Lào Cai khánh thành cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa
Ngày 30/10, UBND tỉnh Lào Cai đã khánh thành, đưa cơ sở điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone với mô hình xã hội hóa vào hoạt động.
Điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Ảnh internet |
Cơ sở điều trị Methadone xã hội hóa tại Lào Cai được Tổ chức kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ thông qua Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ toàn bộ thuốc Methadone, Tổ chức sức khỏe gia đình quốc tế hỗ trợ về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân viên điều trị.
Được đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích 2.000m2 của Bệnh viện Nội tiết cũ, cơ sở điều trị gồm 3 phòng chức năng: Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Y tế điều trị và Phòng Tư vấn việc làm. Công suất
Ước tính có 40% số người nghiện chích ma túy có HIV dương tính có thể điều trị tại cơ sở này. Như vậy, công suất điều trị của cơ sở là khoảng 300 người/năm.
Với hình thức xã hội hóa, người bệnh tự nguyện tham gia điều trị Methadone đóng góp 7.000 đồng/ngày. Đây là cơ sở điều trị cai nghiện bằng thuốc Methadone theo hình thức xã hội hóa đầu tiên của tỉnh Lào Cai và thứ hai của cả nước đi vào hoạt động.
Cơ sở điều trị được thành lập nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho những người nghiện các chất ma túy; qua đó góp phần làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan trong nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện và từ nhóm người nghiện các chất dạng thuốc phiện ra cộng đồng...
Với nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ cho các chương trình HIV đang giảm dần, Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp mới để có kinh phí cho các hoạt động dự phòng quan trọng. Mô hình điều trị trong đó sở y tế các địa phương, USAID trong khuôn khổ Kế hoạch Hỗ trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR), và bệnh nhân cùng chia sẻ chi phí sẽ tạo ra một hướng đi mới bền vững và dựa vào cộng đồng cho các dịch vụ điều trị lạm dụng ma túy.