Lào bắt giữ hơn 6 nghìn đối tượng phạm tội ma túy
(Chinhphu.vn) - Trong một năm ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy giữa Việt Nam - Lào, lực lượng chức năng Lào đã phá 4.824 vụ án ma túy, bắt 6.215 bị can, trong đó người nước ngoài phạm tội là 161 người.
Ngày 9/8/2021, tại thủ đô Vientiane (Lào), Bộ Công an hai nước đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy nhằm phối hợp đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma tuý, đặc biệt là trên tuyến biên giới Việt - Lào.
Trung tướng Khamking Phuilamanyvong, Thứ trưởng Bộ Công an Lào cho biết, Bộ Công an Lào đã vận dụng kế hoạch triển khai chương trình quốc gia về giải quyết vấn đề ma túy để phối hợp với lực lượng công an Việt Nam xác định kế hoạch triển khai chung.
Đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ chiến sỹ và nhân dân tuyến biên biên giới có ý thức tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán của mỗi nước, thực hiện hiệp ước về quy định quản lý biên giới nhằm bảo vệ an ninh, trật tự theo tuyến biên giới. Phối hợp tạo điều kiện cho nhau trong công tác truy nã đối tượng phạm pháp. Ngoài ra cả hai lực lượng nghiệp vụ còn cùng nhau khảo sát tuyến vận chuyển ma túy từ tam giác vàng qua các tuyến tỉnh Bắc.
Trong 1 năm qua, lực lượng chức năng Lào đã phá 4.824 vụ án ma túy, bắt 6.215 bị can, trong đó người nước ngoài phạm tội là 161 người.
Qua đó, thu giữ gần 196 triệu viên ma túy (trọng lượng hơn 19,6 tấn), hơn 166 kg heroin, gần 3,5 tấn kg ma túy đá, 234 kg thuốc phiện, 8,3 tấn cần sa, 168 kg cafein, cùng các loại ma túy khác như cocaine, ketamine, dung dịch hóa chất...
Công an Lào cũng thu giữ nhiều tang vật, trong đó có 53 khẩu súng, 805 viên đạn…
Theo cơ quan chức năng hai nước, do đặc điểm địa lý, trong thời gian qua tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào tiếp tục diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí tấn công lực lượng chức năng.
Để hình thành đường dây tội phạm, các đối tượng chủ mưu cầm đầu trong nước móc nối với các đối tượng ở nước ngoài, tập kết ma túy tại các địa bàn biên giới hai nước sau đó thuê người chuyển khoản tiền và vận chuyển ma túy từ các khu vực này vào nội địa để tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba.
Quá trình vận chuyển ma túy qua biên giới, các đối tượng sẽ tổ chức hoạt động thành nhóm khép kín, có quy tắc, quy định riêng, phân công vai trò của từng thành viên và trang bị vú khí nóng (AK, súng bắn tỉa, lựu đạn) sẵn sàng chống lại lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.
Các đối tượng sau khi lấy được ma túy từ điểm tập kết sẽ đi bộ qua đường rừng, đường tiểu ngạch hoặc những nơi hiểm trở, hạn chế tối đa việc vận chuyển bằng phương tiện cơ giới, cho người đi dò đường trước, nếu phát hiện nghi vấn sẽ dừng lại tính toán chuyển hướng vận chuyển.
Khi thực hiện giao dịch, các đối tượng sử dụng tiếng lóng, hoặc tiếng dân tộc, hạn chế liên lạc qua sim điện thoại mà sử dụng zalo, mạng xã hội để trao đổi. Chúng cất giấu ma túy, ngụy trang trong các thùng đựng nông sản như măng khô, gạo…để vận chuyển nhằm tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng.
Trong các đường dây vận chuyển, các đối tượng người Lào rất ít khi ra mặt trực tiếp mà chủ yếu thuê người vận chuyển đến các điểm tập kết tại khu vực biên giới, do đó gây khó khăn cho công tác đấu tranh chuyên án và điều tra mở rộng vụ án.
Hoàng Giang