Lâm Đồng: Nỗ lực duy trì chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS

17/12/2021 15:48

Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Lâm Đồng năm 1993, đến nay, toàn tỉnh đã có 1.757 người nhiễm HIV tích lũy, 289 bệnh nhân AIDS và 599 người tử vong vì các bệnh liên quan đến HIV. Hiện tại có 869 bệnh nhân được quản lý tại địa phương. Trong năm 2021, ngành Y tế đã xét nghiệm phát hiện 36 trường hợp nhiễm HIV dương tính mới, đưa 80 trường hợp nhiễm HIV vào quản lý.

Kỹ thuật viên thực hiện các test tại Phòng xét nghiệm khẳng định HIV

Hiện tại, bệnh nhân HIV/AIDS đã phân bố khắp cả 12/12 huyện, thành phố trong tỉnh; chủ yếu tập trung ở thành phố Đà Lạt 575 ca, huyện Đức Trọng 325 ca, Lâm Hà 216 ca, thành phố Bảo Lộc 174 ca, Di Linh 142 ca và Bảo Lâm 111 ca. Trong năm 2021, hai địa phương có số người nhiễm HIV được đưa vào quản lý cao nhất là Đà Lạt 44 ca và Lâm Hà 11 ca.
 
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng, số ca nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh vẫn đang ở giai đoạn tập trung trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao; đặc biệt là trong nhóm tiêm chích ma túy chiếm 31,77%, quan hệ tình dục khác giới 12,57%. Bắt đầu xuất hiện ở các nhóm đối tượng khác như: Nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM chiếm 6,87%), nhóm phụ nữ có thai 7,23%. Tập trung ở độ tuổi trẻ từ 25 - 49 tuổi chiếm 73,5% và nhóm từ 15 - 24 tuổi chiếm 19,4%; trong đó, nam giới chiếm đa số 69,1% và nữ 30,9%.
 
Mặc dù 2 năm qua ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các hoạt động về dự phòng lây nhiễm HIV trong tỉnh vẫn tiếp tục duy trì như: Cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn; thông qua các cộng tác viên, y tế thôn bản; các điểm cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su cố định. Duy trì hoạt động nhóm giáo dục đồng đẳng tại thành phố Đà Lạt và huyện Đức Trọng với 9 đồng đẳng viên thực hiện các nhiệm vụ như: xét nghiệm HIV, kết nối bệnh nhân vào điều trị, cấp phát các vật dụng, phương tiện can thiệp giảm tác hại. Tiếp tục duy trì hoạt động điều trị Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 3 cơ sở cấp phát thuốc tại các Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, Lâm Hà và Bệnh viện Y học Cổ truyền Bảo Lộc với tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 294 bệnh nhân.
 
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh đã tổ chức tập huấn đào tạo nhân viên tiếp cận cộng đồng thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; in ấn 50.000 tờ rơi, 500 tờ áp phích truyền thông về HIV/AIDS, cấp phát 3.000 cái bơm kim tiêm, 2.600 cái bao cao su cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh làm phóng sự, thông điệp tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập huấn tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc.
 
Hoạt động về xét nghiệm và giám sát HIV được triển khai thường xuyên và giám sát ca bệnh theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Ưu tiên xét nghiệm sàng lọc HIV trên nhóm đối tượng phụ nữ mang thai và nhóm người có hành vi nguy cơ cao. Tổng số mẫu xét nghiệm HIV thực hiện trên tất cả các đối tượng là 32.621 mẫu, phát hiện 128 mẫu dương tính; trong đó, xét nghiệm cho phụ nữ mang thai 19.313 mẫu, phát hiện 7 mẫu dương tính.
 
Chương trình phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đảm bảo không để thiếu sinh phẩm xét nghiệm, các vật tư y tế để can thiệp giảm tác hại từ HIV/AIDS. Duy trì hoạt động xét nghiệm HIV tại các phòng khám, tư vấn HIV và Labo xét nghiệm khẳng định HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.
 
Hoạt động về điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tiếp tục triển khai 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa II Bảo Lộc và Trung tâm Y tế Đức Trọng. Tổng số bệnh nhân hiện đang được điều trị thuốc kháng HIV là 820 bệnh nhân; trong đó, có 17 trẻ em và 172 người ở các tỉnh khác tới Lâm Đồng. Có 797/820 bệnh nhân được khám và điều trị bệnh qua thanh toán bảo hiểm y tế, đạt 97,2%.
 
Tiếp tục duy trì hoạt động dự phòng và điều trị HIV từ mẹ sang con, với 25 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con; trong đó, 21 thai phụ đã được điều trị trước đó; phát hiện 4 bà mẹ nhiễm HIV lúc chuyển dạ đẻ. Có 25 trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Chương trình đã tổ chức trao 17 chiếc xe đạp cho trẻ em nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh do Cục Phòng, chống HIV/AIDS và nhà tài trợ trao tặng.
 
Triển khai hướng dẫn người nhiễm HIV nhận thuốc ARV trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Trung ương và thanh toán hỗ trợ cùng chi trả thuốc ARV trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV theo từng quý. Tập huấn về điều trị trước phơi nhiễm và điều trị ARV cho cán bộ các phòng khám chuyên khoa HIV và cán bộ chuyên trách tại các tuyến.
 
Năm 2021, kinh phí địa phương cấp cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh hơn 3,7 tỷ đồng; trong đó, cắt giảm 50% kinh phí cho phòng, chống dịch là 1,3 tỷ đồng. Chương trình được sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho việc duy trì các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên toàn tỉnh và được tài trợ kinh phí của dự án AHF cho hoạt động xét nghiệm, điều trị HIV/AIDS và dự án về tăng cường năng lực phòng, chống HIV/AIDS.

An Nhiên

Top