Làm lại cuộc đời sau 20 năm trượt dài trong ma túy

15/09/2015 14:50

“Liệu tôi có tồn tại được cho đến bây giờ nếu không có vợ con bên cạnh suốt 20 năm tôi chìm trong ma túy? Từ bỏ “nàng tiên nâu”, tôi như tái sinh lần thứ hai. Gia đình, người thân, những người tốt tôi gặp - tôi biết ơn họ suốt cuộc đời này ”.

Anh Lâm bồi hồi nhớ lại 20 năm "chìm" trong ma túy

Anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1959) sinh ra tại Hải Phòng trong một gia đình có 8 anh chị em. Hoàn ảnh khó khăn nên anh phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ. Vốn thông minh, nhanh nhẹn, anh bén duyên với nghề sử chữa xe máy và đến Chiêm Hóa - Tuyên Quang lập nghiệp. Kiếm tiền dễ dàng, lại là người ham vui, chơi hết mình với bè bạn nên anh sa chân vào ma túy lúc nào không biết.

Cuối năm 1988, anh Lâm kết hôn với chị Nguyễn Hoàng Yến khi đang là người sử dụng thuốc phiện được 3 năm. Thời điểm đó, làng trên xóm dưới thấy anh chị đến với nhau, ai cũng hồ hởi, vui thay cho cặp vợ chồng trẻ.

Hạnh phúc chưa được tày gang thì anh bị công an phát hiện trong một lần sử dụng thuốc phiện và đưa về gia đình trình báo. Câu nói từ người công an khiến chị Yến sửng sốt như sét đánh ngang tai. Chị không dám tin vào điều vừa nghe được nhưng chị lại nhận được cái gật đầu thú nhận từ anh.

Năm 1995, tự ý thức được tình trạng của mình ngày nặng hơn, anh Lâm quyết định rời Tuyên Quang về thành phố Hải Phòng nhằm tránh xa lũ bạn xấu. Vốn là người đàn ông quyết đoán, mặc dù vợ ngăn cản nhưng anh vẫn bán căn nhà ở Tuyên Quang, về Hải Phòng gửi ngân hàng để lấy lãi lập nghiệp. Nhưng cũng chính từ đây, cơ đồ của gia đình anh lại sụp đổ. Bởi vì con “ma” không thoát khỏi anh dễ dàng như thế. Mỗi khi thèm thuốc, anh lại lén lút, viện cớ “vợ ốm, con đau” để rút tiền lãi. Đến ngày chị Yến khấp khởi đi nhận tiền mới tá hỏa ra ông chồng “giời ơi đất hỡi” đã rút hết từ bao giờ. Không có tiền, chị về đến nhà chỉ biết ngồi khóc. Anh cũng khóc vì thương vợ.

Chị Yến là người đã ở bên anh Lâm trong quãng thời gian khó khăn nhất

Thương vợ là thế, nhưng ma túy có lúc chế ngự, làm anh hành động mù quáng. Không biết bao nhiêu lần anh trộm tiền của vợ. Nhưng đau đớn nhất với anh vẫn là một lần vào mùa đông lạnh buốt. Lần đó, đợi chị ngủ say sau khi đi bán hàng đêm về, anh hơ tay trên lửa cho ấm rồi tìm tiền chị cất trong lần áo. Vừa đưa tờ tiền ra ánh sáng để kiểm tra, anh sửng sốt vì chỉ có mười nghìn đồng. Lúc đấy anh bực mình nhưng lại đau đớn nhiều hơn, bởi “mình là người đàn ông mà vợ ghê sợ đến mức phải cảnh giác cao độ, mười nghìn đồng vẫn phải cất kín trong lần áo”.

Chị Yến kể, nhiều lần tưởng chừng như rơi vào sự cùng cực nhất của cuộc đời, chị nghĩ đến chuyện chia tay anh. Bởi  “Ở với ông không có tình cảm, không có trách nhiệm nuôi con. Tôi không còn hi vọng gì về cuộc đời tôi và con tôi”, chị Yến nhớ lại. Nói vậy, nhưng chị chỉ viết đơn để răn đe anh chứ chưa một lần gửi đơn ra tòa.

Năm 1996, anh Lâm đi cai nghiện lần đầu tiên theo lời chỉ dẫn của người em. Thời điểm đó, một tuần anh phải bỏ ra 7 triệu đồng để điều trị cai nghiện. Nhưng bấy giờ phương pháp cai nghiện không rõ ràng, mỗi nơi mỗi khác, không đem lại hiệu quả nên anh vẫn tái nghiện nhiều lần. Anh Lâm không nhớ rõ có tất cả bao nhiêu lần anh đi về rồi lại tái nghiện. Chỉ biết tiền của trong nhà cứ thế ra đi.

Nhiều lần anh giật mình hổ thẹn khi về đến xóm, lũ trẻ con nhìn thấy chạy toán loạn, chúng bảo nhau “thằng nghiện lại về đấy bọn mày ạ”; hay khi con gái anh đi học về bảo bố: “Cô giáo hỏi con là bố làm nghề gì, con phải trả lời như thế nào?”. Dù nhiều nỗi cơ cực, điều tiếng nhưng vợ và con vẫn động viên anh tiếp tục đi cai sau mỗi lần thất bại.

Ngày 23/8/2006, anh Lâm vào Trung tâm Giáo dục Lao động Xã hội Hải Phòng (hay còn gọi là Trung tâm Gia Minh), khi này anh chỉ còn 33 kg (hiện tại anh Lâm nặng 57 kg). Và cuộc chiến thực sự bây giờ mới bắt đầu với anh. Những ngày đầu cắt cơn như một cơn ác mộng, sức khỏe anh yếu đến mức tồi tệ, đứng xếp hàng ăn cơm mà tưởng chừng như cơ thể đổ xuống lúc nào cũng được. Hết 7 ngày cắt cơn, anh cảm thấy khá hơn, được lao động cùng các học viên trong trung tâm trở thành niềm vui đối với anh.

Một năm có 4 lần chị và con được vào thăm anh. Anh tâm sự, đau lòng nhất là khi một người đàn ông - lẽ ra là trụ cột của gia đình, phải đứng xếp hàng, tay đặt lên ngực, cúi chào người thân trước khi họ ra về.

Kết thúc một năm tại Trung tâm Gia Minh, anh Lâm được hồi gia. Ngày trở về, anh hiểu rằng từ đây, mình cần cố gắng thật nhiều để bù đắp cho vợ con. Con gái anh Lâm - Nguyễn Thị Yên - tâm sự: “ba mẹ con đặt trọn niềm tin vào bố từ ngày đón bố trở về. Bây giờ, bố không chỉ từ bỏ được ma túy, bố còn bỏ được thuốc lá, rượu bia. Cuộc sống hiện tại không khá giả hơn, nhưng bố chiến thắng được chính bản thân là niềm hạnh phúc lớn nhất rồi”.

Được sự hỗ trợ của Câu lạc bộ Kết nối Thành công, anh Lâm mở cửa hàng sửa chữa xe máy tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lạch Tray - Hải Phòng. Với tay nghề cứng, lại vui tính, cẩn thận, cửa hàng của anh ngày nào cũng đông khách.

Cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Lâm luôn đông khách

Chị Nguyễn Thị Là (bán nước cạnh cửa hàng anh Lâm) cho biết: “Ông Lâm rất vui vẻ, hòa đồng, cả dãy phố này ai cũng quý. Quá khứ thì cũng qua rồi. Bây giờ không ai nhắc lại làm gì nữa”.

Buổi tối đóng cửa tiệm sữa chữa, anh lại phụ giúp vợ chuẩn bị hàng để chị bán đồ ăn đêm. Vẫn còn nhiều vất vả về kinh tế, nhưng nhìn hai cô con gái học hành giỏi giang, ngoan ngoãn, anh lại nhẹ cười: “Dù sao mình đã biết sửa sai, chỉ mong con cái nên người”.

Anh Lâm bây giờ là chủ nhiệm của CLB Kết nối Thành công với hơn 30 thành viên đã từ bỏ hoàn toàn với ma túy.

Chia sẻ kinh nghiệm cai nghiện ma túy, anh Lâm cho biết: “Từ chính bản thân tôi nghiệm ra, tình cảm là thứ vô cùng quan trọng giúp người sử dụng ma túy cai nghiện thành công. Ngoài gia đình, còn là sự động viên chia sẻ từ xã hội. Đó là một phần động lực giúp chúng tôi có thêm sức mạnh vượt qua rào cản giới hạn của bản thân để tái hòa nhập cộng đồng. Tôi tin rằng, không gì khác, mà chính là tình cảm từ gia đình, xã hội sẽ giúp đỡ được nhiều người như tôi đã từng phạm lỗi, để họ đừng trượt dài trong ma túy nữa”.

Top