Lợi dụng ‘danh mục’ để lách những chất ma túy mới
(Chinhphu.vn) - Trong khi các địa phương tăng cường truy quét những vụ án ma túy thì đầu tháng 7/2021, Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan có thông báo đến Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Cục thông tin về hình ảnh của 8 chất “ma túy mới” để các đơn vị biết, lưu ý trong quá trình thực hiện các biện pháp kiểm soát ma túy theo quy định.
* Tập trung truy quét các băng nhóm tội phạm ma túy có tổ chức, giáp ranh biên giới
Tội phạm ma túy “sáng chế” những loại ma túy mới không nằm trong danh mục để lách luật
8 chất ma túy mới lần đầu phát hiện ở nước ta bao gồm: 1cP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA.
Theo Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, thì 8 chất này có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP và Nghị định 60/2020/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất do Chính phủ ban hành. Bọn tội phạm đã lợi dụng để vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép… gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống ma túy.
Trước đó, qua kênh hợp tác quốc tế do Cục Điều tra chống buôn lậu tiếp nhận, Hải quan Nhật Bản đã bắt giữ một số hàng hóa khai báo là thuốc lá qua tuyến đường chuyển phát nhanh Việt Nam - Nhật Bản có chứa chất MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA.
Viện Khoa học hình sự thông tin trên báo chí, tội phạm ma túy đã lợi dụng thành tựu của công nghệ hóa học, dược học để phạm tội và che giấu hành vi phạm tội. Số lượng chất ma túy hiện nay được quản lý tăng lên gấp hơn hai lần so với trước (có 543 chất ma tuý và 57 tiền chất). Thủ đoạn của các đối tượng là khi một chất bị phát hiện và đưa vào Danh mục thì chúng lại sử dụng một chất hoàn toàn mới để lách luật (năm 2020, đã bắt được vụ việc sử dụng chất MDMB-4en-PINACA).
Thực tế, có một số vụ việc khi bị bắt, các đối tượng khai nhận, cũng đã nghiên cứu kỹ danh mục chất ma túy của Việt Nam và khó xử lý được đối tượng với các mẫu vật thu được. Bọn tội phạm dùng dẫn xuất của một chất ma túy phối trộn tạo ra viên nén để sử dụng, sau khi uống viên nén này vào cơ thể người sẽ chuyển hóa, giải phóng ra chất ma túy.
Hay như nhiều đối tượng hòa tan chất hướng thần vào các chai, lọ đựng dung dịch thuốc lá điện tử (giữ nguyên chai, lọ đựng; màu sắc, mùi vị của dung dịch) và dùng dụng cụ hút thuốc lá điện tử để sử dụng trái phép; phun, tẩm chất hướng thần vào sợi thuốc lào (loại thuốc lào sẵn có trên thị trường) để sử dụng…
Theo số liệu của cơ quan phòng chống tội phạm và ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC), cứ khoảng 1 tuần đến 10 ngày trên thế giới lại phát hiện thêm một chất hướng thần mới. Xu hướng xuất hiện những loại ma túy mới trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng rất phức tạp, gây khó khăn cho công tác giám định và đấu tranh với loại tội phạm này.
Một trong các loại chất đang được nhiều đối tượng sử dụng nhất hiện nay là “bóng cười”, nhưng chưa có chế tài xử lý tội danh liên quan ma túy. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin. Trong trường hợp cười do hít “bóng cười”, việc cười quá mức, liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu ôxy.
Việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.
Hay như “Nước biển” hay “GHB”, “Vitamin G” là cách gọi của “dân chơi” dùng cho chất Gamma Hydroxy Acid Butyrat, có dạng dung dịch lỏng không mùi, vị hơi mặn. Sử dụng “nước biển” thường khiến con người cảm thấy hưng phấn, xuất hiện ảo giác, kích thích hoạt động (nhất là ở nơi có âm thanh mạnh như vũ trường, quán bar, karaoke...).
Lợi dụng danh mục ma túy để “lách luật”
Trung bình cứ sau 2 - 3 năm, Nghị định quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất lại sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất được ban hành. Tuy nhiên, tội phạm ma túy đã kịp “sáng chế” những loại ma túy mới không nằm trong danh mục để lách luật.
Vào năm 2015 - 2016, cảnh sát phát hiện nhiều vụ nhập lậu hàng tấn lá khát về Hải Phòng. Trước đó, giới “dân chơi” cả nước đã biết đây là loại lá được mệnh danh là lá “thiên đường” với mức độ “phê” cực cao. Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an xác định lá khát có chứa chất cathinone - một chất kích thích có mức độ nguy hiểm hơn ma túy “đá” gấp nhiều lần, độc hại hơn các loại ma túy thông thường gấp 500 lần. Tuy vậy, tới năm 2018, với Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, lá khát mới được xác định là chất ma túy, được bổ sung vào danh mục bị cấm.
Năm 2020, tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều chất ma túy, chất hướng thần mới chưa có trong danh mục các chất ma túy và tiền chất được áp dụng thời điểm đó, như loại “nấm thức thần” có chất Acetylpsilocine, hay những loại viên nén ma tuý. Sau khi phát hiện, tới tháng 5/2020, Acetylpsilocine mới được bổ sung vào danh mục chất ma túy tại Việt Nam.
Để xử lý vấn đề này, trả lời trên báo chí, Thượng tá - Tiến sĩ Đặng Văn Đoàn - Viện phó Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an cho rằng, cần phải kết hợp nhiều biện pháp. Đầu tiên phải kiểm soát thật tốt nguồn cung ma túy ngay từ cửa khẩu, từ biên giới. Ngoài ra, ngay từ trong nội địa cần phải kiểm soát chặt chẽ các hóa chất, tiền chất cũng như các loại tân dược, thuốc thú y có liên quan tội phạm ma túy.
Đối với công tác giám định cần bổ sung các chất chuẩn ma túy, đây là cơ sở then chốt để giải quyết các vụ án về ma túy. Hiện danh mục ma túy cần kiểm soát tại nước ta đã có 543 chất, đối với các chất mới chưa có trong danh mục cần sớm bổ sung vào danh mục chất ma túy cần kiểm soát.
Riêng với “bóng cười”, năm 2020, Hà Nội đã có kiến nghị với Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo 389 Quốc gia báo cáo Chính phủ sớm hoàn thiện các quy định pháp luật để từ đó kiểm soát tốt mặt hàng này, tránh những hiện tượng tiêu cực cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân.