Lâm Đồng: Đấu tranh, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan mại dâm
Trước tình hình tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ giảm hại, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã đấu tranh, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật, tội phạm liên quan đến tệ nạn mại dâm.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn tỉnh tương đối phức tạp, số người bán dâm ước tính là 400 người, khoảng 800 tiếp viên nữ làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm (massage, karaoke, bar, cà phê chòi, nhà nghỉ), độ tuổi chủ yếu từ 21 đến 30 tuổi, đa số là người ngoài tỉnh) tập trung nhiều tại thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc và huyện Đức Trọng.
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Người bán dâm chủ yếu là một số tiếp viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ, sử dụng internet, mạng xã hội để hoạt động, chào mời, thỏa thuận việc mua bán dâm. Một số vụ việc có sự tham gia của đối tượng môi giới mại dâm, chứa mại dâm với vai trò là người trung gian trong việc giới thiệu gái bán dâm, thỏa thuận giá cả, thời gian, địa điểm hoạt động. Tình hình mại dâm công cộng đã giảm, còn khoảng 23 người bán dâm hoạt động lén lút tại khu vực bờ hồ Hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, chưa phát hiện mại dâm nam, mại dâm đồng giới, mại dâm tuổi vị thành niên, mại dâm có yếu tố nước ngoài.
Hàng năm, các ngành chức năng, các địa phương tăng cường tổ chức các đợt truy quét hoạt động mại dâm công cộng. Chủ động phát hiện những hành vi lan truyền văn hóa phẩm đồi trụy, lợi dụng mạng internet, facebook, zalo... để hoạt động mại dâm; lập danh sách và quản lý nghiệp vụ với các đối tượng, cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, dễ bị lợi dụng hoặc có nghi vấn hoạt động mại dâm để chủ động biện pháp phòng ngừa, đấu tranh; tăng cường công tác quản lý cư trú, công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở kinh doanh ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; thực hiện công tác điều tra, thống kê người bán dâm, người có nguy cơ cao trên địa bàn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm để đưa vào danh sách quản lý .
Thông qua công tác rà soát, đã đánh giá đúng thực trạng hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, Đội kiểm tra liên ngành 178 các cấp, các sở ngành có liên quan chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác phòng ngừa pháp luật trong công tác phòng, chống mại dâm.
Cụ thể, đội kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tổ chức kiểm tra 219 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính 41 cơ sở, số tiền: 245,75 triệu đồng; đình chỉ hoạt động 14 cơ sở, nhắc nhở, yêu cầu tất cả các cơ sở được kiểm tra hoàn thiện hồ sơ, khắc phục các điều kiện kinh doanh, cam kết không để xảy ra hoạt động mại dâm, chấp hành đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật đối với lĩnh vực kinh doanh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đội kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, cấp xã đã tổ chức kiểm tra 540 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm, phát hiện 82 cơ sở vi phạm, rút 01 giấy phép kinh doanh, cảnh cáo, nhắc nhở: 138 cơ sở, xử phạt hành chính 16 cơ sở, số tiền: 48 triệu đồng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức kiểm tra 1.372 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch; xử lý cảnh cáo, nhắc nhở 811 cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 130 cơ sở.
Về đấu tranh, triệt xóa các tụ điểm mại dâm, lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh xử lý 05 vụ việc liên quan đến hoạt động mại dâm với 18 đối tượng (7 bán dâm, 7 mua dâm và 3 môi giới mại dâm, 1 chứa mại dâm). Qua công tác điều tra, đã tiến hành khởi tố 3 bị can (2 môi giới mại dâm, 1 chứa mại dâm), xử lý hành chính 15 đối tượng (1 môi giới mại dâm, 7 bán dâm, 7 mua dâm). Trong 5 vụ việc đã phát hiện, đấu tranh xử lý đều là các vụ việc mang tính nhỏ lẻ, mức độ cấu kết giữa người môi giới và người bán dâm không chặt chẽ, chưa phát hiện có dấu hiệu cấu kết hình thành băng nhóm tổ chức, môi giới, bảo kê, chăn dắt gái mại dâm, hoạt động mại dâm cao cấp.