Long An: Đẩy mạnh các can thiệp đặc biệt cho đối tượng đích
Năm 2021, địa phương chú trọng những vấn đề ưu tiên can thiệp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong đó đẩy mạnh các hoạt động can thiệp đặc biệt cho đối tượng đích là cộng đồng nam quan hệ đồng tính (MSM) do nguy cơ nhiễm HIV rất cao.
PrEP là chương trình hiệu quả cao trong phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS
Cụ thể, Long An sẽ đẩy mạnh các can thiệp đặc biệt như giảm tác hại, điều trị PrEP, tiếp cận dịch vụ HIV/AIDS, cải thiện và mở rộng các mô hình xét nghiệm mới hiệu quả để cộng đồng chủ động tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện.
Ngày 20/01, Ban Quản lý Tiểu dự án tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (Dự án EPIC) - Sở Y tế Long An tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021. Đại diện Văn phòng CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và lãnh đạo Sở Y tế dự hội nghị.
Theo số liệu thống kê, tính đến ngày 31/12/2020 tổng số người nhiễm HIV tại Long An là 4.679 người, tử vong 1.522 người (chiếm 32,5%), số bệnh nhân còn sống đang quản lý ở cộng đồng là 2.826 người (trong tỉnh là 2.414 người và ngoài tỉnh là 412 người).
Kết quả triển khai mục tiêu 90-90-95, từ 01/10/2019 – 30/9/2020 tại Long An cho thấy, chỉ tiêu 90% số người nhiễm HIV biết tình trạng HIV đạt 88,3%; chỉ tiêu 90% số người nhiễm HIV được điều trị ARV đạt 84,7% và chỉ tiêu 95% số người điều trị ARV đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (<1.000 bản sao/ml máu) đạt 98%.
Nhận định tình hình dịch HIV/AIDS tại Long An, số trường hợp nhiễm HIV mới tăng lại từ năm 2018 do áp dụng phương pháp tiếp cận và nhiều mô hình xét nghiệm mới; xu hướng lây nhiễm do hành vi tiêm chích giảm và qua quan hệ tình dục tăng rất rõ. Đặc biệt, hiện nay cảnh báo nguy cơ lây lan dịch HIV trong cộng đồng MSM, học sinh, công nhân MSM đang tiếp tục nguy cơ lây nhiễm HIV tiềm ẩn, khó kiểm soát.
Tại Long An, hiện có khoảng hơn 100 khách hàng đã sử dụng PrEP, trong đó chỉ có khoảng 1/3 là người MSM. Đây là một con số không lớn so với số MSM ước tính là 2.000-3.000 tại Long An, cũng như so với khoảng 1.000 người được dùng PrEP vào năm sau ở tỉnh Long An. Chính vì vậy, thời gian tới địa phương đẩy mạnh mô hình điều trị PrEP trong thời gian tới.
Long An là 1 trong 10 tỉnh thành đầu tiên trên phạm vi cả nước triển khai chương trình này từ đầu năm 2019. Các đối tượng đã nhiễm HIV hoặc chưa nhiễm nhưng thuộc các nhóm có nguy cơ bị nhiễm trên địa bàn tỉnh Long An có thể đến đăng ký tham gia, được tư vấn, xét nghiệm, hỗ trợ thuốc uống tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố.
PrEP là chương trình hiệu quả cao trong phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS mới được triển khai thực hiện, còn mới mẻ trong cộng đồng nên ngành Y tế tỉnh Long An đang tăng cường công tác thông tin truyền thông ở các điểm cung cấp dịch vụ PrEP tại Long An, như ở những khu vực đông dân cư như thành phố Tân An và các huyện: Bến Lức, Ðức Hòa, Cần Giuộc, Cần Ðước…