 đến nay). Đưa các dịch vụ can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS về xã, bản là giải pháp thiết thực nhằm phát huy hiệu quả trong phòng, chống HIV/AIDS, theo đó, ngành Y tế đã tăng cường triển khai ở 8/8 huyện, thành phố. Tổ chức cấp phát miễn phí 503.375 bơm kim tiêm, 102.604 bao cao su; triển khai tiếp cận qua đồng đẳng viên được 471 lượt người. Tiếp tục duy trì, xây dựng các nhóm đồng đẳng nghiện ma túy tại 19 xã trên địa bàn.
Cùng với đó, ngành Y tế tỉnh đã tập trung thực hiện các hoạt động chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS như chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng virus ARV; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Chương trình giám sát, theo dõi và đánh giá HIV/AIDS được triển khai tích cực.
Năm 2018 đã tư vấn, xét nghiệm cho 11.032/9.300 người, vượt 118,6%, qua đó phát hiện được 139 người nhiễm HIV, giới thiệu vào điều trị thuốc kháng vi rút HIV 113 người. Trong 6 tháng đầu năm xét nghiệm phát hiện 62/6.802 trường hợp nhiễm HIV chiếm tỷ lệ 0,91%. Sát sao trong quá trình theo dõi, giám sát HIV/AIDS, giúp ngành Y tế đánh giá tình hình dịch tế, tình hình nhiễm HIV trong tỉnh, lập kế hoạch phong chống kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, chương trình chăm sóc điều trị và tiếp cận thuốc ARV triển khai tại 8 phòng khám ngoại trú và 26 điểm xã đã giúp 1.117 bệnh nhân được duy trì điều trị ARV, 100% trường hợp phơi nhiễm được điều trị kịp thời. Trong 6 tháng đầu năm, có 3.860 phụ nữ mang thai được tư vấn và làm xét nghiệm HIV, tăng 23,95% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó phát hiện 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nâng số phụ nữ mang thai nhiễm HIV lên 17 người. Đội ngũ cán bộ chuyên trách HIV/AIDS ở cơ sở đã thường xuyên xuống từng hộ gia đình để tư vấn cho người nhà và người nhiễm, giúp người có HIV/AIDS biết cách tự chăm sóc bản thân và phòng tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình và xã hội.
Theo đánh giá của ngành Y tế tỉnh, 6 tháng đầu năm 2019, tình hình dịch tễ HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã giảm ở cả 3 tiêu chí, giảm số mắc mới, giảm số chuyển AIDS và giảm tử vong do AIDS. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới có hơn 2.100 người nghiện ma túy tham gia điều trị bằng thuốc thay thế methadone (chiếm tỷ lệ 66,45% tổng số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh). Tiềm ẩn xu hướng gia tăng lây nhiễm HIV/AIDS ở nhóm có nguy cơ cao…
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong thời gian tới, ngành Y tỉnh tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chú trọng tại các xã biên giới, đối tượng trọng điểm… Kết hợp các hình thức truyền thông trực tiếp, trên các phương tiện thông tin đại chúng; vận động người dân thực hiện các quy định của pháp luật và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm, tổ chức các đợt tư vấn, xét nghiệm lưu động, để người dân trong cộng đồng có hành vi nguy cơ cao dễ tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm. Tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại, hỗ trợ và chăm sóc cho người nhiễm HIV/AIDS…