Vào đầu thập niên 1990, đại dịch HIV/AIDS đã gây nên nỗi khiếp đảm trong cộng đồng dân cư toàn thế giới không kém gì đại dịch Covid-19 hiện tại.
Trên phương diện dịch tễ học, AIDS còn được gọi là bệnh liệt kháng (tê liệt khả năng đề kháng), là một dạng bệnh tấn công vào hệ miễn dịch, gây ra do bị nhiễm virus suy giảm miễn dịch ở người (virus HIV).
Virus HIV được lây truyền qua ba con đường: Tình dục, đường máu và mẹ truyền sang con. Giai đoạn đầu, người bệnh AIDS thường có triệu chứng giống bệnh cúm. Giai đoạn ủ bệnh có thể rất dài.
Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn AIDS, người bệnh thường chết do nhiễm trùng cơ hội hoặc do các bệnh ác tính liên quan đến sự giảm sút của hệ thống miễn dịch.
Các trường hợp nhiễm HIV/AIDS đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào năm 1981. Sang thập niên 1990 thì AIDS trở thành một dịch bệnh toàn cầu, gây ra những hậu quả nặng về về kinh tế xã hội ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Cho đến nay, sau 40 năm, "căn bệnh thế kỷ" này đã lây nhiễm cho 75 triệu người, khoảng 32 triệu người đã chết và vẫn tiếp tục lây nhiễm, chưa có cách ngăn chặn triệt để.
Mặc dù chưa có phương pháp chữa bệnh AIDS, nhưng các loại thuốc điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) có thể kiểm soát HIV và làm chậm tiến trình của nó một cách đáng kể, giúp người bệnh sống lâu hơn. Cụ thể, bệnh nhân AIDS có thể kéo dài tuổi thọ của mình thêm 8-12 năm, thậm chí lâu hơn nếu uống đều đặn và đủ liều. So với một số chứng bệnh ung thư phổ biến, người bị AIDS có tỷ lệ tử vong thấp hơn và sống lâu hơn.
Trình độ dân trí, ý thức phòng ngừa bệnh tật cũng được nâng cao là một phần lý do đáng kể giảm ca lây nhiễm của căn bệnh có cơ chế lây truyền rõ ràng này vào thời điểm hiện tại.
Nếu vào thập niên 1990, người mắc AIDS coi như đã lĩnh án tử hình, bị người đời xa lánh, thì giờ đây AIDS chỉ còn được nhìn nhận như một bệnh nan y, và đa phần người bệnh có thể sống một cuộc sống bình thường trong xã hội.