Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi, bổ sung: Tạo hành lang pháp lý thuận lợi chấm dứt bệnh AIDS

04/12/2020 19:25

Mới đây, Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung được Quốc hội chính thức thông qua, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Đồng thời, góp phần giảm số người nhiễm mới HIV xuống dưới 1.000 trường hợp, nâng cao hiệu quả, nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Ảnh: Thùy Chi

Để tìm hiểu thêm về những điểm mới đã được bổ sung, sửa đổi trong bộ luật, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông đã có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Mới đây, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS đã được 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, xin ông cho biết những điểm mới nổi bật trong bộ luật sửa đổi, bổ sung mới được thông qua?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều khoản của Luật Phòng, chống HIV/AIDS dựa trên hai chính sách cơ bản là: Tăng cường tiếp cận thông tin người nhiễm HIV và bảo đảm quyền được tiếp cập dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của mọi đối tượng.

Cụ thể, sửa đổi, bổ sung các thuật ngữ: “Xét nghiệm HIV”, “Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV” và “Dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV” tại Điều 2 về giải thích từ ngữ để bảo đảm cách hiểu thống nhất, chính xác phù hợp với nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.

Bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm HIV của mình cho vợ, chồng, người dự định kết hôn hoặc người sống chung như vợ chồng. Đây là nội dung cần thiết để góp phần bảo vệ quyền được an toàn của mỗi cá nhân và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV từ người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục (Điểm a, khoản 1 Điều 4 của Luật HIV 2006).

Điều chỉnh, bổ sung một số đối tượng nguy cao được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm nhóm người quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính, người có quan hệ tình dục với người nhiễm HIV và với các đối tượng nguy cơ cao, phạm nhân, người bị tạm giữ, tạm giam, nhà tạm giữ, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng (Khoản 2 Điều 11 của Luật HIV 2006).

Bổ sung trường hợp cơ quan thông tin đại chúng thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được thu phí theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phù hợp với thực tiễn về tự chủ tài chính hiện nay, tránh quy định mang tính hình thức là miễn phí nhưng không khả thi. Đồng thời, chỉnh sửa tên một số cơ quan, tổ chức của nhà nước có thay đổi so với trước (Khoản 3, 7 Điều 12 và Điều 18 của Luật HIV 2006).

Điều chỉnh, mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được tham gia một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như: Cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm sàng lọc HIV cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng theo quy định của pháp luật; giới thiệu, tư vấn sử dụng và tuân thủ điều trị, chuyển gửi người nguy cơ cao tham gia điều trị dự phòng trước và sau phơi nhiễm HIV. Đây là những hoạt động, dịch vụ đơn giản, dễ thực hiện và phù hợp với điều kiện của người nhiễm HIV, người nguy cơ cao, tạo điều kiện để những người trong các nhóm đồng đẳng, nhất là người có mặc cảm dễ tiếp cận với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS (Điều 20 của Luật HIV 2006).

Luật hóa để quy định cụ thể các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lẫy nhiễm HIV hiện đang thực hiện theo quy định của Chính phủ và quy định cụ thể các đối tượng được tiếp cận các biện pháp can thiệp giảm tác hại để bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính thống nhất, đồng bộ của pháp luật.

Bổ sung biện pháp can thiệp mới là “dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng virus HIV”. Đây là biện pháp kỹ thuật mới rất có hiệu quả trong phòng lây nhiễm HIV (Điều 21 của Luật HIV 2006).

Giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại hiện nay (Điều 27 của Luật HIV 2006).

Quy định theo hướng phân tách cụ thể các kỹ thuật xét nghiệm tương ứng với phạm vi và điều kiện thực hiện từ đơn giản (xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng) đến phức tạp (khẳng định trường hợp HIV dương tính) để đáp ứng yêu cầu phát triển kỹ thuật hiện nay. Đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với điều kiện của cơ sở xét nghiệm HIV.

Bổ sung quy định người được xét nghiệm HIV cung cấp chính xác địa chỉ nơi cư trú và số chứng minh thư nhân dân hoặc số thẻ căn cước công dân của mình cho cơ sở xét nghiệm trước khi thực hiện xét nghiệm khi muốn nhận kết quả xét nghiệm khẳng định HIV dương tính (Điều 29 của Luật HIV 2006).

Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin người nhiễm HIV để bảo đảm lợi ích của người nhiễm HIV trong việc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho họ cũng như phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV cho người trực tiếp chăm sóc, điều trị cho họ. (Điều 30 của Luật HIV 2006).

Quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí như quy định hiện hành và có thêm nguồn chi trả từ BHYT đối với người có thẻ BHYT theo yêu cầu chuyên môn (Điều 35 của Luật HIV 2006); Bổ sung đối tượng được điều trị miễn phí do không tiếp cận bảo hiểm y tế của các phạm nhân (Điều 39 của Luật HIV 2006). Các quy định này nhằm bảo đảm điều kiện thuận lợi về quyền tiếp cận dịch vụ can thiệp giảm tác hại, xét nghiệm HIV, chăm sóc điều trị HIV/AIDS của mọi người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai, trẻ em, nhóm người yếu thế.

Bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV là biện pháp chuyên môn kỹ thuật mới, hiệu quả cho người có nguy cơ phơi nhiễm với HIV, người phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho các đối tượng này (Điều 36 của Luật HIV 2006).

Quy định cụ thể hơn về nguồn lực và huy động các nguồn lực khác nhau cho phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhằm mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam, thể hiện vai trò Nhà nước trong việc cam kết nguồn lực hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với cộng đồng quốc tế (Điều 43 của Luật HIV 2006).

Bãi bỏ Điều 42 về tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt đối với người bị AIDS giai đoạn cuối, do khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường. Việc bỏ điều khoản này cũng nhằm bảo đảm quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để cho họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị. Mặt khác, hiện nay việc tạm đình chỉ điều tra, miễn chấp hành hình phạt tù và các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đang được thực hiện theo các luật về hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính mới được ban hành.

Bãi bỏ Điều 44 về Quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV. Việc bãi bỏ Quỹ này phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết số 792/2019/NQ-UBTVQH14 ngày 22/10/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các quỹ ngoài ngân sách. Chính phủ sẽ đề xuất ghép nội dung của Quỹ này trong một Quỹ chung về lĩnh vực y tế khi xây dựng trong Luật phòng bệnh trình Quốc hội trong nhiệm kỳ tới. Việc bãi bỏ điều này không làm ảnh hưởng đến quyền được hỗ trợ, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của người nhiễm HIV do việc điều trị HIV/AIDS đã được Quỹ BHYT chi trả hoặc ngân sách nhà nước bảo đảm cho một số đối tượng quy định tại Điều 39 sửa đổi, bổ sung.

Thay vì đủ 16 tuổi trở lên mới được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm HIV như quy định hiện hành, trong Luật sửa đổi, bổ sung đã hạ độ tuổi xuống là 15 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự sẽ được tự nguyện yêu cầu xét nghiệm, xin ông cho biết việc sửa đổi này có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện nay?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Việc giảm độ tuổi được quyền tự nguyện đề nghị xét nghiệm HIV của trẻ em từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi mà không cần sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay cần được xét nghiệm sớm để điều trị kịp thời nếu trẻ nhiễm HIV, bảo đảm quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em, khắc phục được các tồn tại trong bối cảnh hiện nay.

Thực trạng trẻ em hiện đang phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm: Theo thông kê của Tổng cục Dân số, tỷ lệ trẻ vị thành niên có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ngày càng gia tăng nhanh. Hằng năm, trung bình có 250.000 đến 300.000 ca nạo phá thai, trong đó 60%-70% là học sinh, sinh viên ở độ tuổi 15 tuổi -19 tuổi, cá biệt có trường hợp mang thai ở tuổi 12 và 14 là tuổi dậy thì. Cũng theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Hà nội, tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở trẻ vị thành niên có thai cao hơn khá nhiều so với phụ nữ mang thai ở lứa tuổi lớn hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, việc lây nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa: Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số trẻ em nhiễm HIV độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần 3 lần so với năm 2011. Có tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trước tuổi 20.Thêm vào đó là tình trạng ma túy len lỏi vào trường học.

Hiện nay, rất ít trường hợp cha mẹ biết con có nguy cơ lây nhiễm để đưa con đi xét nghiệm: Trẻ em thường không dám thông báo cho bố mẹ biết mình có nguy cơ lây nhiễm HIV do có quan hệ tình dục không an toàn, cơ sở y tế không xét nghiệm HIV khi không được bố mẹ trẻ đồng ý, làm giảm cơ hội trẻ được xét nghiệm, phát hiện HIV sớm.

Bên cạnh đó, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế. Trong Bộ luật Dân sự: Khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự” đối với các giao dịch cơ bản. Luật HIV/AIDS 2018 của Philippines cũng quy định “Người từ đủ 14 tuổi” được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV. Luật HIV/AIDS 2003 của Papua New Guinea quy định “người từ đủ 12 tuổi được tự yêu cầu làm xét nghiệm HIV”.

Ngoài ra, việc hạ độ tuổi trẻ được xét nghiệm tự nguyện cũng giúp trẻ em dễ tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV hơn, được phát hiện HIV sớm, điều trị sớm bảo đảm sức khỏe của trẻ, giảm lây nhiễm HIV cho người khác trong cộng đồng. Đồng thời bảo đảm quyền của trẻ em được gia đình bảo vệ và chăm sóc sức khỏe. Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS quy định trường hợp trẻ đủ 15 tuổi trở lên có kết quả xét nghiệm phát hiện HIV dương tính thì được thông báo đến cha mẹ hoặc người giám hộ để biết và kịp thời hỗ trợ, đưa trẻ đi điều trị.

Vấn đề tiếp cận thông tin, bảo mật thông tin cho người nhiễm HIV cũng là nội dung được sửa đổi trong bộ luật lần này, xin ông cho biết việc sửa đổi này mang lại những lợi ích gì cho những người nhiễm HIV?

TS. Hoàng Đình Cảnh:  Đây là nội dung rất cần thiết nhằm bảo đảm hành lang pháp lý trong cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS tại các cơ sở y tế. Bởi quy định tại điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS hiện tại, chỉ những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc cho người nhiễm HIV mới được biết thông tin về người nhiễm HIV, tuy nhiên trong thực tế một bệnh nhân trong cơ sở y tế có nhiều người tham gia gián tiếp vào quá trình điều trị cho người nhiễm HIV, như các nhân viên hành chính trong tiếp nhận, thanh quyết toán viện phí, nhân viên tổng hợp hồ sơ bệnh án trong cấp phát thuốc, trưởng khoa phòng bệnh viện, bác sĩ trực…

Ngoài ra, nếu bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả, thì quy trình của thanh toán bảo hiểm y tế có bước chuyển thông tin bệnh nhân lên cổng thanh toán điện tử của bảo hiểm y tế, nhân viên bảo hiểm y tế có thể giám định tính trung thực trên hồ sơ bệnh án của người bệnh được thanh toán bảo hiểm y tế.

Việc thực hiện được chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV theo đúng quy định tại điều 30 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, chỉ có cách là thiết lập 1 hệ thống riêng để điều trị HIV/AIDS, điều này trên thực tế là không khả thi, khi số người nhiễm HIV điều trị HIV/AIDS càng ngày càng nhiều (hiện 150.000 người). Do đó, việc bổ sung một số người trong cơ sở y tế được phép biết thông tin người nhiễm HIV trong quá trình khám điều trị và thanh toán bảo hiểm y tế là cần thiết để phù hợp với thực tiễn và quy định pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và bảo hiểm y tế.

Việc sửa đổi bảo mật thông tin, tiếp cận thông tin cũng giúp bảo đảm công tác giám sát dịch HIV/AIDS. Cụ thể, về kỹ thuật giám sát dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và HIV/AIDS nói riêng là cần phải xác định địa bàn, nhóm người có nguy cơ, giới, tuổi để có thông tin xây dựng chính sách, lập kế hoạch, triển khai các biện pháp can thiệp đúng địa bàn, đối tượng phù hợp mới có hiệu quả cao và ngăn chặn sự lây lan của dịch kịp thời.

Ngoài ra, do đặc thù của người nhiễm HIV thường xét nghiệm HIV lặp lại nhiều lần, tại nhiều nơi, nên nếu tổng hợp về số liệu tổng hợp sẽ tăng số liệu so với thực tế, ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, phân tích dịch HIV/AIDS.

Trong kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS hiện nay cho thấy, điều trị HIV/AIDS sớm là một biện pháp dự phòng hiệu quả, khi người nhiễm HIV có lượng virus trong máu thấp (dưới ngưỡng phát hiện hoặc dưới 200 bản sao/ ml máu) thì không lây nhiễm HIV. Thực tế hiện nay theo báo cáo hiện nay có khoảng 210.000 người nhiễm HIV đã biết tình trạng HIV, nhưng chỉ có 150.000 người tham gia điều trị, như vậy có 60.000 người biết tình trạng HIV của mình chưa tham gia điều trị ARV. Nếu chúng ta cho phép người trong làm công tác phòng, chống HIV/AIDS được phép tiếp cận những người nhiễm HIV chưa điều trị để tiếp cận người nhiễm để tư vấn, hỗ trợ họ tham gia điều trị sớm cũng là một giải pháp quan trọng trong dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Việc bổ sung, sửa đổi mang lại lợi ích cho người nhiễm HIV, giúp cho người nhiễm HIV được chăm sóc điều trị sớm, bảo đảm sức khỏe của người nhiễm HIV.

Đối với cơ sở y tế, giúp tạo hành lang pháp lý thuận lợi trong triển khai chăm sóc điều trị cho người nhiễm HIV, giám sát và kiểm soát tình hình dịch HIV/AIDS. Đối với cộng đồng, giúp cho họ có thông tin người nhiễm HIV để xác định đối tượng, địa bàn để triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Trong bộ luật được bổ sung, sửa đổi, để duy trì tính ưu việt của chính sách hiện hành, đồng thời bảo đảm tính công bằng giữa các nhóm đối tượng, việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai cũng là một nội dung được đặc biệt chú trọng, xin ông cho biết sự cần thiết của việc sửa đổi?

TS. Hoàng Đình Cảnh: Lây truyền HIV từ mẹ sang con xảy ra chủ yếu vào 3 tháng cuối của thai kỳ hoặc khi cho con bú.  Mức độ lây truyền phụ thuộc vào số lượng HIV của người mẹ. Nếu người mẹ nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiệu quả có số lượng HIV thấp dưới 1000 bản sao/ml vào lúc chuyển dạ thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 0,5%, tức là 99,5% trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ. Nếu người mẹ nhiễm HIV không điều trị thuốc ARV thì có từ 30%-45% trẻ nhiễm HIV từ mẹ.

Tại Việt Nam, hằng năm có khoảng 1.800-2.000 trẻ được làm xét nghiệm chẩn đoán sớm nhiễm HIV với tỷ lệ HIV dương tính giảm từ 10% vào năm 2011 xuống 5,4% vào năm 2019. Tuy nhiên, trong nhóm trẻ có mẹ được điều trị bằng thuốc ARV thì tỷ lệ này năm 2019 là 1,6%.

Mặt khác, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế hiện chiếm khoảng 90%. Trong khi đó, xét nghiệm HIV là một xét nghiệm phổ biến, dễ thực hiện tại tất cả các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thuộc danh sách xét nghiệm được quỹ bảo hiểm y tế chi trả với chi phí là 54.000 đồng/xét nghiệm.

Tần xuất xét nghiệm tốt nhất là 3 lần/thai kỳ trùng với thời kỳ khám thai. Tuy nhiên, có thể thực hiện 2 lần/thai kỳ với lần xét nghiệm thứ hai phải thực hiện vào kỳ khám thai thứ hai. Tổng kính phí ước tính hằng năm có 1,8 triệu - 2 triệu phụ nữ mang thai sinh con, trong số này có khoảng 10% đã biết tình trạng nhiễm HIV trước đó. Như vậy, ước tính kinh phí cho xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là 194 đến 292 tỷ đồng/năm.

Để hướng đến mục tiêu loại trừ trẻ nhiễm HIV từ mẹ thì 100% phụ nữ mang thai chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần được làm xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV sớm. Do đó, việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn là việc làm nhân văn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
}
Top