Liên ngành ‘vào cuộc’ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

04/02/2022 08:09

(Chinhphu.vn) - Sau hơn 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành, Quảng Ninh là một trong hai địa phương trong cả nước “đi đầu” và thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.

Liên ngành ‘vào cuộc’ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán - Ảnh 1.

Đại diện các Sở, ngành, đơn vị của Quảng Ninh bàn giao cháu bé Master Nadol Meethai cho Đại diện Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam. Ảnh: Như Ngọc

Nhiều khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người

Quảng Ninh là một trong những địa phương có diện tích lớn (6.102,3km2 ), được ví như "một Việt Nam thu nhỏ" khi có điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồi, núi, sông, suối; có đường biên giới trên biển và trên bộ với nhiều cửa khẩu, đường mòn, lối mở; hệ thống giao thông phát triển cả đường bộ, đường biển và hàng không...

Chính vì thế, các nhóm tội phạm mua bán người nói riêng đã lợi dụng đặc điểm về vị trí địa lý và điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh làm nơi trung chuyển, lừa gạt đưa lao động và phụ nữ, trẻ em bán sang Trung Quốc. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như mạng xã hội như Zalo, Facebook, Wechat..., tội phạm mua bán người đã tiếp cận với những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết để dụ dỗ, hứa hẹn đưa họ ra nước ngoài lao động với thu nhập cao hoặc kết hôn với người giàu để lừa bán họ.

Ngoài ra, tình trạng tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại gần đây có xu hướng gia tăng, các đối tượng phạm tội trong và ngoài nước câu kết thành nhóm, đường dây tìm kiếm phụ nữ đủ điều kiện mang thai, tổ chức đưa ra nước ngoài cấy phôi thai sau đó đưa về Việt Nam chăm sóc và dưỡng thai cho đến khi họ sinh con hoặc chuẩn bị sinh thì chúng đưa đến Quảng Ninh rồi chuyển ra nước ngoài sinh con hoặc đưa trẻ sơ sinh qua biên giới bàn giao cho người thuê mang thai hộ.

Mặt khác, hàng năm, một số lượng lớn người lao động từ các tỉnh nội địa sang Trung Quốc tìm kiếm việc làm nhưng không thực hiện các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý của các lực lượng chức năng. Đặc biệt, trong năm 2020 và 2021, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên các cơ quan, đơn vị nhiều khi bị động, lúng túng trong khâu tiếp nhận và cách ly tập trung người trở về với những người nghi là nạn nhân bị mua bán.

Bên cạnh đó, quá trình xác định tội phạm mua bán người rất khó khăn cả trong và ngoài nước. Việc xác minh nạn nhân bị mua bán đến nay mới chỉ căn cứ vào một yếu tố duy nhất đó là lời khai của nạn nhân, đồng thời, phần lớn nạn nhân cư trú chủ yếu tại các tỉnh, thành phía trong nội địa nên khó khăn cho công tác xác minh. Các nhóm tội phạm thường dùng các thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt… làm cho nạn nhân không nhận thức được mình bị lừa bán, không biết mình là nạn nhân nên đã không tố giác, khai báo, thậm chí, các đối tượng còn "mớm lời" cho nạn nhân để đối phó với các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, bắt giữ.

Sự "vào cuộc" phối hợp của liên ngành

Một dấu mốc quan trọng là vào tháng 3/2018, tại cuộc họp Sơ kết công tác chỉ đạo điểm thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn I (2016-2018), Sở LĐTB&XH Quảng Ninh chủ động đề xuất với Công an tỉnh, BĐBP tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Sau đó, ngày 14/6/2019, Liên ngành LĐTB&XH - Công an tỉnh - BĐBP tỉnh đã ký kết nội dung Chương trình phối hợp số 1330/LN-LĐTBXH-CA-BCHBĐBP. Chương trình được thực hiện ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã)

Để bảo mật thông tin cho nạn nhân, mỗi cơ quan cử 01 cán bộ đầu mối, cung cấp số điện thoại để liên hệ khi tiếp nhận, xác minh, xác định nạn nhân. Trong quá trình phối hợp, nạn nhân được đặt làm trung tâm, ưu tiên hàng đầu. Việc chuyển tuyến nạn nhân được thực hiện 24/24 giờ, kể cả ngày nghỉ cuối tuần hay các ngày lễ, tết. Hồ sơ thông tin cơ bản của mỗi nạn nhân được gửi kèm khi chuyển tuyến. Những thông tin trao đổi, tham mưu được thực hiện đồng thời cùng văn bản và hoạt động thực tiễn giữa các ngành.

Qua hơn 2 năm thực hiện, từ 15/6/2019 đến 15/10/2021, ngành LĐTB&XH đã phối hợp với lực lượng Công an, BĐBP tiếp nhận 49 nạn nhân bị mua bán (trong đó có 5 trẻ em sơ sinh), 100% là người tỉnh ngoài.

Điển hình, khoảng 8h10’ ngày 18/3/2021, tại thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu, lực lượng BĐBP bắt giữ 3 đối tượng có hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Qua đấu tranh đã giải cứu thành công cháu bé Trần Bảo N., sinh năm 2021 (con của chị Trần Thị T, thường trú ở Thái Bình) đồng thời, thu giữ khoảng 50gr bột màu trắng (nghi heroin) và 70 viên nén màu hồng (nghi hồng phiến) trong hành lý của đối tượng.

Ngay sau đó, Phòng LĐTB&XH huyện Bình Liêu đã tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo quy định; phối hợp BĐBP tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an tỉnh Quảng Ninh củng cố tài liệu, chứng cứ, khởi tố vụ án hình sự về tội mua bán người dưới 16 tuổi và tội tàng trữ ma túy trái phép.

Một trường hợp khác là nạn nhân người nước ngoài bị mua bán trên lãnh thổ Việt Nam, đó là cháu bé Master Nadol Meethai, quốc tịch Thái Lan. Chiều 22/6/2021, nhận được công hàm của Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo liên ngành phối hợp làm thủ tục trao trả theo quy định.

Sáng 23/6, tại cuộc họp liên ngành, sau khi rà soát, xem xét, phân tích, đánh giá toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc, đối chiếu với quy định pháp luật và căn cứ tình hình thực tế, các sở, ngành, đơn vị đều thống nhất hỗ trợ tạo điều kiện tốt nhất để Đại sứ quán Thái Lan tiếp nhận, làm thủ tục cho cháu bé hồi hương.

Ngày 23/6, tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, các Sở, ngành LĐTB&XH, Ngoại vụ và Công an tỉnh đã bàn giao cháu bé cùng toàn bộ giấy tờ tùy thân cho đại diện Đại sứ quán Thái Lan và hỗ trợ làm các thủ tục xuất cảnh cho cháu bé.

Bà Lê Thị Thanh Huệ, cán bộ Sở LĐTB&XH chia sẻ, trước khi có Chương trình phối hợp liên ngành thì mỗi ngành báo cáo số liệu theo thống kê của ngành mình dẫn đến tình trạng số liệu tổng hợp chưa cập nhật đầy đủ, thiếu chính xác và kịp thời; việc trao đổi, cập nhật thông tin về hỗ trợ nạn nhân chưa đảm bảo thống nhất, mỗi ngành hỗ trợ nạn nhân theo một cách riêng, tùy theo nguồn lực của mình...

Từ khi có Chương trình phối hợp liên ngành, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn đã đem lại hiệu quả rõ rệt, huy động được các cơ quan, đơn vị tham gia, vào cuộc đồng bộ; tăng cường hệ thống dịch vụ hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán trở về; thông tin giữa các ngành được thông báo kịp thời cho nhau, nạn nhân được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách quy định...

Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn trong quá trình thực thi như cán bộ đầu mối thường tiếp nhận những cuộc gọi trao đổi thông tin vào 21 giờ, 22 giờ đêm, kể cả ngày nghỉ để tiếp nhận, xác minh nạn nhân; những bữa cơm bụi, bát mỳ tôm, chiếc bánh mỳ ăn vội của các cán bộ đầu mối ở trong cơ sở bảo trợ xã hội, bệnh viện, đồn biên phòng cùng sát cánh với nạn nhân; những cuộc họp, hội ý thảo luận để giải quyết một vụ việc có khi kéo dài đến 6-8 tiếng đồng hồ... Tất cả đều xuất phát từ trách nhiệm và cái "tâm" của người cán bộ.

Về hợp tác quốc tế, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland về hợp tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh, Sở LĐTB&XH đã phối hợp với Công an tỉnh, BĐBP tỉnh triển khai các hoạt động trong khuôn khổ dự án "Đấu tranh chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại tỉnh Quảng Ninh" do tổ chức World Vision International tại Việt Nam tài trợ từ tháng 4/2020 đến tháng 8/2021.

Kết thúc Dự án, Sở LĐTB&XH tổ chức kết nối, tổng kết hoạt động chia sẻ giá trị cộng đồng đối với người di cư trở về. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với những người đã từng di cư hoặc bị mua bán ra nước ngoài có cơ hội bộc bạch cảm xúc riêng tư của mình, họ tự trải lòng cho những người tin tưởng đã giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống. Từ những câu chuyện có thực đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, giúp mọi người nhận thức về khó khăn, rào cản khi di cư trái phép hoặc bị mua bán ra nước ngoài, góp phần giảm thiểu tình trạng mua bán người trong quá trình di cư.

Ngày 18/11/2021, Liên ngành LĐTB&XH - Công an tỉnh - BĐBP tỉnh tiếp tục ký kết Chương trình phối hợp số 4018/LN-LĐTBXH-CA-BCHBĐBP trong tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ và bàn giao, trao trả nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với kết quả và những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, công tác phối hợp liên ngành trong tiếp nhận, xác minh, xác định và hỗ trợ nạn nhân của Quảng Ninh là "điểm sáng" cần nghiên cứu, nhân rộng trong giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo.

Như Ngọc

Top