Luật Phòng, chống ma túy năm 2021: Góp phần kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy
(Chinhphu.vn) - Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 thể hiện sự quyết tâm của nước ta tiếp tục thực hiện cam kết với quốc tế; đồng thời, là cơ sở pháp lý quan trọng để kiểm soát tốt các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, góp phần phòng ngừa tệ nạn và tội phạm về ma túy.
Tổ công tác liên ngành kiểm tra hệ thống bồn chứa tiền chất |
Công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy luôn được Nhà nước ta quan tâm. Từ ngày 1/7/1997, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 798/QĐ-CTN về việc tham gia 3 Công ước của Liên Hợp Quốc về quản lý và kiểm soát các chất ma túy, chất hướng thần.
Thực hiện các cam kết này, những năm qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết; đồng thời, chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu, ban hành nhiều văn bản pháp luật hướng dẫn, chỉ đạo các cấp, các ngành và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.
Gần đây, với Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 là cơ sở pháp lý để nước ta tiếp tục thực hiện các cam kết với quốc tế và tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống và kiểm soát ma túy.
Nhìn lại quá trình 24 năm thực hiện công tác kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất quan tâm nhưng đối với nhiều đơn vị, địa phương công việc này còn mới mẻ, lại cần có sự phối hợp của nhiều ngành nên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.
Theo Điều 12 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022) thì hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy là hoạt động được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép, bao gồm:
Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất chất ma túy (không bao gồm trồng cây có chứa chất ma túy), tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thúy y có chứa chất ma túy, tiền chất;
Vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất;
Nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc và thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.
Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy này được kiểm soát chặt chẽ theo quy định của Luật phòng, chống ma túy và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo các Điều từ 13 đến Điều 21 Chương 3 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 thì công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy bao gồm các nội dung sau đây:
Kiểm soát hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất chất ma túy, tiền chất. Hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất chất ma túy (không bao gồm trồng cây có chứa chất ma túy), tiền chất phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Kiểm soát hoạt động vận chuyển chất ma túy, tiền chất. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì được vận chuyển chất ma túy, tiền chất; khi thực hiện việc vận chuyển phải đóng gói, niêm phong theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng, có biện pháp bảo vệ an toàn, không để bị thất thoát trong quá trình vận chuyển và chịu sự theo dõi, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Kiểm soát hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc. Việc kiểm soát hoạt động liên quan đến thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc thực hiện theo quy định của pháp luật về dược và luật phòng, chống ma túy.
Kiểm soát hoạt động liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất. Việc kiểm soát hoạt động liên quan đến thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Kiểm soát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc. Các hoạt động sau đây phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép: Nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập chất ma túy, tiền chất; Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc.
Hoạt động quá cảnh lãnh thổ Việt Nam chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc phải theo đúng hành trình đã ghi trong giấy phép quá cảnh. Cơ quan, tổ chức thực hiện việc quá cảnh phải làm thủ tục, chịu sự kiểm soát của cơ quan Hải quan và cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy vì mục đích quốc phòng, an ninh. Hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, tồn trữ, bảo quản, sử dụng, nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất vì mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Kiểm soát thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất vì mục đích sơ cứu, cấp cứu trong cuộc hành trình, du lịch quốc tế, điều trị bệnh cho bản thân người nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh. Việc mang theo thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất dự phòng cho việc sơ cứu, cấp cứu trên tàu thủy, tàu bay, tàu hỏa, ô tô hoặc các phương tiện vận tải khác trong cuộc hành trình, du lịch quốc tế không bị coi là mang hàng xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.
Người chỉ huy, người điều khiển phương tiện vận tải có trách nhiệm khai báo với cơ quan Hải quan của Việt Nam, giải trình về số lượng thuốc đã sử dụng, áp dụng các biện pháp an toàn thích hợp để ngăn chặn việc sử dụng không đúng mục đích hoặc vận chuyển trái phép các thuốc đó và chịu sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Việc mang theo thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất để điều trị bệnh cho bản thân người nhập cảnh, xuất cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ và chịu sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
Xử lý chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất thu giữ trong vụ việc vi phạm pháp luật. Chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất bị thu giữ trong các vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính được xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, quy định tại Luật phòng, chống ma túy có trách nhiệm lập hồ sơ và báo cáo theo quy định của Chính phủ và các ngành liên quan.
Như vậy, để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống dân sinh và đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nước ta phải sử dụng đến một chất ma túy và sản phẩm có chứa chất ma túy. Đây chính là các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; do vậy, sử dụng, phân phối, lưu thông cần phải quản lý chặt chẽ, không để một số đối tượng lợi dụng vào tệ nạn và tội phạm ma túy.
Với việc kế thừa các văn bản quy phạm trước đây, Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để nước ta tiếp tục thực hiện cam kết với quốc tế về phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tệ nạn và tội phạm về ma túy.