Luật Phòng chống ma túy 2021: Nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với thực tiễn

22/12/2021 17:31

(Chinhphu.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Luật Phòng, chống ma túy 2021 tổ chức vào ngày 22/12, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã nêu những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, trong đó có nhiều điểm tiến bộ, phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an). Ảnh: HG

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh của kinh tế, văn hóa - xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến công tác phòng, chống ma túy xuất hiện nhưng chưa có quy định điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn, cụ thể: Chưa có quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; quy định về công tác cai nghiện còn một số bất cập; một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy không thống nhất, đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự…

Đảm bảo công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm

Luật Phòng, chống ma túy 2021 gồm 8 chương, 55 điều. Trong đó, chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy.

Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ.

Quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; khuyến khích người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào hoạt động cai nghiện ma túy, hỗ trợ quản lý sau cai nghiện, phòng, chống tái nghiện ma túy được miễn, giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, đây là chính sách của Nhà nước để đảm bảo công tác phòng, chống ma túy có hiệu quả và trọng tâm, trọng điểm, khuyến khích, xã hội hóa trong công tác cai nghiện. Đồng thời động viên các lực lượng chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống ma túy, một mặt trận đầy khó khăn, gian khổ.

Đối với nội dung kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, so với Luật cũ, Luật mới đã bổ sung hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; kiểm nghiệm, kiểm định; nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vào kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ lần đầu phát hiện

Đặc biệt, chương Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là chương được quy định mới, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đảm bảo quản lý chặt chẽ người sử dụng trái phép chất ma túy, góp phần ngăn chặn, hạn chế đầu vào người nghiện, giảm "nguồn cầu" về ma túy, cũng như các loại tội phạm.

Theo quy định của pháp luật hiện hành người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử phạt hành chính cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000đ đến 1.000.000đ nên không đủ sức răn đe, ngoài ra không có biện pháp quản lý nào khác.

Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy là biện pháp phòng ngừa nhằm giúp người sử dụng trái phép chất ma túy không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật của họ. Thời hạn quản lý là 1 năm  kể từ ngày có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã.

Việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được thực hiện ngay từ lần đầu phát hiện người đó có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và không phải là biện pháp xử lý vi phạm hành chính.

Công an cấp xã giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp lập danh sách và chủ trì quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương.

Quy định cụ thể các trường hợp xác định tình trạng nghiện

Đối với cai nghiện ma túy, khác với luật cũ, Luật Phòng, chống ma túy 2021 đã quy định cụ thể các trường hợp xác định tình trạng nghiện để Công an cấp xã kịp thời đưa đi xác định tình trạng nghiện, nhằm sớm phát hiện người nghiện ma túy, áp dụng biện pháp cai nghiện phù hợp.

Biện pháp cai nghiện ma túy được quy định tại Điều 28, gồm: Cai nghiện ma túy tự nguyện và cai nghiện ma túy bắt buộc. Cai nghiện ma túy tự nguyện được thực hiện tại gia đình, cộng đồng hoặc tại cơ sở cai nghiện ma túy. Cai nghiện ma túy bắt buộc được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy công lập. Khác với luật cũ, luật mới không quy định cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng.

Cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, quy định tại Điều 30: Được thực hiện với sự trợ giúp chuyên môn của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy, sự phối hợp, trợ giúp của gia đình, cộng đồng và chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân cấp xã.

“Đây là điểm tiến bộ của Luật, đảm bảo tính chuyên sâu trong công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, đảm bảo công tác cai nghiện có hiệu quả. Luật cũ quy định giao cho cán bộ ở cấp xã kiêm nhiệm thực hiện, do vậy không chuyên sâu, làm hình thức, không hiệu quả”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện nói.

Điều 32 của Luật cũng quy định: Đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Để đảm bảo quyền con người, quyền tự do đi lại và cư trú theo quy định của Hiến pháp 2013 và phù hợp với Luật cư trú, Luật không phân biệt đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc giữa người có nơi cư trú ổn định và không có nơi cư trú ổn định. Tức là tất cả người nghiện, không phân biệt nơi cư trú, khi bị phát hiện là nghiện đều được đăng ký cai nghiện tự nguyện, nếu nghiện các chất dạng thuốc phiện thì được đăng ký điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Theo quy định của Luật cũ thì người nghiện từ đủ 18 tuổi trở lên không có nơi cư trú ổn định thuộc trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định chặt chẽ các trường hợp bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên.

Ngoài ra, Điều 34 của Luật đã quy định cụ thể về việc lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Do Luật cũ không quy định nên hiện nay không đưa được người nghiện ở độ tuổi này vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, trong khi đó độ tuổi người nghiện ngày càng trẻ hóa. Việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do Tòa án nhân dân cấp huyện quyết định và không phải là biện pháp xử lý hành chính.

Điều 37 của Luật quy định về áp dụng biện pháp cai nghiện ma túy cho người Việt Nam bị nước ngoài trục xuất về nước do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy; người nước ngoài nghiện ma túy sinh sống tại Việt Nam. Luật cũ không có quy định này.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, quy định này phù hợp với thực tiễn trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, có nhiều người Việt Nam ra nước ngoài sinh sống và ngược lại có nhiều người nước ngoài đến làm việc, học tập và sinh sống ở Việt Nam.

Về quản lý sau cai nghiện ma túy, Luật cũ quy định việc quản lý sau cai tại cơ sở quản lý sau cai, tác động đến quyền con người, thực tế không hiệu quả. Luật phòng, chống ma túy năm 2021 không quy định việc quản lý sau cai nghiện tại cơ sở quản lý sau cai, chỉ quy định áp dụng quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra quyết định và tổ chức quản lý, hỗ trợ xã hội sau cai nghiện ma túy.

}
Top