Ma Hoàng, loài thực vật “nguyên liệu” ma túy

30/04/2012 16:30

Ma hoàng là tên gọi một chi thực vật gồm có 40 loài khác nhau và mọc hoang dã ở rất nhiều nơi trên thế giới. Ngoài mục đích dùng làm thuốc chữa bệnh từ lâu đời nay, Ma hoàng còn được dùng để phục vụ tế lễ ở Châu Á, Châu Mỹ và Châu Âu.

Ma Hoàng thảo.

Hiện nay, loài cây này được dùng làm nguyên liệu để sản xuất thành các loại cao lỏng, cao đặc và chiết xuất tinh chế ancaloit có tên là ephedrin và pseudoephedrin.

Các sản phẩm chiết xuất từ Ma hoàng ngày càng được sử dụng nhiều để làm thực phẩm bổ trợ cho người ăn kiêng và điều chế để làm thuốc giảm cân, chữa bệnh béo phì.

Năm 1887, lần đầu tiên con người phát hiện ra loại ancaloit trong cây Ma hoàng và đã được tổng hợp thành công chất này vào năm 1920. Sau đó ephedrin tổng hợp dần dần được sử dụng để thay thế các chất tự nhiên.

Ephedrin có cấu trúc hóa học và tác dụng dược lý tương tự như epinephrin và amphetamin. Ephedrin bắt đầu được sử dụng trong nền y học phương Tây từ thập niên 1930 và sớm được “nối gót” bởi hai ancaloit gần gũi là pseudoephedrin và norpseudoephedrin.

Kể từ đó đến nay, những hoạt chất này vẫn được dùng để pha chế các loại thuốc phổ biến trên thế giới.

Ngoài tác dụng kích thích lên hệ thần kinh trung ương, ephedrin còn có tác dụng điều trị bệnh hen phế quản, chữa ngạt mũi, viêm mũi do bị cảm lạnh, dị ứng hay sốt phát ban.

Ephedrin, pseudoephedrin và norpseudoephedrin là những thành phần chính dùng để pha chế các loại dược phẩm như thuốc nhỏ mũi, viên nén, viên nhộng và được bán tại các nhà thuốc theo đơn của bác sĩ.

Trong quá trình sử dụng, nhiều nước trên thế giới đã phát hiện thấy ephedrin và các ancaloit cùng loại đã bị lạm dụng làm chất kích thích không vì mục đích y tế. Chúng thường được dùng để chế tạo thuốc giả hay làm dùng tiền chất để điều chế amphetamin tại các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp bí mật.

Pseudoephedrin có tác dụng dược lý giống ephedrin nhưng tác dụng kích thích lên hệ thần kinh trung ương yếu hơn so với ephedrin. Do đó, khả năng bị lệ thuộc (gây nghiện) kém hơn so với ephedrin.

Cả ephedrin và pseudoephedrin đều là tiền chất bị kiểm soát ghi trong Bảng I của Công ước Kiểm soát buôn lậu ma túy và chất hướng thần năm 1988 của Liên Hiệp Quốc.

Còn norpseudoephedrin là chất hướng thần bị kiểm soát được ghi trong Bảng III của Công ước kiểm soát chất hướng thần năm 1971 của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, Ma hoàng và các sản phẩm của nó đang làm các cơ quan chức năng kiểm soát ma túy phải đau đầu, bởi loài cây này có chứa rất nhiều ephedrin dùng làm nguyên liệu để điều chế các loại ma túy tổng hợp ATS, đặc biệt là ở Châu Á.

}
Top